19.2.07

LÊ TIẾN CÔNG - Luận văn thạc sĩ HB6 (2006) -- 1

LUẬN VĂN THẠC SĨ
(bảo vệ tại Đại học Khoa học Huế, tháng 10 HB6 [2006])
của LÊ TIẾN CÔNG
(hiện công tác tại Tạp chí Huế Xưa & Nay)

“Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển
các tỉnh miền Trung
dưới triều Nguyễn:
thời kì 1802-1858”


MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài


1.1. Biển cả là nơi nguy nan, dữ dội và hiểm độc; là mối lo sợ và cũng là nơi thách đố con người. Tuy “biển không phải là đất nhưng là đất nối dài” (từ của GS. Cao Huy Thuần [152]) và, Việt Nam không phải là dân tộc thủy thủ nhưng có cách ứng xử trước biển theo cách của riêng mình. Lịch sử dân tộc chứng minh rằng, biển luôn có một vị thế quan trọng đối các triều đại phong kiến. Điều đó thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ngày nay, trong định hướng phát triển vùng của Chính phủ giai đoạn 2001-2010, khu vực biển và hải đảo được xác định: “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”[30, 182]. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của biển, đảo trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Nghiên cứu về việc tổ chức và hoạt động bảo vệ quốc gia trên biển, trực tiếp là hệ thống phòng thủ vùng biển trong lịch sử có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay.

1.2. Là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều Nguyễn đã kế thừa những tri thức, kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ đất nước của các triều đại trước để xây dựng một quốc gia thống nhất, vững mạnh có vị trí trong khu vực. Đặc biệt, khi những cuộc thăm dò của thực dân phương Tây núp dưới danh nghĩa thương mại và truyền giáo ngày một nhiều, lộ rõ ý đồ xâm lược, thì nhu cầu bảo vệ quốc gia từ phía biển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước yêu cầu và hoàn cảnh lịch sử mới, triều Nguyễn đã nhận thấy cần phải bảo vệ quốc gia không chỉ ở biên giới mà còn phải chú trọng nhiều trong phòng thủ vùng biển, đặc biệt là vùng biển miền Trung, nơi có Kinh đô và nhiều cửa biển, địa hình phức tạp, giữ một vị trí quan trọng trên đường hàng hải quốc tế.

Thay đổi cái nhìn truyền thống và hướng tới việc chú trọng bảo vệ quốc gia là phòng thủ vùng biển, các vua nhà Nguyễn đã thi hành nhiều biện pháp bảo vệ thường xuyên trên vùng biển nói chung và ở miền Trung nói riêng. Tuy còn những hạn chế nhất định song những biện pháp đó đương thời phát huy tác dụng không nhỏ. Vì thế, nghiên cứu về việc tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển miền Trung nửa đầu thế kỷ XIX của triều Nguyễn mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, góp phần phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

1.3. Đây là một đề tài tương đối rộng nhưng chúng tôi cho rằng nó có tính khả thi bởi các lý do:

- Nghiên cứu về triều Nguyễn trong những năm gần đây có nhiều thành tựu quan trọng, cho phép nhận thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn về triều đại này.

- Hiện nay, nhiều tư liệu về nhà Nguyễn đã được khai thác, biên dịch có tính tổng thể và chuyên sâu, chúng tôi có thể tiếp cận và kế thừa những công trình của những người đi trước, nâng lên tầm tổng quát.

- Chúng tôi có một qúa trình học tập, nghiên cứu và đang công tác tại miền Trung nên có thuận lợi trong nghiên cứu điền dã ven biển mà theo chúng tôi hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu trong cái nhìn hệ thống và khoa học.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Những ghi chép, nghiên cứu rời rạc có liên quan tới vùng biển Việt Nam trước năm 1945 trước tiên phải kể đến những người nước ngoài, nhất là các tác giả người Pháp. Các ghi chép, báo cáo, nhật ký của các giáo sĩ, thương nhân, quân nhân của các nước khác đến nước ta trước đây như: “Xứ Đàng Trong” của C. Borri [14], “Hải ngoại kỉ sự” của Thích Đại Sán (1695) [99], “Một chuyến du hành tới Đàng Trong những năm 1792-1793” của John Barrow [13],... Nhìn chung, tác tài liệu trên đã đề cập tới vùng biển miền Trung với nhiều góc độ khác nhau như: địa lí - địa hình, kinh tế, chính trị, xã hội và hoạt động quân sự, ngoại giao… tác giả có thể tham khảo khi nghiên cứu đề tài.

Thư tịch cổ của Việt Nam và các nước sớm đề cập đến vùng biển Việt Nam, như “Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” hay “Toản tập An Nam lộ đồ” của Đỗ Bá Công Đạo (thế kỷ XVII); “Phủ biên tạp lục” (cuối thế kỷ XVIII) của Lê Quý Đôn [35], Đại Nam thực lục [79], [80], [81], [82], [83], [84], [85], [86], [87], “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Việt sử cương giám khảo lược” của Nguyễn Thông (thế kỷ XIX) (xem thêm phần “Lịch sử nghiên cứu vấn đề” trong Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Nhã [69, ii-iv])

Giai đoạn từ 1945-1975, có một số bài viết trên các tập san chuyên đề như Khảo cổ, Sử Địa (Sài Gòn), Đại học Huế và một số công trình của các tác giả như Trần Văn Giàu, Thành Thế Vỹ, Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Trần Trọng Kim... với những thông tin bổ ích liên quan đến đề tài. Đáng chú ý có Luận văn Thạc sĩ của Võ Văn Dật “Lịch sử Đà Nẵng 1306-1950”, bảo vệ năm 1974 tại Đại học Văn khoa Huế [28], đề cập tới nhiều khía cạnh, trong đó có hoạt động phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh, phương pháp luận, tư liệu... nên Luận văn vẫn còn những hạn chế nhất định.

Năm 1974, Võ Long Tê với tác phẩm “Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d' histoire et de ge'ographie” [106]. Và năm 1975, nhóm nghiên cứu Sử Địa (Sài Gòn) ra số 29, “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” [38], [39], [41], [44], [48], [53], [66], [67], [68]. Đó là hai công trình giá trị, chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.

Từ 1975 đến nay, việc nghiên cứu về lịch sử nhà Nguyễn nói chung được quan tâm đúng mức với một số thành tựu quan trọng. Liên quan tới đề tài luận văn có một số công trình như "Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm” của Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, xuất bản năm 1983 với rất nhiều đóng góp, nhưng chỉ nghiên cứu đến thời Tây Sơn [129]. Luận án “Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” của tác giả Đỗ Bang (1993)[7], Luận văn Thạc sĩ của Lưu Anh Rô về “Đà Nẵng trong buổi đầu chống xâm lược Pháp (1858-1860)”, (bảo vệ tại Đại học Khoa học Huế năm 2000, xuất bản năm 2005) [97]. Luận án Tiến sĩ của Lưu Trang với đề tài “Phố cảng Đà Nẵng từ năm 1802 đến năm 1860”, (bảo vệ năm 2004 tại ĐHSP Hà Nội, xuất bản năm 2005) [116], nghiên cứu sâu và khá triệt để nhưng chỉ trên đối tượng nhỏ lẻ như tiêu đề từng công trình.

Riêng về hải đảo, theo tác giả Nguyễn Nhã, từ những năm sau 1975, Ban Biên giới Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, nghiên cứu và thông báo nhiều tư liệu quý, đặc biệt về Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây có một số đề tài khoa học cấp Quốc gia, đáng lưu ý là “Hợp đồng nghiên cứu khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ trì (báo cáo năm 1995). Nhiều hội thảo khoa học liên quan đã được tổ chức. Cho đến năm 2002 trên mạng internet có 970 tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa [69, ii-iv].

Năm 2003, Nguyễn Nhã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ "Qúa trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, (hoàn thành năm 2002), với những bằng chứng hùng hồn chứng minh quá trình chiếm hữu thực sự, hoà bình và thực thi liên tục của các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [69, 29].

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, những năm năm 1996-1998, tác giả Phạm Kim Hùng (Hà Nội) đã biên soạn cuốn "Nghiên cứu, phản bác cuốn sách "Tổng hợp sử liệu các đảo Nam hải nước ta” do Hàn Chấn Hoa chủ biên". Công trình này gồm 7 phần, nhưng còn đang chỉnh lý thì tác giả qua đời nên cho đến nay vẫn chỉ được xem là “Cuốn sách quý về Hoàng Sa chưa được xuất bản” [149]

Ngoài ra có một số Khoá luận Cử nhân của Nguyễn Văn Đăng (1989) [32], Đỗ Quỳnh Nga (2003) [71], và một số bài viết của Lê Đình Liễn “Công cuộc phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng của triều đình Huế trước sự xâm lược của thực dân Pháp năm 1858)”[65], Nguyễn Quang Trung Tiến: “Triều đình Huế với mặt trận chống Pháp ở Đà Nẵng năm 1858” [111], “Qúa trình thiết lập hệ thống phòng thủ cửa Thuận An”[112],... các bài nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng [126], [127], GS. Đỗ Văn Ninh [72], Tố Am Nguyễn Toại [113], [114], Huỳnh Lý [62],... nghiên cứu trong không gian rộng hơn và cung cấp nhiều thông tin quý giá.

Phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn, quan trọng và được quan tâm nhiều nhất là của biển Đà Nẵng - nơi duy nhất dùng đón tiếp các thương khách và sứ thần phương Tây, cũng là nơi có vị trí quan trọng, cận Kinh đô. Chính vì thế, cho tới nay giới sử học rất quan tâm và có nhiều tác giả nghiên cứu với nhiều thành tựu đáng ghi nhận...

Tuy nhiên, các tác giả chỉ nghiên cứu trên từng đối tượng riêng lẻ, chủ yếu chú trọng về phòng thủ ở các cửa biển. Để có cái nhìn tổng thể, toàn diện chúng tôi đề xuất một hướng nghiên cứu rộng hơn, trên cả vùng biển miền Trung mà chưa có tác giả nào nghiên cứu.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đề tài giới hạn trong phạm vi không gian miền Trung, tương đương với các tỉnh từ Thanh Hóa tới Bình Thuận hiện nay. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược và vị thế quan trọng trong bảo vệ đất nước. Đặc biệt, dưới triều Nguyễn, Kinh đô đóng ở Phú Xuân vì thế vùng Kinh đô, Tả trực, Hữu trực, Tả kỳ, Hữu kỳ đều được quan tâm xây dựng hệ thống phòng thủ thường xuyên. Nghiên cứu phòng thủ vùng biển miền Trung chính là nghiên cứu nơi bố phòng mạnh nhất thời Nguyễn.

- Thời gian nghiên cứu trong đề tài từ năm 1802 đến năm 1858, tức từ khi triều Nguyễn được thiết lập đến thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Đây là thời kì mà việc tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển được thể hiện liên tục và có hệ thống.

- Nội dung trọng tâm của đề tài là nghiên cứu về tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển, bao gồm cả cửa biển, mặt biển và hải đảo của triều Nguyễn ở miền Trung, nhằm thấy được một cách cụ thể và khái quát về công cuộc bảo vệ vùng biển, cũng là bảo vệ quốc gia đương thời. Từ đó tìm ra những mặt hiệu quả và hạn chế cũng như những kinh nghiệm lịch sử phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay (*).

[Cước chú: (*) Tên đề tài Luận văn là “Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn: thời kì 1802-1858”, để tránh lặp lại, bất tiện cho việc diễn giải và đặt tên các chương].

4. Nguồn tư liệu nghiên cứu

Nguồn tư liệu thực hiện đề tài này trước hết và quan trọng nhất là những tư liệu gốc- tư liệu nhà nước đương thời đã được các cơ quan khoa học tổ chức biên dịch trong thời gian qua như “Châu bản triều Nguyễn” [21], [22], [23], [120], “Đại Nam thực lục” (tiền biên và chính biên) [79], [80], [81], [82], [83], [84], [85], [86], [87], “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” [74], “Đại Nam nhất thống chí” [89], [90], [91], “Minh Mệnh chính yếu” [92], [93], [94], các bản đồ cổ [PL 3, PL 4, PL 5, PL 6, PL 7, PL 9]... các tài liệu ghi chép của các giáo sĩ, binh sĩ, thương nhân... nước ngoài đương thời có mặt ở nước ta; được giới nghiên cứu sưu tầm, công bố... chúng tôi có thể kế thừa [132], [75], [45], ...

Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đề tài này cũng bổ sung cho tác giả nhiều thông tin cũng như nhận định có thể tham khảo một cách hữu ích.

Nguồn tư liệu quan trọng khác là những tư liệu nghiên cứu điền dã như: trực tiếp quan sát, đo, vẽ, chụp hình; tìm hiểu về địa hình cửa biển, văn bia, gia phả, truyện kể... ở những làng xã miền biển bổ sung và cũng cố những nhận định, đánh giá liên quan đến đề tài.

Nguồn tư liệu phong phú trên mạng internet với nhiều thông tin, hình ảnh liên quan cũng được tác giả khai thác bổ sung, chủ yếu có giá trị tham khảo [141] đến [162].

5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng kết hợp phương pháp luận nghiên cứu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng những phương pháp chuyên ngành khoa học lịch sử và liên ngành khảo cổ học, dân tộc học...và các phương pháp cụ thể như sưu tầm, sử lý tư liệu. Phương pháp điền dã ở các địa phương có những cửa biển quan trọng. Phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu... nhằm thấy được tính cụ thể và tổng quát nhất mà đề tài hướng tới.

Trong xử lý tư liệu, tác giả luận văn cố gắng bám vào tư liệu gốc và các tư liệu dịch thuật bởi các cơ quan chuyên môn có uy tín. Tuy nhiên có nhiều lý do khách quan, tác giả không thể tiếp cận tư liệu gốc mà phải trích dẫn lại, trong những trường hợp như vậy, tác giả đều nói rõ nguồn; tác giả gạch chân ở những điểm muốn nhấn mạnh trong luận văn.

6. Kết quả và đóng góp của luận văn

Nếu thực hiện thành công, luận văn sẽ có những đóng góp sau:

6.1. Lần đầu tiên có một công trình khoa học đánh giá khá đầy đủ, khách quan và hệ thống công cuộc tổ chức và những hoạt động phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn.

Nghiên cứu về phòng thủ vùng biển cũng là nghiên cứu một phần quan trọng của lịch sử quân sự Việt Nam. Đặc biệt, vào thời Nguyễn, việc bảo vệ quốc gia không còn như trước mà là đối phó với âm mưu xâm lược của phương Tây. Chính vì thế, công cuộc tổ chức và hoạt động phòng thủ cũng có sự thay đổi theo thời thế. Dưới góc độ sử học, tác giả hệ thống khái quát toàn bộ công tác tổ chức và những hoạt động phòng thủ vùng biển. Trên cơ sở các tài liệu tin cậy, kế thừa có chọn lọc những công trình tham khảo, tác giả đưa ra những phân tích, đánh giá độc lập.

6.2. Từ thực tiễn nghiên cứu, luận văn bước đầu rút ra một số kinh nghiệm thiết thực có thể tham khảo, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

6.3. Luận văn tập hợp, hệ thống những tài liệu liên quan đến biển đảo trong lịch sử Việt Nam, có thể sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở các trường đại học.

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, lời cám ơn, lời cam đoan, danh mục chữ viết tắt và phụ lục, phần nội dung luận văn được chia làm 3 chương. Cụ thể như sau:

Chương 1: Tổ chức và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung trước năm 1802

1.1. Khái quát về vùng biển miền Trung
1.2. Tổ chức và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung trước năm 1802
1.2.1. Bảo vệ vùng biển miền Trung dưới thời Champa
1.2.2. Bảo vệ vùng biển miền Trung thời Đại Việt

Chương 2: Tổ chức phòng thủ vùng biển các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn: thời kì 1802-1858

2.1. Vị thế của biển trong con mắt các vua đầu triều Nguyễn
2.2. Tổ chức, trang bị và huấn luyện quân đội
2.3. Thông tin liên lạc
2.4. Xây dựng hệ thống phòng thủ vùng biển
2.4.1. Hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng
2.4.2. Hệ thống phòng thủ ở cửa biển Thuận An
2.4.3. Hệ thống phòng thủ ở các tỉnh khác

Chương 3: Hoạt động phòng thủ vùng biển các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn: thời kì 1802-1858

3.1. Chống ngoại xâm
3.2. Phòng chống cướp biển
3.3. Tuần tra
3.4. Kiểm soát tàu thuyền ra vào
3.5. Cứu hộ, cứu nạn



CHƯƠNG 1
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ BIỂN MIỀN TRUNG
TRƯỚC NĂM 1802

1.1. KHÁI QUÁT VỀ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG


Theo tài liệu tuyên truyền biển đảo, (phổ biến trên Website của Đảng Cộng sản Việt Nam: http://www.cpv.org.vn/) [154], Việt Nam giáp với biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông với bờ biển dài 3.260km, khoảng l00km2 thì có lkm bờ biển; biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2/330.000km2).

Vùng biển miền Trung có vị trí quan trọng trong tổng thể biển đảo Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.

Vùng biển Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.

Quốc phòng, an ninh: biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển-đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển-đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển; trường tồn của đất nước.

Đảo và quần đảo: vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó: Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo. Bắc Trung bộ trên 40 đảo. Còn lại ở vùng biển nam Trung bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:

+ Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ...

+ Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.

+ Các đảo ven bờ gần có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...

Tầm quan trọng của biển đảo miền Trung được đánh giá: "Khu vực biển mà hai quần đảo án ngữ có nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực, năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông bao gồm các con đường từ Tây Âu, bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy- ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu – Di Lân, con đường hàng hải bắc Thái Bình Dương từ tây bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á, con đường từ Đông Á đến Úc và Niu – Di Lân, và từ Đông đến Trung Đông. Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo... phụ thuộc sống còn vào các tuyến hàng hải này" [154]

Với vị trí quan trọng của nó, từ trong lịch sử, vùng biển đã được cha ông chú ý khai thác và bảo vệ, thực thi chủ quyền lãnh thổ như là một phần máu thịt của quốc gia Đại Việt.

1.2. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ BIỂN MIỀN TRUNG TRƯỚC NĂM 1802

1.2.1. Bảo vệ vùng biển miền Trung thời Champa
(*)

[Cước chú: (*) Hiện nay có nhiều cách gọi khác nhau như Chămpa, Champà, Cham pa… Tong luận văn này chúng tôi tạm sử dụng từ Champa. Khi trích dẫn, chúng tôi để nguyên].

Người Champa rất giỏi nghề đi biển, điều đó được khẳng định như một tất yếu. Họ biết về biển rất sớm, tuy vậy tài liệu về họ không nhiều. Lam Giang trong bài khảo cứu đã kết luận: "Những giống dân miền Trường Sơn là những dân tộc đầu tiên biết rõ Đông Hải; chứng tích cổ sử cho biết người Hán không phải là người đầu tiên đã sống ở vùng phía nam Trung Hoa cũng như Đông Hải mà các dân tộc bản địa, trong đó có cả dân Bách Việt sống ở đó trước. Có di tích Chăm ở Hoàng Sa và người Việt là thừa kế khi nước Chiêm sát nhập vào Việt Nam.” [67, 6].

Tư liệu của Tố Am Nguyễn Toại cho biết: "Chiêm Thành là dân thạo nghề biển, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X, người Chàm kiểm soát hết việc doanh thương tơ lụa giữa triều nhà Đường Trung Quốc với vùng Ấn Độ, đến tận thành Bát Đa (Bagdad). Thuyền của họ lại chở hải tặc đi cướp các thuyền buôn chở hương liệu, trân châu, xà cừ, tơ lụa, chim lạ ở các đảo... Các triều đại Lê Đại Hành, Lý Thái Tôn, Lý Thánh Tôn, Trần Dụê Tôn, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tôn khi chinh phạt nước Chiêm Thành đều phải dùng đến thủy quân mạnh, cùng một lúc với bộ quân". Tuy nhiên ông cũng thừa nhận: "các triều đại xa ấy, tổ chức thủy quân như thế nào cho đến nay chưa tìm ra được tài liệu nào đáng tin" [113, 44].

Phan Khoang cho rằng, đặc điểm của người Chàm là "hiếu chiến". Người Chàm có lực lượng "thủy quân gồm những thuyền lớn, trên có pháo tháp và những thuyền nhẹ. Trong nhiều trận đánh, người ta thấy hạm đội gồm hơn trăm chiến thuyền yểm trợ lục quân... quấy phá ven biển nước Việt, bao phen làm mưa làm gió ở tận Thăng Long... vì qúa hiếu chiến... tự làm suy yếu trong những chiến tranh, để rồi không còn đủ sức lực giữ mình" [51, 33]. Phan Khoang cũng đánh giá: "người Chàm là giống người hung bạo, gan dạ và là những thủy thủ cang cường. Sống ở những thung lũng chật hẹp dọc theo duyên hải, phía tây ngăn chận bởi núi cao, phía đông là bể cả, họ phải tìm những gì đất họ không có... với những chiếc ghe nhẹ lướt trên biển cả, họ thường tấn công các thương thuyền đi qua hải phận họ để cướp bóc" [51, 34].

Kỹ thuật đóng thuyền đi biển của người Champa đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Họ không chỉ có tiếng hung bạo trên biển mà trong lịch sử, người Champa thường phải đi sứ, nộp cống cho nhà Thanh. Họ không đi qua đất Đại Việt thì tất đi theo đường biển. Vậy phải chăng là họ có đội thuyền đủ lớn và mạnh để thực hiện những chuyến đi dài mà không gặp rủi ro. Bởi không thấy tài liệu nào nói về việc tàu Champa vào Đại Việt tránh gió. Trên thực tế, mãi đến năm 992, Lê Đại Hành mới sai Ngô Tử Am đem 3 vạn người mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới (cửa Sót, Hà Tĩnh) đến châu Đại Lý (đất Champa, Quảng Bình ngày nay), đấy là con đường bộ đầu tiên của Đại Việt thông với Champa [51, 39].

Việc triều cống của Champa với Trung Quốc để "dựa thế" dĩ nhiên cũng không thể làm cho Đại Việt hài lòng và cố nhiên là ngăn cản. Tư liệu cho biết, năm 1402 sứ Champa tâu với Trung Quốc là "sứ Chiêm đi cống Trung Quốc trở về, các món đồ vua ban cho đều bị An Nam cướp" [51, 75]. Vậy con đường biển sẽ được sử dụng nhiều.

GS. Trần Quốc Vượng xác định: "những cái tên Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm), Chiêm Cảng, Đại Chiêm hải khẩu Casccian cũng như những cái tên Trà Quế, Trà Nhiêu, Trà Chân quanh đây, những mảnh gốm Chàm cổ giống gốm Trà Kiệu (Simhapuna cổ), những cái giếng xây gạch cùng những viên gạch như trên tháp Chàm cổ vừa mới tìm thấy ở Cù Lao Chàm, ở phường Cẩm Phô, ở xã Cẩm Châu của khảo cổ học gần đây... đã cùng các tài liệu thư tịch cổ Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư xác định rằng vùng cửa Đại xưa là hải cảng chính của nước Champa và của kinh thành Champa trên đất Quảng Nam (Simhapura, Inchaprena), nơi đây có chiến thuyền và thương thuyền Trung Hoa, Chà Và, Ấn Độ và Ả Rập, Ba Tư...đã ghé đậu lấy nước ngọt từ những giếng chàm rất ngon đổi trao sản vật... Nhà hàng hải nổi tiếng Marco Polo thế kỷ 13 đã ghé cảng Đại Chiêm.

Người Champa có cái nhìn về biển đúng đắn, biết cấu trúc một nền kinh tế tổng hợp đa ngành, tuy còn chất phác, thô sơ nhưng đã biết khai thác mọi tài nguyên trên nguồn rừng, dưới biển khơi, trong lòng đất...để xuất khẩu, có đội thương thuyền và chiến thuyền đủ lớn đủ mạnh lẹ ra khơi góp phần xây dựng Chămpa hưng thịnh một thời" [127, 6].

Về việc bảo vệ quốc gia và các cửa biển, theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1044, thuyền chiến nhà Lý khi tới cửa Tư Dung thì "nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bên nam sông Ngũ Bồ" [63, 308].

Muộn hơn, năm 1069, Lý Thường Kiệt đi tiên phong đem 5 vạn quân đi đường thủy vào đánh Champa, "đến cửa Nhật Lệ [cửa Động Hải] thuyền quân bị thủy quân chiêm chận đánh... Cửa Nhật Lệ rộng, sâu, chiến thuyền lớn vào được, thủy quân Chiêm Thành tập trung ở đó để bảo vệ lãnh thổ, sau này thủy quân Việt vào đánh Chiêm Thành cũng ghé ở đó" [51, 44-55]. Như thế cũng cho thấy sự phòng thủ của Champa là ở cửa biển lớn, sẵn sàng bảo vệ và ngênh chiến với thuyền chiến Đại Việt.

Tuy nhiên sang thời Trần, lãnh thổ tiếp tục bị thu hẹp, đặc biệt là "mất hai cửa biển quan trọng: cửa Tư Dung (nay là Tư Hiền) thời ấy rất sâu và tiện lợi cho thủy quân, và Đà Nẵng, cửa biển của miền Amaravâti, Indrapura, đất thiêng của dân tộc" [51, 58-59].

Vào giai đoạn sau thì sự phòng thủ của Champa trở nên kém, đến nỗi thời Trần Anh Tông, có lần Đoàn Nhữ Hài đi sứ đến Trà Bàn, đến cửa biển Ti Ni (tức cửa Thị Nại) của Chiêm là nơi thương thuyền các nơi tụ tập đông, tuyên bố việc cấm buôn bán rồi đem bảng yết thị treo lên. Với lực lượng yếu dần, quân Champa thường quấy phá, cướp bóc nhân dân ven biển Đại Việt nhưng không có khả năng ở lại mà thường rút lui.

1.2.2. Bảo vệ vùng biển miền Trung thời Đại Việt

Từ rất sớm người Việt đã biết đến biển và sử dụng tàu thuyền đi biển song tư liệu về thuyền chiến trên biển không được nói cụ thể. Các tác giả cuốn Quân thủy khẳng định: "Quân thủy Việt Nam có lịch sử lâu đời. Có thể nói qúa trình hình thành nhà nước Văn Lang từ ba bốn nghìn năm trước đây cũng chính là là qúa trình hình thành những cơ sở vật chất đầu tiên của quân thủy cổ đại Việt Nam. Thuyền chiến được khắc trên các trống đồng là hình tượng tiêu biểu cho quân thủy buổi bình minh đó" [129, 418]. Minh chứng cho luận điểm này, có thể tham khảo các tư liệu khảo cổ học trên các rìu hình thuyền (văn hóa Đông Sơn), hình thuyền chiến trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh [PL 2]

Vào giai đoạn sau, đặc biệt là vào giai đoạn đất nước chia cắt, tình hình chiến tranh trong các thế kỉ XVI-XVII, cùng với nhu cầu bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển trước sự xâm nhập của thực dân phương Tây đã thúc đẩy quân thủy phát triển mạnh theo hai hướng: tăng cường trang bị và khả năng chiến đấu; mở rộng phạm vi hoạt động trên biển [74, 421].

Tuy nhiên, do đặc điểm chung của phương Đông, hoạt động bảo vệ biển thời kỳ này lại không thể hiện rõ nét và chưa chuyên nghiệp. Các tác giả Quân thủy nhận xét: "mặc dù có hoạt động trên biển, nhưng cho đến trước thế kỷ XVII, vùng biển phương Đông này không mấy khi đặt ra nhu cầu giành giật hay bảo vệ quyền lợi trên biển một cách bức bách và thường xuyên như Địa Trung Hải đương thời. Không có những bộ phận lớn thường trực trên biển là nét chung của lực lượng vũ trang phương Đông cho đến tận thời cận đại" [74, 423]

Có rất ít tư liệu về việc Đại Việt đã sử dụng thuyền chiến tham gia trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biển, tuy nhiên qua các sự kiện có thể suy luận về lịch sử thuyền chiến Đại Việt. Li Tana cho rằng chiếc thuyền đã giết chết Chế Bồng Nga năm 1390 chẳng hạn, là một chiếc thuyền chiến. Theo chúng tôi, có thể thuyền chiến ở Đại Việt có sớm hơn.

Một số thông tin của Toàn thư nói về đóng thuyền thời xưa như: tháng 10-1034, đóng thuyền lớn Vạn An [63, 290]. Tháng 8-1037, đóng thuyền Vĩnh Xuân [63, 293]. Tháng 12-1037 đóng thuyền Nhật Quang [63, 294], tháng 10-1167 đóng thuyền Nhật Long [63, 403]. Tháng 10-1190 đóng thuyền Ngoạn Dao [63, 414]. Tháng 7-1194 đóng thuyền Thiên Long [63, 415].

Các tác giả sách Quân thủy đã căn cứ trên Việt sử lược và Toàn thư để thống kê tên các thuyền đựơc đóng và nhắc đến trong thời Lý với rất nhiều tên thuyền (xem Bảng 1). Thuyền thời Lý có thể chở hàng trăm người, chưa kể khí giới. Loại thuyền chiến phổ biến là thuyền Mông Đồng. Thuyền đặc chủng là Lâu thuyền và thuyền Hai Lòng.

Bảng 1: Tên các thuyền được đóng và nhắc đến trong thời Lý [129, 95]

Năm (N.= Năm)
Đóng thuyền (T.= Thuyền)
Các sự kiện nhắc đến thuyền (V.= Việc)

N.1037
T.Vĩnh Xuân, Nhật Quang

N.1043
T.Vài trăm thuyền chiến đánh Chiêm Thành

N.1056
V.Rồng hiện, thuyền Kim Phượng đổi thành Tường Long

N.1064
V.Rồng hiện thuyền Thanh Lan

N.1068
T.Đóng chiến hạm đánh Chiêm
V.Rồng hiện thuyền Vĩnh Xuân, Thanh Lan

N.1069
V.Rồng hiện thuyền kim phượng (3 lần), thuyền Cảnh Thắng, Thuyền vua. Thuyền rồng va đá, vỡ.

N.1075
V.Đem thuyền đánh Khâm, Liêm

N.1076
V.Rồng hiện thuyền vua

N.1077
V.Rồng hiện thuyền vua

N.1101
V.Rồng hiện thuyền Tường Long

N.1106
T.Đóng thuyền hai đáy Vĩnh Long, Chiếm hạm

N.1119
T.Đóng Cảnh Hưng, Thanh Lan và thuyền chiến

N.1124
T.Đóng Tường Quang hai lòng

N.1132
V.Đắm thuyền Diên Chương

N.1135
T.Đóng nhật Đình, Thanh Lan, Diên Minh

N.1147
T.Đóng Vĩnh Long, Thanh Lan, Tường Quyết, Phụng Tiên

N.1151
T.Đóng Vĩnh Diệu, Thanh Lan

N.1156
T.Đóng thuyền lớn của Ngự Trù và thuyền lớn của Cung nội

N.1167
T.Đóng thuyền Nhật Long

N.1173
T.Đóng Ngoạn Thủy

N.1190
T.Đóng Ngoạn Đạo

N.1194
T.Đóng Thiên Long

N.1204
T.Đàm Dĩ Mộng chế Lâu thuyền

(Chú thích của "Web Giao lưu của những người cùng thời" [Web. GLCNNCT.]: Vì chưa scan bảng liệt kê, nên tạm quy ước các kí hiệu [N., T., V.) như trên)

Vào năm 1428 thuyền chiến được trang bị một khẩu “hỏa dong” (súng nòng bằng tre, gỗ lớn, đổ đầy thuốc súng). Li tana cho rằng: "việc bố trí các loại khí giới này cho thấy là đã có sự phân công lao động rõ rệt trên các chiến thuyền...các chiến thuật đánh nhau trên biển cũng đã được áp dụng tại Việt Nam vào thế kỷ XV” [103, 66].

Thông thường, khi chuẩn bị đánh Champa, nhà nước cho đóng thuyền chiến, như Toàn thư chép: "năm 1034, vua thấy sang năm sẽ đánh Chiêm Thành, xuống chiếu sai đóng các chiến hạm hiệu Long, Phượng, Ngự, Xà, Hổ, Báo, Anh, Vũ hơn vài trăm chiếc" [63, 306]. Cho thấy thuyền chiến (chiến hạm) có sớm và những thuyền chiến ấy đã tham gia tích cực vào việc bảo vệ lãnh thổ Đại Việt. Như tháng 2-1043, Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển [63, 304], tháng 3-1166 lại quấy phá [63, 403]... Sử gia Ngô Sỹ Liên đã “bàn” về việc này như sau: "Bọn giặc sóng gió ở Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển nước ta, thì có thể không đem quân đánh để hỏi tội sao được" [63, 304].

Năm 1470, vào đánh Champa, Toàn thư cho biết Lê Thánh Tông dẫn 25 vạn thủy quân di chuyển bằng đường biển trên các chiến thuyền [64, 322], điều đó ắt phải có một số lượng lớn thuyền chiến mới kham nổi. Việc này cũng do đương đầu với thủy quân Champa, Li Tana cho rằng: "ý muốn đương đầu với hải lực và truyền thống hải chiến của Champa có thể đã thúc đẩy Việt Nam thiết lập hải lực của họ vào thế kỷ XV. Và chính lực lượng thủy quân này đã là cơ sở cho sự phát triển của thủy quân sau này dưới thời các chúa Trịnh và Nguyễn" [103, 67].

Việc tuần tra, bảo vệ cũng được tiến hành, Toàn thư cho biết: "tháng 11-1161, vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam, để giữ yên bờ cõi xa. Vua thân đi đưa đến cửa biển Thần Đầu, huyện Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về [63, 402]. Năm 1171, vua đi tuần ra cù lao ngoài biển, xem khắp hình thế núi sông [63, 404]. Năm 1467, Tham nghị Thừa tuyên sứ ti châu Hóa là Đặng Thiếp dâng sớ xin "lập bảo để giữ cửa bể Tư Dung, lấp cửa Eo (tức cửa biển Tư Hiền và Thuận An) [64, 293]. Tháng 10-1469 có sắc chỉ "ai bắt được giặc biển thì sẽ được tặng thưởng" [64, 308]. Tháng 1-1470, "tuyển các vũ sĩ vệ Kim Ngô đi bắt giặc biển"... [64, 312]...

Chúa Trịnh cũng có khá nhiều thuyền chiến, năm 1680, A. De Rhode cho biết chúa Trịnh có 500-600 thuyền. Tuy nhiên về sau, lượng thuyền giảm, Dampier cho rằng nó chủ yếu là "phô trương". Trong các lần đánh nhau với Đàng Trong, chúa Trịnh có dùng đến thủy binh, thuyền quân vào đến cửa Nhật Lệ. Linh mục Koffler vào thời điểm năm 1766, cho rằng chúa Nguyễn có 50 đội thủy binh [113, 45].

Thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, theo GS. Trần Quốc Vượng đây cũng là thời kỳ “phục hưng của các cảng thị miền Trung” [126, 350]. Và đây cũng là bước đột phá đặc biệt, chính vì vậy việc phòng thủ cũng phải gắn liền. Giáp Ngọ niên bình nam đồ được Li Tana khai thác, cho biết nhiều cảng thị, và đồn phòng thủ Đàng Trong [PL 5]. Li Tana cho rằng thời điểm trong bản đồ khoảng năm 1690 nhưng Anh Vân phát hiện ra năm 1690 không phải năm Giáp Ngọ mà là năm Canh Ngọ [16, 34-45].

Theo A. de Rhoded, thời kỳ này có khoảng 200 thuyền, tập trung ở ba nơi chính: một là bến con sông lớn (sông Gianh) 68 chiếc, hai là Kẻ Chiêm, ba là ở biên giới nước Chàm (vùng Khánh Hoà ngày nay) [113, 45].

Điều này được Mục sư Choisy cho biết thêm: “ngoài các chiến thuyền của nhà vua, các trấn thủ của ba dinh chính trong vương quốc, nơi đó có hải cảng tốt cũng có chiến thuyền trấn thủ. Dinh Cát ở biên giới với Đàng Ngoài có 30 chiếc; trấn thủ dinh Chiêm có 17 chiếc; trấn thủ dinh Niaroux [sau được xác định là bắc Phan Rang. Tg] có 15 chiếc” [17, 266].

Như vậy cho thấy chúa Nguyễn bố trí lực lượng thủy quân trên ba vùng chiến lược nhằm chống sự đe dạo từ phương bắc (quân Trịnh), phương nam (Champa) và một lực lượng bảo vệ cửa biển "Kẻ Chiêm", đại diện cho mặt kinh tế, thương mại và là vùng "yết hầu" của chúa.

Mục sư De Choisy, trong hồi ký về sứ Đàng Ngoài và Đàng Trong, cho rằng “Đàng Trong được tạo lập và tồn tại do chiến tranh nên kỷ luật quân đội rất được tuân thủ” [17, 264]. Còn Cristoforo Borri cho biết người Đàng Trong đã vớt được 60 khẩu đại bác, trong đó có những khẩu rất lớn của tàu chiến Bồ Đào Nha và Hà Lan bị đắm vì đá ngầm. Và “người Đàng Trong rất thành thạo trong nghệ thuật sử dụng các đại bác này, họ biết nạp đạn và bắn giỏi hơn cả người Âu châu. Họ tự huấn luyện để đảm bảo khả năng bằng các cuộc thực tập liên tục và các cuộc bắn bia, họ khá thành công vì thế họ kiêu ngạo về chuyện đó và tự tán tụng giá trị của mình; khi các tàu Âu châu đến hải cảng của họ, các thủy binh của nhà vua liền thách đố các xạ thủ của chúng ta, những người này biết rằng không thể so sánh với họ nên tránh cuộc thách thức chừng nào họ tránh được” [15, 401]. Ông cho biết thêm, người Đàng Trong “có hơn 100 chiến thuyền. Và như thế họ trở nên mạnh trên mặt biển” [15, 402].

Đối với người phương Tây, những quốc gia có hải quân hoạt động trên các đại dương thì họ không đánh giá cao thủy quân thời chúa Nguyễn, theo Poivre, đó chỉ là những chiếc thuyền "ôm sát bờ biển" [103, 67]. Thực ra không phải do Đại Việt không đóng được thuyền lớn mà chính là nhu cầu sử dụng thuyền nhỏ, chính nó mới đem lại hiệu quả thực tiễn cao nhất khi sử dụng ở vùng biển Đại Việt vốn nhiều cửa sông, được các triều đại vận dụng vào vận tải và bảo vệ cửa biển dày đặc của mình. Như Phan Khoang cho biết: "bấy giờ quân Mạc thường đi đường biển vào cướp, nên từ năm Canh Thân (1560), chúa Tiên đã đặt đồn ở các cửa biển để giữ các miền duyên hải" [51, 111]. Vậy nên thuyền ôm sát bờ biển là có cơ sở thực tiễn của nó.

Sau này, khi chúa Nguyễn cho xây dựng lũy Trường Dục và Động Hải (Nhật Lệ) thì hệ thống phòng thủ ở đây được ca tụng là:

“Mạnh khôn vượt được Thanh Hà,
Dẫu rằng có cánh khó qua lũy Dài”
[90, 36].

Bên cạnh đó, với tầm quan trọng của sự phòng thủ, các công trình phụ trợ được tiếp tục xây dựng. Đáng chú ý là lũy Trường Sa do danh tướng Nguyễn Hữu Dật [78, 154-167] chỉ huy đắp năm 1633, trên bãi cát giữa Động Hải và cửa Tùng, đề phòng đối phó khi địch không đổ lên Nhật Lệ, nó có tác dụng ngay trận đánh năm đó [51, 250]. Cũng chính Nguyễn Hữu Dật xin đặt đài hỏa hiệu ở các cửa biển Quảng Bình để truyền tin được nhanh chóng [51, 255]. Tiếp đó lũy Trấn Ninh xây dựng năm Nhâm Dần (1662) để bảo vệ phía đông Động Hải và giữ đường biển.

Trong cuộc chiến tranh năm Nhâm Tý (1762), trong một đợt chuẩn bị phản công, chúa Nguyễn đã bố trí lực lượng khá lớn trên một địa bàn trải dài khắp các cửa biển: "sai đôi Hữu binh và cơ Tam thủy giữ cửa biển Tư Dung, đội Hậu thủy giữ cửa Eo và huy động hương binh 5 huyện đóng giữ bờ biển Trường Sa, tức là dọc theo bờ biển từ Động Hải đến Tư Hiền" [51, 288]

Những vị trí hiểm yếu mang tính chiến lược mà chúa Nguyễn đã bố phòng tỏ ra hiệu quả, đến nỗi sau này khi quân Trịnh vào đánh Thuận Hóa, chúa Trịnh trong bài dụ thiên hạ đã phải thừa nhận rằng trước đó "cũng muốn treo cờ ở ải Hải Vân, cho ngựa uống nước ở sông Bình Giang nhưng thế chưa thừa được, còn phải chờ đợi" [51, 199].

Về huấn luyện thủy quân, sử nhà Nguyễn cho biết, tháng 7-1642, một hôm chúa ngự thuyền đi chơi cửa Eo, thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh ba huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân... Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện" [79, 55].

Các chúa Nguyễn cho xây dựng những căn cứ hải quân, GS. Huỳnh Lý cho biết: "Tôi đã xem một bản đồ tình báo của một hạm trưởng Pháp gửi lên Bộ trưởng bộ Hải quân, vẽ năm 1757, vẽ vùng bờ biển từ Huế và cửa Thuận, vào đến Hội An và Thanh Chiêm, trong đó vẽ cả sông Hương, sông Cổ Cò từ vịnh Đà Nẵng vào Hội An và sông Thu Bồn cho đến Thanh Chiêm. Chúng ta biết rằng Thanh Chiêm là trại Thủy Quân, cũng là nơi ta thu thuế các tàu buôn. Trong bản đồ ấy chúng có vẽ cả thuyền chiến của ta, nhìn ngang, nhìn dọc và nhìn từ đằng lái- Mỗi be thuyền có 25 tay chèo, và chúng bảo dài độ 45m, rộng 4,5m, có hai đại bác nhẹ” [62, 106].

Thuyền chiến được mô tả: "đầu thuyền ngồi một vị quan, đuôi thuyền đứng một người cầm lái, giữa thuyền đứng 64 quân nhân đứng chèo. Giữa khoang thuyền có 4 cọc nhọn sơn son, trên bắc ngang một cây mõ gỗ, một lính ngồi gõ mõ làm nhịp cho những người đứng chèo. Thuyền cạy qua tả là qua tả, bát qua hữu là qua hữu... thuyền dài mà hẹp như hình Long chu, mũi rất cao" [103, 68].

Lê triều hội điển cho biết kích thước của thuyền lớn ở Đàng Ngoài dài 65 thước (26m), rộng 10 thước. Còn P. Poivre cho biết Đàng Trong cũng có kích thước tương tự [103, 68]. Các tác giả của Quân thủy cho rằng thời kỳ này thuyền Đàng Ngoài mang đặc tính "giang thuyền" còn Đàng Trong thì mang tính "hải thuyền". Nhận định này theo Li tana là "hay" nhưng phải được kiểm chứng [103, 68]. Chúng tôi cho rằng nó có lý bởi truyền thống đi biển của cư dân nơi đây và là vùng nhiều cửa sông, lại thường xuyên di chuyển từ cửa sông này qua sông khác mà chỉ có một cách là bằng đường biển nên thuyền mang đặc tính "hải thuyền" là có thể.

Về lực lượng, Borri cho biết Đàng Trong luôn có hơn 100 chiến thuyền trang bị trong tư thế sẵn sàng. Bowyear lại cho rằng năm 1695, Đàng Trong có 200 chiến thuyền lớn (50-76 tay chèo) và tới 500 chiến thuyền nhỏ (40-44 tay chèo) [103, 68]. Choisy cho rằng năm 1685, có 131 thuyền chiến [17, 265]. Người Hà Lan, năm 1642 cho rằng Đàng Trong có 230-240 thuyền chiến; mỗi thuyền có 64 người gồm người chèo thuyền và binh lính, mỗi thuyền trang bị một khẩu súng thường là bắn 4-10 đạn sắt và 2 khẩu súng lớn [103, 69].

Về số lượng thuyền chiến chúng ta có thể suy luận rằng: tất cả số liệu ấy tùy thuộc vào con mắt quan sát của họ, trên thực tế thuyền chiến và thuyền vận tải có thể "hoán đổi" khi gặp chiến tranh hay khi hoà bình. Vì thế số lượng thuyền chiến rất khó chính xác, đặc biệt là trong con mắt của người phương Tây, họ ít có khả năng chứng kiến các trận hải chiến ở Việt Nam đương thời. Thủy quân Đàng Ngoài nhiều hơn hẳn Đàng Trong nhưng ngược lại, thủy quân Đàng Trong lại quen với mặt biển hơn. Đó là một lợi thế so sánh quan trọng mỗi khi đụng độ phần thắng thường là Đàng Trong.

Tưởng cũng cần lưu ý về hệ thống thông tin liên lạc. Chúa Nguyễn sở dĩ chiếm ưu thế trong các cuộc đụng độ không chỉ vì quân đội, thuyền chiến mà còn nhờ có hệ thống tuyền tin tốt: trạm canh và đội tuần hải, nghĩa là truyền tin trên mặt đất và trên biển.

Chúa Nguyễn sẵn sàng bảo vệ vùng biển của mình như năm 1559, tàu Tây Ban Nha đã bị lực lượng phòng hải của chúa cảnh cáo: "mờ sáng ngày 3-9-1559, quân Tây Ban Nha thấy cả một rừng lưỡi giáo tua tủa quanh các núi dọc nơi đậu thuyền, đồng thời có nhiều chiếc thuyền mang chất cháy đi hàng ba nhằm thẳng tàu Tây Ban Nha tiến tới; cùng lúc đó, pháo từ các đồn lũy trên bờ phát hỏa. Cảm thấy bị phục kích và tiến công, hạm thuyền Tây Ban Nha vội bỏ chạy và nhờ trận gió tây, quân Tây Ban Nha mới thoát nạn" [50, 89].

Năm 1585, một sự nhầm lẫn nhưng cũng đáng lưu ý về sức mạnh thủy quân. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Năm Ất Dậu (1585), bấy giờ có tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ 6 lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy... từ đó giặc biển im hơi" [79, 32].

Sự kiện này, GS. Nguyễn Thế Anh vẫn cho rằng sự thật là hải tặc: "sự thật là hải tặc người Nhật, Shirahama Kenki, sẽ còn được nhắc đến 16 năm sau trong một lá thư chúa Nguyễn Hoàng gửi năm 1601 cho Ieyasu" [6, 363]. Sau này sự việc được xác định là "đánh nhầm" vào thuyền của một thương gia Nhật Bản.

Muộn hơn, vào giữa thế kỷ XVI, hải quân Đàng Trong lại có những đụng độ với người thuyền chiến Hà Lan. Sự kiện này được nhiều tác giả nói đến. Bắt đầu từ lá thư chúa Trịnh gửi cho toàn quyền công ty Đông Ấn Hà Lan (Vernigde Oastiondische Copagnic- VOC) những năm 30 của thế kỷ XVII, trông cậy vào lực lượng hải quân mạnh của Hà Lan có thể đánh thắng thủy quân Nguyễn.

Thư có đoạn: "xin hãy gửi cho bản quốc 50 thuyền chiến với binh lính chọn lọc và đại bác có sức công phá mạnh, và bản quốc sẽ gửi một số binh lính đáng tin cậy để dẫn các thuyền chiến của Quý quốc vương đến Quảng Nam làm quân tăng viện. Cùng lúc, quân bản quốc sẽ tấn công Thuận Hóa" [46, 243]. Đó là cái cớ của người Hà Lan can thiệp vào Đàng Trong.

Một lý do làm cho người Hà Lan có mâu thuẫn với chúa Nguyễn là họ cho rằng chúa Nguyễn đã cướp bóc hàng hóa của hai tàu Hà Lan bị đắm gần bờ biển Cochinchina, người ta cho rằng, một trong hai tàu này, tên là Grootenbrock, chở một khối lượng hàng hóa trị giá 23580 real [46, 244]. Ngoài vụ “tai tiếng thế kỷ”, cho là chúa Nguyễn "cướp" hai chiếc tàu thì tháng 11-1641, hai con tàu Hà Lan là Eulden Buis và Maria de Medicis bị đắm gần bờ biển Cochinchina, sát đảo Champelo (Cù Lao Chàm), 82 người sống sót đều bị bắt giam tại Hội An, Cochinchina tịch thu cả hai con tàu [46, 244].
Sự đụng độ tiếp theo bởi liên tiếp các sự kiện, và năm 1644, (tài liệu của Li Tana cho là năm 1643 [103, 227-232]). Hà Lan tiếp tục cử một hạm đội đội khác do Pieter Beak dẫn đầu, được lệnh bắt giữ càng nhiều dân Cochinchina càng tốt khi đi dọc bờ biển. “Tuy nhiên cách sông Gianh chừng 5 dặm về phía nam (Tiền biên nói là cửa Eo. Tg), người Hà Lan ngạc nhiên khi nhìn thấy 50 thuyền chiến của chúa Nguyễn lao về phía họ. Theo Lê Thành Khôi: "cuộc chiến này quả thật là một tai họa. Tàu De Wijdeness (tàu hoa tiêu) bị triệt tiêu, Beak bị giết, hai tàu khác phải mở đường máu tháo chạy". Còn Buch thì ghi lại chi tiết hơn, ông cho rằng tàu Wijdeness bị cháy và nổ tung vì chính kho thuốc súng dự trữ của nó, tất cả thủy thủ trên tàu, kể cả Beak đều chết. Một thư tịch của Việt Nam cho rằng người Hà Lan qúa mất tinh thần đến nỗi tự phá tàu De Wijdeness. Theo các tư liệu Hà Lan, trong cuộc đối đầu này, có 7 chiến thuyền của Quinam bị phá huỷ, 700-800 lính bị chết” [46, 246].

Điều đáng suy nghĩ ở đây chính là tính chủ động tấn công của chúa Nguyễn đối với kẻ thù. Rõ ràng chúa Nguyễn có thái độ cương quyết đối với người Hà Lan, sẵn sàng cho một cuộc chiến và luôn ở vị trí chủ động. Hai chiến thắng của chúa Nguyễn phản ánh rõ điều đó. Biết đương đầu và chiến thắng với một hạm đội thiện chiến, có kinh nghiệm, từng bá chủ vùng biển như Hà Lan, cho thấy lực lượng hải quân của chúa Nguyễn thuộc loại mạnh, khả dĩ bảo vệ được vùng biển của mình

Sự kiện trên được chép lại trong Đại Nam thực lục tiền biên, như sau:

Tháng 9-1644, "Thế tử Dũng lễ hầu (tức Phúc Tần, Thái tông Hiếu triết hoàng đế) đánh giặc Ô Lan ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền đi theo, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn dục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về... Chúa cười nói rằng: "trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa" [79, 55-56]. Như thế, có một số thông tin trùng hợp, nhưng năm tháng và địa điểm có khác.

Phả ký Trấn nhân tiền liệt biểu (do Trương Phúc Mạc soạn thời Minh Mạng, (Ngô Thời Đôn giới thiệu [37]), cho biết một nhân vật là Trương Phước Thức từng làm trấn thủ. Ông là con thứ sáu của Trương Phước Sơn và là cháu của Trương Phước Côn (hay Trương Phước Khoa, người từng giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Họ đều là những người giỏi thủy chiến.

Cuốn "Phả ký" chép về việc đánh nhau với tàu Hà Lan có chỗ chưa thống nhất với các sách khác đã nêu. Nội dung như sau:

"Lúc bấy giờ có hơn 10 chiếc thuyền của nước Hoa Lan, trong đó có một chiếc lớn nhất tên là Hiển Quý, dẫn đầu các chiếc kia đậu ở cửa biển Đại Chiêm, cậy có nhiều súng đồng cho là nước vô địch, mặc sức tung hoành uy hiếp Quảng Nam, như sắp muốn chiếm đất ấy. Quan ở địa phương báo khẩn. Tiên quân mật triệu ông về triều, bàn mưu cùng ông, ông xin đi. Nhân đó, tiên quân sắc cho ông hiệp cùng Dũng Quận công dẫn một đoàn 30 chiếc Kim Đồ Hải Đạo thuyền đến nơi ấy tùy cơ đánh giữ. Hòa Lan thấy quân của mình đã đến mà quân của họ thì lớn. Kim Đồ Hải Đạo nhỏ bé khó đánh nổi nên càng khinh nhờn, ngày đêm uống rượu, ca hát, xem như không có người bên cạnh. Ông thừa sự bất ý ấy, đêm khuya đem thuyền chấp lệnh ngầm đến bên thuyền Hiển Quý kia. Thuyền kia to, cao, khó dùng sức mà đánh. Ông bèn đem phép dùng đạn lửa do tổ truyền lại (tục gọi là trái phá) nạp vào đại bác bắn lên thuyền kia. Đạn lửa rơi vào thuyền, nhằm kho thuốc súng, cháy lên. Bọn giặc trở tay không kịp, đều chết trong lửa thiêu và chìm xuống chỗ sâu. Các thuyền còn lại thấy đại thuyền đang chìm, kinh hoàng, liền cắt đứt đội hình, chạy tan tác, không giám nhìn quân Nam. Con thuyền lớn bị chìm nát ấy, ông đưa dân ở bờ biển lặn xuống nước kéo lên hơn 30 khẩu đại bác bằng đồng lớn, đưa về Thuận Hóa, đặt ở trước vương phủ, để truyền mãi như quốc bửu, đến nay còn sự tích vẻ vang" [37, 582-583].

PGS.TS. Đỗ Bang trong bài viết “Những chiến công chống ngoại xâm vùng biển dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong” [12] cũng khai thác cuốn Phả ký trên và cho rằng nhân vật có công đánh thắng tàu Hà Lan là Trương Phúc Hùng (Hùng Lộc hầu) và đoan chắc đây là sự kiện diễn ra năm 1644. Tác giả cũng cho rằng “diễn biến trận chiến có nhiều tình tiết mới lạ và phong phú so với Đại Nam thực lục tiền biên” [12, 66-67].

Sự kiện này về nội dung có tương đồng sự kiện 1644 nhưng nghiên cứu thời điểm thì có thể là sự kiện muộn hơn. Theo Thực lục Trương Phước Thức được sai làm Trấn thủ dinh Bố Chính vào tháng 10-1715, tức là 71 năm sau chiến thắng Hà Lan [79, 136]. Thời điểm này không còn tàu Hà Lan tới Đàng Trong, hơn nữa nếu căn cứ trên Trấn nhân tiền liệt biểu thì Trương Phước Côn là người giúp Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Trương Phước Sơn tham gia trận đánh quân Trịnh năm 1655 dưới quyền Nguyễn Hữu Tiến thì Trương Phước Thức “khó” tham gia trận đánh năm 1644. Ấy vậy lại cũng nhắc tới Dũng Quận công Nguyễn Phúc Tần! Chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp cận tư liệu gốc nên chỉ nêu lên như một sự hoài nghi về thông tin “tiền hậu bất nhất” của cuốn "Phả ký".

Muộn hơn, năm 1702, Anh muốn chiếm Côn Đảo nhằm đặt cơ sở quân sự tại vùng biển Đàng Trong nhưng bị quân chúa Nguyễn đẩy lui. Tiền biên cho biết: “Giặc biển là Người Man An Liệt (Anh), có tám chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn, trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lâp trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan, đem việc báo lên, chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy” [79, 115].

Rõ ràng phải thừa nhận về sức mạnh của thủy quân Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Nó được xây dựng trên một yêu cầu cụ thể về bảo vệ, có tính chiến đấu trên thực tiễn cao ngay từ những ngày đầu. GS. Huỳnh Lý đánh giá: “Nguyễn Hoàng là một nhà chính trị kiêm quân sự, đặc biệt có tài dùng kinh thuyền đột kích và tận truy giặc biển. Ông đã bắt đầu xây dựng dinh Quảng Nam thành một căn cứ thủy lục lớn làm hậu thuẫn cho Phú Xuân... Bọn lái buôn Âu châu đều kiêm nghề cướp biển. Bởi vậy ai muốn mua bán với chúng phải có thực lực võ trang. Dũng Lễ Hầu (Nguyễn Phúc Tần) xây dựng căn cứ thủy lục quân ở Thanh Chiêm (Điện Bàn), dựa vào sức mạnh của quân lực mình, buộc các tàu buôn nước ngoài nộp thuế đàng hoàng và mua bán phải chăng” [62, 105].

Việc chiến thắng những đế quốc hằng hải, từng làm chủ mặt biển như Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh là dẫn chứng cho những nhận định trên. Điều đó cũng làm cho người châu Âu khi thuật lại trận đánh đó đều "tỏ ra kinh sợ".

Thời Tây Sơn, do đặc điểm chiến tranh liên miên nên lực lực quân đội chiếm một vị trí quan trọng và không ngừng được tăng cường. Tư liệu thời kỳ này phần nhiều mất mát nhưng qua Tiền biên cũng cho thấy vị trí của các cửa biển luôn được coi trọng. Miền Trung chính là vùng tranh chấp quyết liệt của Tây Sơn và Nguyễn Ánh, các cuộc hành quân phần nhiều được xuất phát từ cửa biển. Khí tài, quân đội cũng được vận chuyển bằng đường biển.

Các tác giả cuốn Quân thủy đánh giá rất cao quân thủy thời Tây Sơn, cho rằng: "quân thủy thời Tây Sơn, là đỉnh cao nhất, đồng thời tập trung những đặc điểm căn bản của qúa trình phát triển quân thủy trong những thế kỷ XV-XVIII... Quân thủy Tây Sơn là đỉnh cao của giai đoạn quân thủy hỏa khí, cũng đồng thời trong một số mặt, là đỉnh cao của toàn bộ lịch sử phát triển quân thủy nước ta thời kỳ cổ trung đại" [129, 422]. Nhận định này cần phải nghiên cứu thêm, bởi trong cuốn sách này (Quân thuỷ), các tác giả cũng chỉ mới dừng lại ở thời Tây Sơn mà chưa nghiên cứu quân thuỷ triều Nguyễn trên đầy đủ phương diện.

Trong những năm khởi đầu (1771-1775), theo lời kể của một cha cố người Tây Ban Nha, quân thủy Tây Sơn “chưa đủ sức đánh trả các cuộc hành quân của quân thủy Nguyễn, mà ngoài việc vận chuyển binh lương, chỉ mới thực hiện những cuộc tuần tra trên biển..., ngăn cản không để nhà vua (chúa Nguyễn) liên lạc liên lạc với các tỉnh giữa Phú Yên và Raygon... người ta không thể lưu thông đường bộ cũng như đường biển” [129, 236-237].

Về sau quân thủy Tây Sơn có bước phát triển nhảy vọt, chuyển từ tuần tra sang tiến công, là “binh chủng quan trọng bậc nhất trong quân đội Tây Sơn” [129, 328]. Còn Nguyễn Huệ thì đánh giá tàu phương Tây rằng: “có gì đáng lạ để nói với ta về những chiếc tàu đồng” [129, 330].

Sau thắng lợi của quân Tây Sơn là một cuộc chạy đua vũ trang của quân Tây Sơn với Nguyễn Ánh mà cả hai cùng chú trọng là tăng cường thủy quân theo hướng quân thủy biển: hải quân. Theo các tác giả Quân thủy, để làm được điều đó, Tây Sơn đã tập trung vào bốn việc chính: 1/ Tăng cường hệ thống bố phòng các cửa biển và hải cảng; 2/ Đóng thêm thuyền chiến lớn và các biện pháp nhằm tăng sức chiến đấu của thuyền chiến; 3/ Sử dụng “cướp biển”; 4/ Khai thác kỹ thuật quân sự phương Tây.

Tây sơn cũng đã khôi phục đội Hoàng Sa, năm 1793, John Barrow cũng tận mắt thấy đội Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Đội quân “cướp biển” thì bổ sung thêm những “du thuyền”, có nhiệm vụ tuần tra, chặn đánh thuyền lương của địch trên biển.

Các cảng thương mại cũng như cảng biển được bố phòng nghiêm ngặt, tại đây nhiều pháo đài được thiết lập bảo vệ cửa cảng. Thuyền chiến các loại dàn trong cảng làm thành những thủy trại nổi trên mặt nước.

Khi chiến sự xảy ra, Tây Sơn còn dùng xích sắt, đóng cọc và thả “rồng cỏ” cản địch ở cửa cảng. Xung quanh đó còn chốt giữ nhiều đơn vị “lính thủy đánh bộ” sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cảng. Có thể nói dưới thời Tây Sơn, mỗi cảng biển là một căn cứ hải quân lớn. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong quân thủy Trịnh, Nguyễn trước đây. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành quân chủng hải quân độc lập [129, 332-335].

Mô tả của Jumilla và Barizy về hoạt động của quân Tây Sơn chống lại hải quân Nguyễn Ánh ở các cảng Thị Nại (1792 và 1801), Tư Dung (1801) cho thấy khá chi tiết bố phòng của quân Tây Sơn trên một cảng biển. Trong đó, pháo trên các đồn bảo cửa cảng, thuyền chiến bố trí trong cảng và hệ thống chướng ngại cản thuyền giặc là ba yếu tố liên kết chặt chẽ, tạo thành một hệ thống bố phòng hoàn chỉnh [129, 334].

Trong cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, hai bên đều có thủy quân mạnh. Năm 1793, phái bộ Anh Macartney ghé vào Quảng Nam có thấy xưởng đóng thuyền lớn, ước lượng trọng tải được 150 tấn. “Nguyễn vương có thuyền bọc đồng, chế tạo một phần theo kỹ thuật Tây phương. Nguyễn vương mấy lần ra đánh Quy Nhơn đều dùng thủy quân, đợi thuận gió cho binh thuyền đi, nên đã có tên là "giặc mùa". Trận đánh Thị Nại (28-2-1801), bên Nguyễn vương có 90 thuyền thì bên vua Cảnh Thịnh có 2 thuyền đại hiệu chở súng lớn, 20 thuyền vừa, 100 thuyền nhỏ, đóng trong vụng. Tháng 5 năm Tân Dậu, Nguyễn vương ra đánh Phú Xuân bằng đội binh thuyền: 45 thuyền chở súng, 300 thuyền chở trên 10000 lính. Hai bên thắng phụ đều nhờ vào thủy quân là chính" [113, 45-46].

Như vậy mặc dù có sự quan tâm khác nhau nhưng các triều đại trong lịch sử Việt Nam luôn chú ý đến phòng thủ ở các cửa biển, vùng biển chiến lược. Bên cạnh hệ thống phòng thủ là việc thường xuyên trang bị thuyền chiến, vũ khí. Và dĩ nhiên họ sẵn sàng thực thi chủ quyền khi cần thiết.

· +++ Việt Nam có vùng biển dài rộng, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Miền Trung là nơi có vùng biển dài và rộng nhất, lại có nhiều đảo và quần đảo quan trọng, có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng và kinh tế. Chúng ta rất cần lưu ý đến vai trò của biển đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, bởi nó có quan hệ đến việc phát triển trường tồn của dân tộc.

· +++ Do “dựa lưng” vào Trường Sơn nên mắt phải nhìn ra biển. Mặc dù truyền thống hướng biển của cha ông còn nhiều điều phải tiếp tục nghiên cứu nhưng tất cả các triều đại trong lịch sử Việt Nam đều xem biển là một phần máu thịt quốc gia, vì thế cần phải bảo vệ.

Champa thực sự làm chủ vùng biển miền Trung từ đầu công nguyên. Họ có chiến thuyền và thủy quân giỏi để bảo vệ quốc gia từ phía biển.

Trong cuộc Nam tiến của dân tộc, vùng biển rất được quan tâm, đặc biệt là thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, chủ quyền vùng biển được khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt. Đây là thời kỳ bùng nổ có bước đột phá trong cái nhìn về biển.



CHƯƠNG 2
TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN: THỜI KỲ 1802-1858


Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển miền Trung được bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn của các vua Nguyễn về vị thế của biển đảo cũng như vị trí đặc biệt của Kinh đô và các cửa biển quan trọng. Triều Nguyễn đã quan tâm tổ chức, xây dựng và huấn luyện quân đội, tổ chức thông tin liên lạc và xây dựng hệ thống phòng thủ vùng biển nơi đây với tất cả khả năng của mình.

2.1. VỊ THẾ CỦA BIỂN TRONG CON MẮT CÁC VUA ĐẦU TRIỀU NGUYỄN

Nguyễn Ánh - Gia Long là người hiểu về vị trí quan trọng của biển bởi một phần đời của ông phải sống trên biển; con người ấy hẳn nhiên biết quý trọng biển cả. Bàn về cơ lược dùng binh, nhớ tới những năm tháng bôn ba, Gia Long dụ rằng: "Côn Lôn, Phú Quốc, Thị Nại, Cù Mông trẫm cùng với các tướng sĩ các ngươi đã trăm trận đánh vất vả mới có ngày nay. Lúc yên đừng quên lúc nguy. Đó thực là đạo giữ nước yên dân" [79, 811]. Chính vì thế, bảo vệ quốc gia từ phía biển luôn được Gia Long quan tâm, đề phòng bằng những hệ thống phòng thủ vùng biển cũng như việc tuần tra, khẳng định chủ quyền trên vùng biển, đảo.

Năm 1803, nước Hồng Mao (Anh) “sai sứ đến dâng phương vật, dâng biểu xin thông thương. Lại xin cho người nước ấy ở lại Đà Nẵng, đi lại buôn bán”. Gia Long cho rằng: “tiên vương kinh dinh việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di, đó thực là ý đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác, không cho ở lại, ban cho ưu hậu mà khiến về, khước từ những phương vật mà họ hiến” [79, 603]. Sau đó Hồng Mao thêm hai ba lần dâng thư xin thông thương, Gia Long đều không bằng lòng, tất cả chỉ là ý đề phòng từ xa.

Tháng 9 năm 1806, làm xong sách Nhất thống dư địa chí: núi sông hiểm trở, đường xá xa gần, giới hạn, nguồn sông, cửa biển… đều phải chép hết, để phục vụ cho sự hiểu biết về vùng biển, phục vụ đắc lực trong công tác hải vận và tuần phòng.

Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ thời Minh Mạng cho biết diện mạo khác hoàn chỉnh của cương vực, lãnh thổ Việt Nam. Theo phiên âm của TS. Huỳnh Công Bá, các cửa sông, cửa biển, tấn sở được ghi chép ở miền Trung như sau: Chính Đại, Hãng tấn, Bạng tấn, Cờn hải, Hội hải, Nhượng hải, Tấn hải, Khẩu hải, Linh giang, Nhật Lệ, Tùng dương, Việt An, Thuận An, Tư Hiền, Cảnh Dương, Chu Mại, Hải Vân, Câu Đê hải khẩu, Đại Cát, đại Cát Mặc, Thị Nại, Xuân Đài… [PL 8], [PL 9].

Nhà nước thường xuyên tổ chức thăm dò, đo vẽ cửa biển, đường biển phục vụ cho vận tải và quân đội. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cửa biển, do quan Trấn thủ, Thủ ngự chỉ huy. Tài liệu cho biết: Tháng Giêng năm 1813, "hạ lệnh cho các trấn thủ dọc biển các địa phương đo những nơi các cửa biển sở tại, sâu nông rộng hẹp thế nào, hàng năm cứ đến mùa xuân mùa đông thì dâng đồ bản lên. Bộ Công sẽ đưa đồ bản cho các đội thuyền vận tải của thủy quân để cho biết đường thủy khó dễ thế nào" [79, 856]. Tháng 2-1815, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển [79, 898]. Tháng 3-1816, "sai các dinh trấn, xem đo đường biển cách nhau xa gần bao nhiêu, vẽ bản đồ dâng lên và sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng sa để thăm dò đường thủy." [79, 922]. Tháng 6-1817, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho 20 lạng bạc [79, 950]. Tháng 3-1820, Minh Mạng giao cho quan thủ ngự còn có nhiệm vụ "cắm tiêu" tại những cửa biển để hướng dẫn thuyền qua lại" [80, 55]. Như thế từ đầu việc xác định cương giới đã được ý thức rất sớm và đúng đắn.

Muốn bảo vệ vùng biển, không chỉ hiểu biết đường biển, vùng biển mà còn cần một lực lượng thủy binh mạnh, biết chiến đấu hiệu quả trên biển. Gia Long đã rất quan tâm tới thủy binh, hàng năm cứ tháng Giêng lại tiến hành thao diễn phép chèo thuyền. Trong những ngày lễ này, vua mặc áo trận, đeo gươm và ban phát hiệu lệnh [79, 541].

Thủy quân và thuyền chiến thời Nguyễn thực sự hùng mạnh trong khu vực, lại được huấn luyện theo binh pháp châu Âu. Từ năm 1789, theo lời khuyên của Bá Đa Lộc, "Nguyễn Ánh ra sức tăng cường thủy binh, trở thành lực lượng thủy binh mạnh nhất chưa từng có ở vùng biển Ấn Độ" [77, 50]. Tài liệu người Anh đến Phú Xuân năm 1819, cho biết nhà Nguyễn có tới 2530 chiến thuyền các loại và "bất cứ lúc nào nhà vua cũng có thể huy động thêm thuyền buôn và thuyền chài đi lại chi chít ngoài ven biển" [77, 24].

Thời Minh Mạng, thủy quân tiếp tục được chú trọng, dụ năm 1825, cho biết "nay thủy quân ở kinh, hiện đã đặt thêm nhiều, mà các địa phương ven biển cũng đều có thủy quân... Tất cả phải diễn tập cho tinh thạo, phòng khi dùng đến [74, 395], còn về phòng thủ thì “những chỗ xung yếu ở gần bể như cửa bể Thuận An, cửa bể Tư Dung không đâu là không lập pháo đài” [94, 237].

Hội điển chép về việc diễn tập thuyền bè khá chi tiết. Như đầu thời Nguyễn, đã chuẩn định các cơ đội thủy sư thao diễn thuyền hải đạo bao gồm các cơ: Tả thủy, Tiền thủy, Hậu thủy, Hữu thủy, Tả dực, Hữu dực, Tiền dực; các đội Tả thủy, Hữu thủy, Tiền thủy, Tả bính, Tiền bính, Hậu bính, Bố phường, doanh Hữu thủy; có 12 đội nội thủy, quả là một lực lượng hùng hậu; “lại rước vua ra cửa biển Noãn Hải duyệt quân Diệu thủy thao diễn thuyền chiến ở các cửa biển Tư Hiền, Đại Chiêm" [74, 393-394]. Về sau chuẩn: lấy ngày 1 tháng 5 thao diễn thuyền quân hải đạo [74, 399]. Việc thao diễn của các loại thuyền được Hội điển ghi chép kỹ ở quyển 157, và lưu ý rằng thuyền bọc đồng ở Sơn Trà cũng thao diễn: "mỗi tháng hai lần hoặc một lần ra biển thao diễn, cần được thông thạo" [74, 404]

Các vua đầu triều Nguyễn đương thời đều thân hành xem xét các cửa biển, đặc biệt là cửa Thuận An và Đà Nẵng và có những đánh giá rất cao về vị thế chiến lược của các cửa biển này. Như năm 1830, Minh Mạng xem pháo đài Trấn Hải và đánh giá: “thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi của Kinh sư vậy" [94, 240-241].

Minh Mạng năm thứ 10 (1829), dụ rằng: “bờ cõi nước ta dài theo ven biển, vốn dùng binh thuyền làm nghề sở trường. Triều Lê bỏ việc võ bị ở ven biển, nhà Tây Sơn thao diễn hải quân không được tinh thục, để cho đến nỗi mất nước. Đức hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế nhà ta, khôi phục đất cũ, uy danh dậy khắp bốn phương, phần nhiều nhờ sức thủy quân, nay dẫu ở lúc thừa bình, càng không nên bỏ qua, phải sức cho quân lính thao diễn ngày thêm thuần thục, lại nhân thể tuần tiễu ngoài khơi, cũng là làm một việc mà được cả hai điều tiện lợi. Mới khiến thủy quân tuần tiễu phận bể, từ Quảng Trị trở về phía bắc đi lại thao diễn, lại sai các địa phương ở gần hải phận, xem xét có những kẻ đá nằm ngầm đáy nước, sâu nông rộng hẹp thế nào, vẽ thành đồ bản giao cho thủy quân để biết chỗ nào hiểm trở, chỗ nào bằng phẳng” [93, 293].

Khi cử Nguyễn Tri Phương vào giữ chức Tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi năm 1840, Minh Mạng nói về việc phòng giữ cửa biển là để “bọn giặc dù muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta. Đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình” [94, 275].

Vừa thao diễn lại kết hợp tuần tiễu là việc làm có nhiều điều lợi, được Minh Mạng quan tâm. Năm 1831, binh thuyền đi tuần tra mặt biển “đi lại diễn tập, phóng chạy, đều hướng vào chỗ sâu và các đảo lớn, đảo nhỏ, đi tuần quanh khắp hết, cần khiến cho lúc tiến lúc dừng đều được rèn kỹ, đường biển đều biết hết cả" [74, 395].

Thiệu Trị nhiều lần xuống Thuận An, có một lần (5-1847) ông xuống Thuận An xem tập thủy trận, hôm sau "đem ra 8 bài thơ vịnh cảnh Thuận An cho các quan xem" [29, 349].

Với việc thăm dò ráo riết cũng như sự xuất hiện này càng nhiều các hạm đội phương Tây trên vùng biển Việt Nam, tháng 10-1839, Minh Mạng sai phái thuyền ra ngoại dương "làm việc công". Minh Mạng cho biết mục đích của nó: "Không phải để mua hàng hóa mà để biết rõ núi sông phong tục, nhân vật, xem kỹ la bàn, ghi chép rõ ràng cho biết phương hướng… Ta phái binh thuyền đến nước ngoài là muốn quen đường biển và biết tình thế phong tục các nơi, không phải để cầu lợi" [61, 53].

Về hải đảo, các vua Nguyễn tiếp tục có cái nhìn đúng đắn về các quần đảo của Đại Việt. Đó là sự kế thừa cái nhìn hướng biển của cha ông. Học giả Hoàng Xuân Hãn trong khảo cứu "Thử đặt vấn đề Hoàng Sa", phân tính các tài liệu của Lê Quý Đôn (Phủ biên tạp lục), Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí); các bản đồ thời Lê, toàn tập "Thiên Nam lộ đồ" của Maspéro (1741) và “Giao châu chí” cũng của Maspéro để lại, có bức đồ “Quảng Nam xứ” (đời Lê), rồi “Hồng Đức bản đồ” “Thuận Hóa địa đồ nhật trình”, “Quảng Nam địa đồ nhật trình”,...Giáo sư kết luận: "Về các bản đồ trước thời Gia Long cho biết rằng "bãi" Tràng Sa hoặc Cát Vàng được coi là phần quan trọng của đất Việt" [44, 8-11], [PL 3], [PL 4].

Với cái nhìn đúng đắn, năm 1816 Gia Long tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa. Sự kiện này cũng được người Anh quan tâm, linh mục Taberd đã viết về Hoàng sa trên hai số báo: "tuy rằng cái thứ quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn lợi, vua Gia Long đã nghĩ tăng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816 ông đã tới long trọng cắm cờ ông và chính thức giữ giữ chủ quyền các hòn đảo này, mà hình như không một ai tranh giành với ông" [44, 11].

Trên Thực tế, chỉ một thời gian ngắn quần đảo này lại có giá trị lớn: "những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền phần lớn là từ Hải Nam tới đã hàng năm thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du ra xa đến tận bờ đảo Borneo... Chính phủ An Nam thấy những món lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra bèn lập những người trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà người ngoài tới đây đều phải trả và để bảo vệ người đánh cá bản quốc" [44, 12].

Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) ghi lại việc Gia Long khẳng định chủ quyền Hoàng Sa rằng: “nước Cochinchine mà vua bây giờ lấy hiệu Hoàng đế gồm xứ Cochinchine thật hiệu, xứ Đông kinh, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có cư dân không xa bờ bể và quần đảo Paracel hợp thành bởi những tiểu đảo, gềnh, đá không dân cư. Chỉ đến năm 1816, mà Hoàng đế bây giờ mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy” [44, 12-13].

Tháng Giêng năm 1836, Minh Mạng sai "thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa, không nệ hòn cù lao nào, hễ dài ngang, rộng cao, chu vi và 4 phía gần đó có đó mọc cát ngầm hay không, từ cửa biển ra đó đường thủy đi mấy dặm; đá gần bờ biển huyện nào, làng nào; đến đâu khám xét rõ ràng; rồi cắm tiêu làm dấu vẽ thành đồ bản đem lên ngài ngự lãm" [29, 257].

Năm 1835 nhà Nguyễn cho lập đền thờ thần Hoàng Sa ở bãi biển tỉnh Quảng Ngãi: "bãi Hoàng Sa ở ngoài biển có một chỗ cây cối rậm tốt, trong cồn có giếng, phía tây nam có cổ miếu có bia khắc bốn chữ "Vạn lý ba bình". Ngài sai cho lập miếu dựng bia, đàng trước xây cái bình phong" [29, 250]

Hoàng Việt địa dư chí (không đề tên trác giả) cung cấp cho chúng ta biết những tư liệu quý bổ sung về việc khai thác, khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa "Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, vua các đời trước đặt ra đội quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xứ An Vĩnh (Quảng Ngãi- huyện Bình Sơn- phủ Tư Nghĩa) để luôn luôn canh giữ. Hàng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang theo lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ, vừa khai thác vật báu” [121, 577].

Châu bản thời Minh Mạng cho biết về việc vãng thám, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa như sau: “Phúc tấu của bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836), châu phê: "mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân (Minh Mạng 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu". Đã phái thủy quân chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhựt, giờ Mão hôm qua đi Ô thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ nầy. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi. Châu cải (vua sửa lại): "báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện". Châu phê: "thuyền nào đi tới đâu cắm mốc tới đó để lưu dấu" [40, 190]

Việc vãng thám Hoàng Sa rất quan trọng, tuy vất vả nhưng rất được quan tâm, đặc biệt là thời Minh Mạng, nhà nước thường hỗ trợ nhiều cho những người tham gia, dụ ngày ngày 13-7-1837, cho biết “trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ đồ, trừ bọn Phan Văn Biện gồm 4 tên cam tội đã có chỉ phạt trượng. Còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền [40, 191]. Tấu của Quảng Ngãi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng 19 (1838): “xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho hai thuyền "Bổn chinh thuyền" đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về” [40, 191].

Vào thời Thiệu Trị, việc vãng thám vẫn được tiếp tục, nhưng vào gian đoạn sau, từ năm 1845, vì "công vụ bận rộn" nên việc vãng thám luôn bị châu phê “đình hoãn” mỗi khi bộ Công xin ý kiến. Phúc tấu của bộ Công ngày 26 tháng 1 Thiệu Trị thứ 7 (1847): Tháng 6 Thiệu Trị 5 (1845) phụng sắc về việc đình hoãn thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kì này hay không ?. Châu phê: "đình hoãn" [40, 191]

Tấu của bộ Công ngày 28-12 Thiệu Trị thứ 7 (1847): hàng năm vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn. Châu phê: "đình hoãn" [40, 191].

Với những trình bày trên cho thấy các vua Nguyễn rất quan tâm tới vùng biển. Trong con mắt của các vua Nguyễn, vị thế của biển, đảo được đánh giá rất cao, thể hiện cái nhìn hướng biển đúng đắn. Đó là cơ sở để các vua Nguyễn tổ chức và tiến hành các hoạt động bảo vệ vùng biển.

2.2. TỔ CHỨC, TRANG BỊ VÀ HUẤN LUYỆN QUÂN ĐỘI

Để xây dựng và bảo vệ quốc gia thống nhất, công việc đầu tiên của triều Nguyễn là tập trung xây dựng lực lượng quân đội và củng cố quốc phòng. Minh Mạng đã đánh giá xác đáng: "quân là nanh vuốt của nước" [80, 136], hay, "việc binh có thể 100 năm không dùng đến nhưng không thể một ngày không phòng bị được" [74, 406], chính vì thế việc võ bị rất được quan tâm.

Quân đội thời Nguyễn có cái nền từ cuộc chiến kéo dài với Tây Sơn. Chính cuộc chiến này mà thủy quân được quan tâm, thuyền chiến được tăng cường và được huấn luyện theo phương pháp phương Tây, do các sĩ quan Pháp trực tiếp huấn luyện. Bởi thế những ai đương thời tiếp xúc với quân đội nhà Nguyễn đều có những đánh giá rất cao về thủy quân nhà Nguyễn.

Thừa sai Pháp Lelabousse trong thư viết ngày 14-4-1800 cho rằng: "những xưởng đóng tàu và quân cảng [của Nguyễn Ánh] đã khiến người ngoại quốc phải ngưỡng mộ và khắp châu Âu phải ngợi khen nếu được nhìn tận mắt... Vô số chiến thuyền, tàu bè đủ mọi cỡ, đủ mọi hình dáng và sự vững chắc làm cho người ta phải kính nể" [75, 41-42].

Năm 1820, đại uý Mỹ White khi đến Sài Gòn, ca ngợi 150 chiến thuyền đẹp nhất còn rất tốt tại xưởng sửa chữa, ông đánh giá: "xưởng này đáng làm cho người Việt Nam tự hào hơn bất cứ cái gì khác trong nước. Xưởng này có thể ví với bất cứ một cơ xưởng nào ở châu Âu... chắc chắn là người Việt Nam đóng thuyền khéo hơn hết và hoàn thành công việc một cách rất chính xác"; ông đoan chắc rằng với những chuyên viên tay thợ đóng tàu giỏi như vậy "phải là một dân tộc đi biển rất cừ khôi" [75, 42].

Trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã dựa rất nhiều vào lực lượng thủy quân. Chính những chiến thuyền này đã giúp Nguyễn Ánh vượt biển đánh vào các cảng chiến lược của Tây Sơn như cảng Qui Nhơn (1790, 1797, 1798), cửa biển Nha Trang (1793), trận quyết định Thị Nại (1801)... Do đó hoạt động đóng thuyền đã rất phát triển vào thời kỳ này. Một người Anh đã thấy ở Sài Gòn năm 1800: một hạm đội gồm 1200 chiến thuyền do Nguyễn Ánh chỉ huy... Cho đến khi chấm dứt cuộc chiến với Tây Sơn, lực lượng hàng hải của Nguyễn Ánh gồm gần 100 chiến hạm, 800 pháo hạm, 500 bán pháo hạm [117, 315- 316].

Nói về ảnh hưởng của tổ chức quân sự phương Tây, cụ thể là Pháp, một tướng Pháp là Lemonnier cho biết Nguyễn Ánh đã từng đọc ở Sài Gòn những binh thư mà Napoléon đã từng đọc cùng thời đó, và "những cuộc hành binh của vua xứ Nam Kỳ (chỉ Nguyễn Ánh) giống nhau một cách kỳ lạ với những cuộc hành binh của đệ nhất cộng hoà Pháp, giống nhau cả về tổ chức, về vũ khí và nhất là về ảnh hưởng của các nhà quân sự Pháp cuối thế kỷ XVIII" [72, 45].

Về số lượng thủy quân, tài liệu của Maybon cho biết, năm 1820 quân đội nhà Nguyễn có 160000 người, có thể tăng gấp đôi trong thời chiến, trong đó có khoảng 30000 thủy binh [77, 25]. Trước đó, những năm 1792-1793, tài liệu của Barrow cho biết, hải quân phục vụ trên biển có 26800 người với khoảng 70 thuyền chiến lớn nhỏ gắn đại bác và súng bắn đá [13, 44], [PL 10], [PL 11], [PL 12].

Theo tư liệu của Đỗ Văn Ninh, thời Gia Long có 17000 lính thủy với 3 chiến thuyền kiểu phương Tây, có thuyền lớn bọc đồng tuần dương, có 100 chiến thuyền lớn có máy bắn đá và đại bác, 200 chiến thuyền nhỏ trang bị 16 đến 20 đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ hơn có máy bắn đá và 1 đại bác [72, 45].

Đại uý Mỹ White mô tả: một cỗ thuyền dài từ 15-30 thước, trên vài con thuyền có đến 16 ổ súng bắn đạn 1,5 ký. Những thuyền khác có 4 hay 6 ụ súng bắn đạn 3 hay 3,5 ký đều là súng đồng rất đẹp mắt" [75, 42]. Còn Crawfurd, một người Anh, vào năm 1822 đánh giá: người Nam kỳ tỏ ra là người thủy thủ giỏi hơn hết ở Viễn Đông" [75, 42]

Về tổ chức, trang bị của quân đội nhà Nguyễn, theo tác giả Đỗ Văn Ninh: "chỉ có bộ binh và thủy binh mới được coi là binh chủng đúng với ý nghĩa của nó, nhà Nguyễn đã dồn tất cả tài sức xây dựng cho hai binh chủng này trở thành hai binh chủng mạnh chưa từng thấy trong lịch sử quân sự ở những thời trước, phù hợp với tình hình đất nước ta và khả dĩ có thể phòng thủ có hiệu quả chống những kẻ thu mạnh… Nhà Nguyễn xây dựng một binh chủng thủy quân với nhiều loại thuyền quân lớn nhỏ, có đủ cả chức năng chiến đấu, vận tải; có hải đội, giang đội khác nhau; có thuyền do trung ương đóng và chỉ huy, có thuyền do địa phương đóng để bảo vệ hải phận tỉnh mình. Việc trang bị súng đại bác trên từng loại thuyền cùng với quân lính cũng đều có quy định biên chế rành mạch" [72, 46]. Tác giả viết tiếp: “Nhà Nguyễn đã nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thủy quân và đã có sự cố gắng lớn trong việc xây dựng binh chủng này. Vào đầu thời Nguyễn, đặc biệt là thời Thiệu Trị và thời Tự Đức, hải quân đã được trang bị nhiều loại tàu thuyền. Mỗi loại tùy cỡ lớn nhỏ mà có chức năng khác nhau, khả dĩ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ và chiến đấu của một binh chủng lớn đương thời” [72, 49].

Một trong những trang bị quan trọng của việc tổ chức lực lượng là phát triển tàu thuyền. Trong thư gửi về Paris đề ngày 24-4-1800, Thừa sai Lelabousse cho biết, Nguyễn Ánh đã thành công trong việc dùng thợ bản xứ mà chế tạo được những tàu chiến kiểu châu Âu. “Ông bắt đầu bằng việc cho tháo rời từng bộ phận của một chiếc tàu cũ vừa mua được, rồi theo đó mà chế tạo một tàu đẹp hơn. Kết quả đầu tiên này khích lệ ông làm thêm một chiếc tàu mới và cũng thành công. Sau đó Nguyễn Ánh lại cho làm thêm hai tàu nữa. Việc chế tạo 4 chiếc tàu này được tiến hành rất nhanh chóng, mỗi chiếc chỉ mất 3 tháng, có khi ít hơn, hình dáng khá đẹp. Mỗi tàu trang bị 26 hoặc 36 đại bác với 300 thủy thủ” [77, 24].

Thông tin về việc Nguyễn Ánh chỉ đạo chế tạo tàu chiến kiểu phương Tây hẳn nhiên được quân tâm và nó rất nổi tiếng vào lúc đó. Thực ra trong hồi ký của thuyền trưởng Barissy, một sỹ quan hải quân Pháp, nhiều năm chỉ huy chiến hạm phục vụ “vua Đàng Trong” (Nguyễn Ánh) mà John Barrow khai thác, thì từ cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh đã cho tiến hành đóng tàu chiến. Trong vòng 2 năm (1797-1798), “vua đã cho đóng ít nhất 300 tàu lớn có đại bác hoặc thuyền chèo, 5 tàu cướp (luggers) và một chiến hạm theo kiểu tàu châu Âu. Vua cho đưa vào một hệ thống các chiến thuật hải quân, và có những sĩ quan hải quân được huấn luyện sử dụng các tín hiệu. Một trong những người quý tộc Anh mà tôi đã nêu là ở Sài Gòn vào năm 1800, đã nhìn thấy một hạm đội gồm có 1200 tàu buồm, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của thái tử, kéo neo lên và hạ xuống sông một cách rất trật tự, thành ba phân hạm đội riêng rẽ, hình thành các tuyến theo thứ tự chặt chẽ và rõ ràng” [13, 37].

Sau này nhà Nguyễn vẫn thường mua tàu về rồi theo mô thức đó mà đóng. Minh Mạng mua được tàu hơi nước, cho theo kiểu dáng để làm cái... lớn hơn. Bản tấu của bộ Công ngày 20-7 (1838), cho biết: "nay mới mua về một chiếc tàu chạy bằng hơi, chạy rất mau, không không kể gió nước ngược xuôi, không cần người chèo đều đi được cả, mà chạy rất mau.

Phụng sắc: sẽ y thức làm cái tàu cho lớn, đem bộ máy ấy lắp vào. Phải giữ gìn máy cẩn thận đừng để cho bụi vào bẩn, rỉ. Vậy xin đặt các viên, binh coi ngó và tháo ra để trên xưởng kẻo mưa lụt sắp đến hư hỏng. Nếu người chuyên trách việc ấy bất cẩn sẽ bị trị tội nặng" [22, tập 72, 56]. Điều đó cho thấy mong muốn làm cái "lớn hơn" trên một bộ máy cũ, khát khao cải tiến nhưng Minh Mạng đã không tính toán đến việc vận hành sẽ không như ý.

Tàu chiến thường được trang bị mới nhất, hàng năm thao diễn ở cửa biển Thuận An và có bắn súng lớn với những thuyền máy và thuyền nhiều dây như: Bình Dương, Định Dương, Định Hải, Tĩnh Hải, Thanh Hải... trong đó tàu Điện Phi do Đào Trí Phú mua về đứng đầu về kỹ thuật. Về các loại thuyền và chức năng của nó được Đỗ Văn Ninh miêu tả khá kỹ như thuyền bọc đồng, thuyền hạng lớn, thuyền tuần dương... “mỗi loại tùy cỡ lớn nhỏ mà có chức năng khác nhau, khả dĩ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ phòng thủ, bảo bệ và chiến đấu của một binh chủng lớn đương thời” [72, 49].

Về việc đóng tàu chiến kiểu phương Tây thời Minh Mạng, tác giả Nguyễn Văn Đăng đã có bài khảo cứu khá chi tiết [72, 58-63]. Tác giả cho rằng việc đóng tàu thuyền kiểu phương Tây thời Minh Mạng chủ yếu có hai loại là thuyền bọc đồng và tàu máy hơi nước. Việc đóng tàu thành công đã mở ra khả năng đóng đồng loạt, tuy nhiên các vua tiếp theo là Thiệu Trị, Tự Đức “không đủ kiên trì và quyết tâm theo đuổi việc tổ chức, triển khai đóng thuyền máy trên qui mô lớn. Như vậy, dù Minh Mạng có công quan tâm tiếp thu những yếu tố kỹ thuật đóng thuyền phương Tây nhưng các vị vua kế tục ông đã không phát huy thu được kinh nghiệm đó” [34, 61]. Trên thực tế việc đóng tàu vẫn được tiến hành tuy không nhiều, như Châu bản ngày 26-9-1851, cho biết: “các quan chức phụ trách thủy quân trình về việc cho chạy thử một loại thuyền vận chuyển đường biển kiểu mới, tốc độ nhanh hơn các loại cũ [120, 45].

Các tác giả Quân thủy khi nghiên cứu về tàu chiến phương Tây, lại có đánh giá rất khác: “Từ thế kỷ XVIII, đặc biệt là thế kỷ XIX, một số thuyền chiến nhiều tầng pháo kiểu châu Âu lác đác xuất hiện trong hải quân nhà Nguyễn (Việt Nam) và nhà Thanh (Trung Quốc)... song đó chỉ là những thuyền tương đương với thuyền loại nhỏ của châu Âu” [129, 132]. Về việc huấn luyện theo phương pháp mới với sự có mặt của các sĩ quan phương Tây cũng vậy, nó nằm trong đặc điểm chung của các nước phương Đông, “vẫn rất khác so với phương Tây đương thời, mặc dầu từ thế kỉ XVIII, nhiều nước phương Đông đã mua tàu, đóng tàu, thậm chí nhờ các thuyền trưởng, sĩ quan phương Tây giúp trong cả tổ chức, biên chế” [129, 29]

Do đặc điểm cần triển khai nhanh, phối hợp chiến đấu khi cần thiết nên thuyền công hay thuyền tuần dương thời Nguyễn đều mang nặng yếu tố quân thuyền. Một người Anh, ký tên H.P, đến Phú Xuân những năm 1819, cho biết nhà Nguyễn có tới 2530 chiến thuyền các loại và có thể huy động thêm thuyền chài và thuyền buôn đi lại trên biển [77, 24]. Thuyền Thủy quân cũng có khi dùng để chở vật liệu như tháng 3-1810, lấy hơn 100 chiếc binh thuyền của thủy quân để chở sản vật ở Thanh Nghệ và Bắc thành [79, 784]. Đấy chỉ là một số dẫn chứng, có thể tìm được rất nhiều thông tin tương tự, như việc đóng thuyền, chẳng hạn: “Tháng 6-1804, đóng 20 thuyền hải đạo, sai Nghệ An chọn 200 người thợ đóng thuyền sung làm công việc ấy [79, 603]. Tháng 3-1805 lại tiếp tục đóng thuyền Hải đạo, "sai các đội thự rừng Quảng Trị đi lấy gỗ để nộp, thưởng 1000 quan tiền, 1000 phương gạo. Tháng 2-1807, sai đóng thêm hơn trăm chiếc thuyền chiến sai. Vua từng nói với bọn Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: "trong nước tuy đã yên ổn nhưng không thể quên được việc chiến tranh. Quân ta rất giỏi thủy chiến mà số thuyền ghe hiện không có mấy, nên đóng sẵn trước để phòng khi dùng đến [79, 690].

Về tổ chức lực lượng hay biên chế, ngoài đội quân chính qui, tháng Giêng năm Gia Long thứ 9 (1810), “sai bốn dinh trực lệ và trấn Quảng Ngãi kén dân phụ giữ các cửa biển, người nào khoẻ mạnh, giỏi lội nước, cứ 5 đinh lấy 1 người, cho lệ vào thủy quân, do Tống Phước Lương quản lãnh [79, 772]. Chúng ta cần lưu ý về cách thức và đối tượng tuyển chọn. Tháng 3-1811, đặt thuyền Toàn Bính ở Bình Định, sai trấn thần mộ dân ngoại tịch sung vào [79, 811]. Đây rõ ràng là kiểu tổ chức coi trọng quân địa phương. Các cửa biển nhỏ, ít quan trọng thường vẫn có thủ ngự để coi giữ. Nhưng về sau, xét thấy sự không cấp thiết mà bãi bỏ hoặc cho sáp nhập vào sự quản lý của tấn thủ lớn hơn, gần đó.

Như vậy, với sự đánh giá đúng, thức thời về việc cần phải xây dựng một lực lượng phòng thủ mạnh, nghiêng về thủy- hải quân. Nhà Nguyễn đã chú trọng tổ chức, xây dựng lực lượng phòng thủ vùng biển mạnh, ngoài lực lượng quân đội thuộc binh chủng thủy quân được biên chế còn có quân địa phương. Ngoài nhiều kiểu loại thuyền chiến mới, đa dụng còn có thuyền của các địa phương, thuyền đánh cá. Quân đội cũng được trang bị nhiều vũ khí và sáng tạo nhiều loại vũ khí mới phục vụ phòng thủ vùng biển, như ngày 24-10-1857, bộ Binh báo cáo về việc chế tạo “pháo xa” kiểu Tây phương để trang bị cho các thuyền tuần tiễu ngoài biển. [120, 53]. Ngày 8-11-1857, bộ Binh báo cáo về việc chế thử thành công và bắt đầu đưa vào sử dụng một số vũ khí mới: Hỏa chiến chúc, Hỏa đầu chúc, Phi hoa, Chấn thuyền lôi [120, 53]. Với những dẫn liệu trên cho thấy tổ chức, trang bị lực lượng của nhà Nguyễn hẳn có tác dụng không nhỏ đối với việc phòng thủ.

2.3. THÔNG TIN LIÊN LẠC

Để đảm bảo nắm bắt nhanh chóng tình hình trên biển, nhà Nguyễn cho xây dựng một hệ thống thành, đồn, pháo đài dọc khắp các cửa biển và những nơi quan yếu. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin cũng được thiết lập để thông tin từ các thành, đồn biển được chuyển về Kinh nhanh nhất.

Bước đầu phương tiện thông tin liên lạc ở các cửa biển được sử dụng bởi các "đài Hỏa Phong", tuy nhiên đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thấy không tiện lợi bằng việc chạy ngựa trạm, nên vua cho triệt các đài này và giao việc phòng giữ cho các địa phương tích cực đi tuần, gặp giặc thì cấp báo. Tài liệu cho biết: “trước đây ở cửa bể Tư Dung và cửa bể Chu Mãi thuộc tỉnh Thừa Thiên, cửa bể Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam đều có đài Hỏa Phong (một đài xây cao khi có giặc thì đốt lửa lên để làm hiệu). Nay vua ngự đến cửa bể Tư Dung dụ bảo rằng: “những bến ở vùng bể nếu gặp nhiều chỗ tuần phòng gặp việc khẩn cấp thời cho ngựa trạm chạy đi nhanh như bay khó gì không đến ngay được. Như thế với đài Hỏa Phong lại không hơn hay sao?”. Mới sai triệt hết đài hỏa phong mà sai Binh bộ bàn định chương trình 6 cửa bể từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Trị đều do quan địa phương sai binh thuyền đi lại tuần tiễu chỗ hải phận của tỉnh mình, có tin gì thời báo ngay để nghiêm việc phòng giữ ngoài bể”[94, 259].

Năm Minh Mạng 18 (1837), vua dụ bảo bộ Binh và bộ Công rằng: “cửa biển Thuận An là nơi thiết yếu ở vùng bể, ở ngay kế nách Kinh đô. Trước đây thuyền bè ra vào phải căn cứ vào văn thư của đồn canh tại cửa bể ấy báo lên thời không phải chậm trễ, nay thuận cho mé trước kinh thành theo bờ biển đến thành Trấn Hải phải tùy chỗ mà đặt “vọng lâu” (lầu trông xa) may cho cờ hiệu để thứ đệ truyền báo nơi nọ đến nơi kia, mỗi lầu phải đặt chức Suất đội, chức Thơ lại và binh lính đều ở trên lầu trông đi xa, nếu thấy lầu ở bên dưới báo cờ hiệu sắc gì thời trên lầu kéo ngay cờ hiệu cũng theo màu sắc ấy, để tin tức được nhanh chóng, vậy Binh bộ và Công bộ phải bàn điều lệ để tâu lên.

Vua lại dụ rằng: “phép lấy cờ hiệu để báo hiệu, đức Thế tổ Cao Hoàng đế là Hoàng khảo của trẫm đã tính làm nhưng chưa kịp thi hành, nay trẫm làm theo chí của tiên đế, dù ngựa chạy theo đường trạm và văn thư gửi theo đường bưu cục ở đường thủy, cũng không nhanh chóng được như thế”.

Hai bộ bàn rồi tâu lên, Minh Mạng chuẩn "cho lấy ngay lầu ở cửa chính đông và phía trái kinh thành làm một vọng lâu, và những nơi Đông Trí, Phổ Trì, Thạch Căn, Phù An, Dương Lỗ, Thuận Lan, Tràng Châu, Cáp Châu cùng gần nơi phía tả thành Trấn Hải, tất cả 10 nơi chiếu thứ tự gọi là đệ nhất vọng lâu cho đến đệ thập, kỳ lâu (lầu cắm cờ) cắt lính để trông xa mà cấp cho cờ hiệu, thẻ bài để ghi nhận, nếu cứ chuyển cáo về chậm hay nhầm, thời tùy việc nặng nhẹ mà trị tội. Về sau lấy cớ việc báo tin bằng lầu cắm cờ không bằng báo tin bằng cửa bể truyền đi lại nhanh chóng hơn, nên lại bỏ các lầu cắm cờ” [94, 265].

Như thế, việc thông tin gặp những khó khăn nhất định so với nhu cầu phải nhanh chóng và chính xác của công việc, việc cung cấp tin tức từ cửa biển là quan trọng và cần thiết nên rất được được quan tâm. Vua Minh Mạng vừa cho thay các đài hỏa phong bằng chạy ngựa trạm và bưu cục thì năm sau lại thay bằng lầu cắm cờ nhưng ngay trong năm ấy hiệu quả không cao nên lại loại bỏ. Trên một trục từ Thuận An về Huế phải làm tới 10 lầu cắm cờ với số người túc trực không nhỏ mà hiệu quả không cao thì việc triệt tiêu nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu.

Sách Hội điển, phần “Binh chế” chép rõ về "hiệu cờ, hiệu súng, hiệu đèn ở đài trên đồn biển", như năm Gia Long thứ 12 (1813) chuẩn định: đài Trấn Hải ở cửa biển Thuận An hễ trông thấy lửa cháy ở đài đốt lửa trên núi Thái Lĩnh thuộc cửa biển Tư Hiền thì viên Án thủ sai một mặt kéo cờ hiệu, một mặt phái 2 người nội hầu tiểu sai về tâu. Cho ghi điều này làm lệ. Năm Gia Long thứ 18 (1819), lại chuẩn định: từ nay về sau khi thuyền công sắp sửa vào cửa biển Thuận An, nếu gặp sóng gió không tiện vào bến, thì đài Trấn Hải dự trước kéo cờ đỏ và bắn hai phát súng, khiến cho thuyền ấy nghe biết. Tùy tiện đi thẳng [74, 587].

Việc treo cờ là thể diện quốc gia, có khi cũng chỉ là "cho oai" với người Tây như năm 1823, Minh Mạng ban chỉ: đài Điện Hải, pháo đài Định Hải dinh Quảng Nam là nơi bể biển, cần phải nghiêm túc. Vậy cho đem 3 lá cờ vàng cấp phát cho viên ở đài ấy nhận lĩnh. Hễ đến các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương và mùng một, ngày rằm đều theo lệ treo cờ. Trừ khi thuyền buôn qua lại buôn bán thì không kể. Phàm khi trông thấy tàu thuyền của các thành dinh trấn đi vận tải của công, cùng là tàu thuyền của Tây dương hoặc đi qua ngoài biển, hoặc đậu ở bến sông đều nên treo cờ để trông vào cho oai. Điều này cho làm lệ vĩnh viễn [74, 587].

Những thuyền công ra vào cửa biển thì lệ "treo cờ, bắn súng" chào mừng rất cụ thể, tùy mức độ mà bắn chừng mực, có khi vừa treo cờ vừa bắn súng có khi chỉ treo cờ không thôi. Đối với tàu thuyền nước ngoài, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) qui định: "phàm tàu thuyền nước ngoài tới đậu ngoài cửa biển, vào các ngày thả neo và nhổ neo, thuyền ấy nếu có treo cờ, thì không kể là hiệu cờ gì; nếu có bắn súng thì không kể là tiếng súng nhiều hay ít, trên đài chỉ bắn đáp lại 3 tiếng súng thôi, không cần phải treo cờ đỏ. Về viên quan coi giữ đài Trấn Hải, từ nay, phàm trên đài có những khoản nên treo cờ bắn súng, thì viên quan coi giữ ấy phải lưu tâm trông nom. Nếu vẫn đặt mình ra ngoài công việc, đến nỗi khi gặp việc có sự lầm lẫn, thì ngoài những biền chuyên làm việc ấy đều phải trị tội thích đáng không kể, mà viên quan coi giữ cũng bị xử tội" [74, 589].

Việc qui định bắn súng cũng có sự phân biệt, thay đổi. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) ban chỉ: "đài Điện Hải, An Hải ở cửa biển Đà Nẵng Tỉnh Quảng Nam hiện nay phàm thuyền lớn đến hải phận cửa biển bắn 3 phát súng. Nếu khi có nhiều chiếc thuyền lớn cùng vào cửa biển, tiếng súng dù nhiều, 2 đài ấy cũng chỉ đều bắn 3 phát súng mà thôi. Điều này ghi làm mệnh lệnh mãi mãi" [74, 589].

Đối với một đoàn thuyền, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) qui định chỉ bắn súng khi chiếc đầu tiên và chiếc cuối cùng vào cửa biển. Phân biệt việc bắn súng lớn hay súng nhỏ tùy vào hạng thuyền như khi vào cửa Thuận An thì "nhân viên phòng thủ cửa biển cần phải xem xét kỹ lưỡng" [74, 590]. Tuy vậy, trên thực tế có khi quan coi cửía biển vẫn nhầm lẫn, như năm 1835, "thuyền buôn Tây dương đến cửa biển Đà Nẵng, họ bắn súng chào mừng chỉ là súng trường thế mà hai thành An Hải và Điện Hải lại không biết cân nhắc nên chăng, lại dùng tiếng súng áo đỏ bắn đáp lại, đến nỗi tiếng súng lớn nhỏ không ngang nhau, thực là không đúng. Vậy viên chuyên quản hai thành ấy cho phạt một tháng lương, từ nay về sau các thuyền nước ngoài tới hải phận ấy, nếu không bắn súng lớn thì chỉ dùng súng điểu thương bắn để chào mừng, cũng không cần trách lắm, chỉ là ở trên thành không cần bắn súng đáp lại [74, 590].

Đối với thuyền công nước ngoài tới cửa Đà Nẵng, năm 1835, Minh Mạng qui định: nếu treo cờ bắn súng thì trên thành chỉ bắn 3 tiếng. Thuyền buôn có bắn 7 hay 9 tiếng thì cũng chỉ bắn 3 tiếng, nếu họ bắn 3 tiếng thì trên thành không cần bắn đáp trả [74, 591].

Điều đặc biệt là chưa phân biệt ban ngày, ban đêm nên có khi không tiện cho việc bắn súng. Cho tới sự cố năm 1839, ở cửa biển Đà Nẵng bắn súng vào ban đêm làm "tiểu dân không biết gì, hoặc có kẻ kinh ngạc", từ đấy qui định không bắn súng vào ban đêm. Nhưng, trên các đài biển: duy ban đêm lệ trước chưa có ký hiệu, e ban đêm lái thuyền không ghi nhận vào đâu được, hoặc đến nỗi lầm lẫn. Vậy cho bộ sai thợ lĩnh vật hạng làm một cái đèn lồng lớn, chu vi cốt được trên dưới 7, 8 thước, trong bọc giấy trắng, ngoài bọc vải the, khi thắp đèn lên trông xa như một cái quàng đỏ lớn... trừ đêm nào mưa, gió, các thuyền vào cửa biển không tiện, thì không cần thắp đèn treo lên, còn những đêm trời tạnh thì đèn lồng ấy treo lên cột cờ, thắp đèn suốt đêm, khiến cho các thuyền ngoài biển được nhận làm chuẩn đích của cửa biển [74, 595].

Nhằm phục vụ cho việc nhận diện các tàu phương Tây được chính xác, năm 1836 cho phát ra bản vẽ hiệu cờ các nước ngoài chia cho cửa biển Thuận An, cửa biển Đà Nẵng và cửa ải Hải Vân mỗi nơi đều 1 bức. Do viên quan ở cửa biển và cửa ải nhận giữ. Nếu có thuyền nước ngoài đến đậu ở cửa biển, thì lập tức đối chiếu hiệu cờ ở trong bản vẽ, xem là hiệu cờ của nước nào, rồi kể rõ vào trong tờ tâu, lại vẽ riêng hình cờ cử thuyền ấy vào một miếng giấy nộp lên bộ đề "phòng khi chiếu nghiệm" [74, 591].

Bên cạnh đó nhà Nguyễn đã áp dụng phổ biến kính thiên lý và đánh giá rất cao hiệu qủa của nó. Hội điển cho biết nhiều thông tin về kính thiên lý được sử dụng rộng rãi để quan sát phục vụ trong quân đội.

Hầu hết các tỉnh được cấp kính thiên lý. Các đồn biển, thuyền tuần biển, thuyền công đi ra nước ngoài, đều được cấp kính và cử người thông thạo đi theo phục vụ đắc lực cho việc nhìn ngắm rõ ràng. Bởi "vùng biển mênh mông, chỉ có kính thiên lý có thể trông xa được, vậy cho trích ra 3 chiếc, giao cho một tên thị vệ, do đường trạm chạy từ Nghệ An trở ra bắc, chuyển tới các thuyền binh ấy chia cấp, để phòng khi nhìn xem tình hình giặc biển, khi việc xong lại đem về nộp" [74, 425-426].

Bắt đầu từ việc nhìn sai của cửa Thuận An năm 1825, thuyền công trở về cửa Thuận An lại nhìn nhầm, báo cáo là "có thuyền Tây dương tới đậu, trên treo cờ đỏ", Minh Mạng lấy làm tức giận, "thật là càn rỡ qúa lắm", ông ban chỉ: từ nay về sau cần đem kính thiên lý nhìn rõ, tùy việc báo về kỹ lưỡng, nếu còn sai lầm, ắt theo mức nặng mà trị tội, nếu quan hệ đến quân cơ, đến nỗi bị sai lầm, thì lập tức chiếu theo quân pháp mà nghiêm trị, dứt khoát khó khoan dung [74, 596].

Tiếp đó là liên tục các chỉ dụ về việc sử dụng kính thiên lý ở các nơi quan yếu như Hải Vân quan, Đà Nẵng, Thuận An:

+ Cửa ải Hải Vân có đặt đồn phòng thủ là để trông các thuyền ở ngoài biển. Từ nay về sau, người phái đến thay ban, cho do viên cai quản nhận lấy người nhìn ngắm kính thiên lý thông thạo đi thay ban phòng thủ [74, 597].

+ Cửa biển Đà Nẵng ở tỉnh trực phía nam, đường biển mông mênh, sương mù mờ mịt, về màu thuyền, kiểu buồm đối với người nhìn ngắm, cũng có khi không khỏi sức mắt có thể thấy được, đã có ban cấp 1 ống kính thiên lý. Từ nay, phàm biền binh ở các vệ Cảnh tất, Hộ vệ, Kim thương, Thượng tứ theo lệ phái đến ở lâu dài ở cửa ải Hải Vân. Mỗi khi đến kỳ thay đổi, thì viên cai quản ắt phải lựa chọn người nhìn ngắm kính thiên lý thông thạo, cam kết với bộ phái đi, và định mỗi tháng 2 lần đem mặt kính hiện giữ lau chùi đúng phương pháp cốt cho được luôn luôn sáng sủa, gặp khi nhìn ngắm, thăm dò, phải lưu tâm nhận định, mười phần chính xác, cho khỏi đến khi tâu báo mơ hồ [74, 597].

+ Cửa biển Thuận An là nơi quan trọng của xứ Kinh kỳ. Viên quan giữ thành và giữ cửa biển, cần phải nhìn ra cửa biển thông thạo, để biết rõ tình trạng. Vậy cấp thêm cho sở ấy một ống kính thiên lý. Phái ra một người Thị vệ hoặc Kim thương, cảnh tất, hộ vệ, mà ngắm nhìn thông thạo, đến đấy dạy tập các viên quản vệ, suất đội, tấn thủ, thủ ngự, đội trưởng ở thành và cửa biển ấy [74, 598].

Các hiệu cờ được qui định rất cụ thể, năm 1837 qui định: "Thuyền binh của các nước Tây dương, thả neo ở ngoài biển, thì dùng cờ hiệu "Đinh tam", khi thuyền ấy chạy đi thì dùng cờ hiệu "Mậu cửu". Thuyền nước ngoài gặp nạn gió thả neo ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu "Đinh ngũ", khi thuyền ấy chạy đi thì thêm cờ hiệu "Mậu cửu"; "thấy kiểu thuyền giặc nước Thanh lãng vãng qua lại ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu "Mậu tứ", nếu thấy thuyền ấy đã chạy đi thì thêm cờ hiệu "Mậu cửu". Thấy kiểu thuyền giặc phương Tây lãng vãng qua lại ở ngoài biển thì dùng cờ hiệu "Mậu ngũ", khi thuyền ấy chạy đi thì thêm cờ hiệu "Mậu cửu"... thấy rất nhiều thuyền binh, hoặc có chiếc phất cờ, đánh trống, bắn súng, như có tình hình hung ác, thì dùng cờ hiệu "Mậu thất"... thấy có nhiều thuyền binh kiểu lạ, không phải là thuyền công, thuyền vận tải, thuyền buôn của triều đình ta thì dùng cờ hiệu "Mậu bát"... thuyền ở ngoài xa, chưa phân biệt được thì dùng cờ hiệu "Mậu cửu"...[74, 594].

Chỉ riêng cửa biển Đà Nẵng là nơi thường có tàu phương Tây qua lại nhiều nên năm 1840 nghị chuẩn: "pháo đài Phòng Hải ở cửa biển Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Phàm bất kỳ trông thấy thuyền nhiều dây ở ngoài biển, còn chưa phân biệt được rõ ràng là của ta hay của nước ngoài, nếu thấy 1,2 chiếc thì treo cờ đỏ, 3,4 chiếc thì trở lên thì treo cờ gấm trắng đỏ. Đến khi nhận biết là thuyền công nước ta thì lại treo cờ vàng, nếu là thuyền nước ngoài thì lại treo cờ gấm trắng lam" [74, 595-596].

Tuy nhiên việc dùng cờ hiệu không phải bao giờ cũng có hiệu quả, như bản dụ năm 1838: cửa biển Thuận An là nơi bờ biển then chốt xứ Kinh kỳ, từ trước tới nay công việc thông báo, lệ do các viên tấn thủ, thủ ngự báo bằng giấy tờ. Trước đây dùng thuyền và người truyền đưa, hoặc khi hơi có chậm trễ, đã chuẩn y lời bộ Binh bàn, đặt ra các ở lầu cờ (đặt năm 1837) để truyền báo cho nhau là muốn được nhanh chóng. Nhưng hiệu cờ do các lần ấy báo ra, về sự nhanh chóng so với cửa biển Thuận An báo bằng giấy tờ cũng không hơn là mấy, mà số biền binh dùng để coi giữ lại tốn rất nhiều người. Hơn nữa nhìn xem màu cờ thường thường sai lầm, đến nỗi phải ghi nhận trở đi trở lại, rất là phiền phức, lại không bằng cửa biển Thuận An một mặt chạy báo còn hơn. Vậy các sở "lầu cờ" đã đặt ra, cho lập tức đình bãi. Phàm tất cả các công việc cần phải thông báo ở cửa biển Thuận An, cho do viên quan ở cửa biển ấy chiếu theo lệ cũ mà làm" [74, 595-596].

Một hoạt động thường xuyên khác là tuần tra trên biển, chủ yếu tuần tiễu giặc biển. Khi tuần tra, để phân biệt tàu công hay bọn cướp biển, Minh Mạng năm thứ 9 (1828) qui định: "nếu trong biển thấy có tàu thuyền từ xa, họ lập tức đem cờ vàng treo lên, thuyền lớn thì treo ở cột cờ đuôi thuyền, thuyền nhỏ thì treo ở trên cây cột buồm để nhận rõ quốc hiệu của thủy quân. Nếu không có cờ, tức là thuyền của giặc [74, 525-526]. Khi phát hiện thuyền giặc, "ban ngày thì bắn 3 phát đại bác, ban đêm cũng bắn 3 phát đại bác và bắn 5 chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Phàm xa gần nghe thấy thì lập tức khẩn cấp tiếp viện. Nếu thuyền giặc nhân gió bỏ chạy thì lấy thuyền nhanh nhẹ mà đuổi theo [74, 432].

Cần lưu ý thêm rằng hệ thống các đồn biển ngoài nhiệm vụ đóng giữ cửa biển còn có nhiệm vụ thông tin bằng việc treo cờ hay chạy trạm. Bên cạnh đó là hệ thống thuyền buôn và thuyền đánh cá của các địa phương cũng tham gia tích cực vào việc thông báo tin tức trên biển. Chính họ đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ, bởi "bất cứ lúc nào nhà vua cũng có thể huy động thêm thuyền buôn và thuyền chài đi lại chi chít ngoài ven biển" [77, 24]. Chính nó là cơ sở để những thông tin trên biển được chuyển về nhanh chóng chứ không phải chỉ bằng con đường chính qui.

2.4. XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN

2.4.1. Hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng


Cảng biển Đà Nẵng có vị trí rất đặc biệt cả về kinh tế, quân sự. Chính vì thế nó lọt vào tầm ngắm của các nước phương Tây từ rất sớm, thể hiện trong các báo cáo đầy âm mưu.Trong văn thư gửi lên Hoàng đế Pháp, Linh mục Huc trình bày các mối lợi mà việc chiếm Việt Nam có thể mang lại cho Pháp. Lợi về chiến lược: "Đà Nẵng nằm trong tay người Pháp sẽ là một hải cảng không ai tấn công nổi và là cứ điểm quan trọng nhất để chế ngự Bắc Á" [110, 50]. Tóm lại, "vì rất quan trọng cho Pháp phải có một cơ sở giàu và mạnh ở Viễn Đông, nên dứt khoát phải chiếm "Cochinchine" và phải làm gấp chừng nào hay chừng nấy vì Anh cũng đã "dòm ngó Đà Nẵng" [110, 51].

Có nhiều yếu tố để ca tụng về giá trị đặc biệt của hải cảng này, nhưng có thể nói gọn về những yếu tố tạo nên vị trí quan trọng của Đà Nẵng là: tránh được bão tố, có thể vào nội địa qua sông Hàn. Là tâm điểm của các chuyến hàng hải, nghỉ ngơi khi qua đại dương. Là vị trí chiến lược, "yết hầu Thuận Quảng".

Nhà Nguyễn nhận ra điều đó, bởi Đà Nẵng không qúa gần và không qúa xa; vừa đủ để liên lạc với Kinh đô và Kinh đô cũng dễ kiểm soát hoạt động tàu thuyền cũng như ngoại giao không chính thức đối với phương Tây. Trên hết, Đà Nẵng vừa có vị trí quan trọng trong tự bản thân nó và gần Kinh đô nên sự quan tâm bố phòng của nhà nước được ưu tiên với mức độ đặc biệt.

Các công trình nghiên cứu về phòng thủ ở Đà Nẵng dưới thời Nguyễn đã rất chú trọng về tính phòng thủ quân sự của khu vực này, và lịch sử cũng đã ghi lại những hệ quả tất yếu của nó [28], [65], [71], [97], [116]. Bởi vậy, chúng tôi không nói nhiều đến qúa trình xây dựng hệ thống này mà chủ yếu là qúa trình vận hành hay sự thể hiện chức năng phòng thủ của nó.

Đà Nẵng là cửa biển quan trọng, nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố phòng thủ (thời Minh Mạng cho đúc vào Dụ Đỉnh [PL 11]). Đó là một qúa trình xây dựng lâu dài từ Gia Long đến Tự Đức với nhiều sức người sức của, thường xuyên tăng cường quân đội và vũ khí bố phòng mới tạo nên hệ thống phòng thủ “liên hoàn” ở cửa biển này.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 1813, vua Gia Long cho xây đài Điện Hải và đồn An Hải ở cửa Đà Nẵng, giao cho Nguyễn Văn Thành trông coi, lưu 500 quân phòng giữ [29, 114]. Đến các đời vua sau, việc xây dựng, sửa chữa, di chuyển và xây mới vẫn được tiếp tục.

Đánh giá cao cửa biển Đà Nẵng, năm 1829, vua Minh Mạng bảo bộ Binh: “pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ” [94, 237]. Năm sau, Minh Mạng lại cho xây tiếp pháo đài An Hải, “sai quan Thống chế là Đoàn Văn Tường đem lính ở Bắc thành và tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ cùng Kinh sư cả thảy hơn 3000 người để làm công tác kể trên. Khi xây đắp phát tiền gạo và muối ở kho tỉnh Quảng Nam đã dự sẵn” [94, 240]. Năm 1840 Minh Mạng cho trang bị thêm “hai cỗ súng đồng "xung tiêu" (bắn cao đến trời xanh), 100 quả chấn địa lôi, đem đến pháo đài Phòng Hải ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam" [94, 276].

Đến cuối thời Minh Mạng, khi cử Nguyễn Tri Phương vào giữ chức tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, vua dụ: "Cửa bể Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng bể, vì thuyền bè đi lại là phải qua cửa bể ấy. Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta. Đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình" [94, 275].

Tháng Giêng 1857, với sự kiện hai chiếc tàu đậu tại cửa Hàn rồi chạy đi, Đào Trí Phú tâu: “Xin chia phái biền binh để lại cho đủ số phòng giữ, còn bao nhiêu đều triệt về cho nghỉ”. Vua Tự Đức đồng ý, chỉ để hai ban lính Long Võ và Hùng Nhuệ ở lại phòng bị. Ông cho rằng: “cửa Hàn là chỗ cửa biển hệ trọng, bây giờ tàu Pháp chạy đi rồi, mà những việc làm cho vững về sau phải nên tính trước. Bèn khiến bọn Đào Trí hội với quan tỉnh kê khoản tâu lên, hậu chỉ thi hành. Bọn Đào trí đem các sự nghi dâng sớ tâu: 1. Đặt đồn Trấn Dương ở chóp núi, để 20 khẩu súng đại bác; 2. Xin từ thành An Hải tới núi Sơn Chà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai gốc ngăn giữ; 3. Xin triệt bãi đồn nhứt đồn nhì. Ngài truyền về Kinh ứng hậu” [29, 378].

Ngoài An Hải, Điện Hải và pháo đài Định Hải, thường xuyên được nhắc đến, năm 1840 còn đặt thêm pháo đài Phòng Hải. Trong lời nghị chuẩn cho biết: “ngọn đỉnh giữa núi Diên Chủng đặt thêm pháo đài Phòng Hải, là để ngăn ngừa những thuyền đến từ ngoài biển, mà cùng với thuyền lớn đậu, chiếu ứng lẫn nhau; vậy phái 50 biền binh đến đóng giữ đài ấy” [74, 665].

Hai đài Phòng Hải và Định Hải làm nhiệm vụ quan sát, biền binh hai đài Định Hải, Phòng Hải ngày nào cũng thường đem ống kính thiên lý trèo lên cao quan sát. “Nếu ngoài biển xa có thuyền ngoại quốc đến, hễ thấy 1,2 thuyền thì treo cờ gấm màu trắng, màu đỏ làm hiệu. Nếu 3, 4 chiếc thuyền thì phải làm hiệu để hô, ứng” [74, 665].

Trước đó, từ năm 1826 Minh Mạng cho xây đắp cửa ải Hải Vân dùng quan sát cửa biển từ trên cao, “trước sau đều làm một cửa, cửa đàng trước viết 3 chữ “Hải Vân quan”, cửa đàng sau viết 6 chữ “Thiên Hạ đệ nhất hùng quan”, mé bắc cửa quan là tỉnh Thừa Thiên, mé nam cửa quan thuộc tỉnh Quảng Nam, vua sai lính phải theo viên chức Trấn thủ để đóng giữ” [94, 234]. Minh Mạng năm 12 (1831) đắp cửa Hải Sơn ở trên núi Hải Vân, gọi tên núi ấy là núi Cao An [94, 243], [xem mục 2.4.2].

Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) chuẩn: “đảo nhỏ ở phái đông núi Diên Chủng, 4 mặt đường đi thông suốt, thuyền bè ra vào dừng đậu, tất phải qua đấy. Nên phải đặt làm một bảo, cốt là 2 mặt có thể đặt súng lớn, vẫn gọi là đồn trấn dương thứ hai; lúc vô sự chỉ liệu lưu số lính pháo tỉnh ít nhiều để coi giữ súng đạn, khí giới, bất tất lưu binh đóng giữ thường xuyên nữa” [74, 666].

Bên cạnh việc xây dựng, nhà Nguyễn thường quan tâm củng cố, như như năm 1840, vua “lấy cớ vùng Trà Sơn ở cửa bể Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng bể, việc phòng bị nên mười phần chu đáo, mới sai Binh bộ Hữu Tham tri là Nguyễn Công Trứ đem lũ Phó vệ úy là Tôn Thất Tường đi trước để khám xét những chỗ có thuyền to “khỏa đồng” đóng lại, nên thêm mấy cỗ súng đại bác và bao nhiêu binh lính cho đủ. Và trông xem chỗ nào là xung yếu ở dọc bờ bể mà địa thế bằng phẳng đều đặt pháo đài, để ở trên bờ và dưới thuyền cứu ứng lẫn nhau, hoạ đồ tâu cho đủ.

Khi Nguyễn Công Trứ trở về tâu: “các hiệu thuyền Thuỵ Long, Phấn Bằng, Thanh Loan mỗi thuyền nên phái 100 tên lính, 10 cỗ súng qúa san, 100 súng ô sang, 50 cái dáo dài cho đầy đủ... Bãi Duyên Chuỷ ở vũng Trà Sơn, 4 mặt đều rộng, đối với pháo đài Định Hải cũng là một địa thế hiểm yếu, nay xin lập pháo đài ở đấy để giúp đỡ lẫn nhau. Còn như binh lính để giữ pháo đài, phần nhiều lười biếng coi thường không để ý việc sử dụng súng đại bác, sợ khi gặp việc lầm lỡ, xin phái lính ở Kinh đến kiểm điểm, lại tùy nghi thêm lính để phòng giữ”. Vua khen lời tâu mà sai xây đắp, cho tên là pháo đài Phòng Hải [94, 275].

Đến thời Tự Đức, khi thực dân phương Tây thăm dò ngày càng ráo riết, đoán biết được điều đó, ngày 18-7-1857, ba bộ Hộ, Binh, Công đệ trình tập hồ sơ “phòng thủ hải cảng” của Đào Trí xin xây hai pháo đài ở cửa biển Đà Nẵng, củng cố đồn lũy để chống quân Pháp xâm phạm hải cảng [120, 52].

Đại Nam nhất thống chí cho biết về hệ thống phòng thủ ở vùng Đà Nẵng - Quảng Nam như sau:

- Thành Điện Hải: ở phía tả tấn Đà Nẵng, cách huyện Hoà Vang 12 dặm về phía đông, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở 3 cửa, dựng 1 pháo đài và 30 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 đắp đài ở tấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển; năm Minh Mạng thứ 4 dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành; năm Thiệu Trị thứ 7 xây lại.

+ Thành An Hải ở phía hữu tấn Đà Nẵng, thuộc xã An Phú huyện Diên Phước, chu vi 41 trượng 2 thước, cao 1 trượng 1 thước, hào sâu 1 trượng, mở 2 cửa, dựng 2 kỳ đài và 22 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 đắp bằng đất, gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành.

+ Pháo đài Định Hải: ở phía tả tấn Đà Nẵng, thuộc núi Định Hải huyện Hoà Vang, chu vi 25 trượng 3 thước linh, cao 5 thước 8 tấc, mở 1 cửa, dựng 1 kỳ đài và 7 sở pháo đài. Xây năm Minh Mạng thứ 4.

+ Pháo đài Phòng Hải: ở phía đông bắc tấn Đà Nẵng, trên ngọn núi Diên Chủy thuộc xã Mân Quan huyện Diên Phước, dài rộng 9 thước, cao 6 thước 3 tấc, mở 1 cửa, dựng 1 kỳ đài và 19 sở pháo đài, xây năm Minh Mạng thứ 21, năm Thiệu Trị thứ 7 sửa lại.

+ Bốn bảo Trấn Dương: ở phía hữu tấn Đà Nẵng. Bảo thứ nhất ở hòn Diên Chủy (Mỏ Diều), chu vi 23 trượng, cao 4 thước; bảo thứ hai ở hòn Cô, chu vi 41 trượng, cao 4 thước 3 tấc; hai bảo thứ 3 và thứ 4 ở phía tây chân núi Sơn Trà, chu vi 8 trượng, cao 2 thước 7 tấc. Kính xét: năm Thiệu Trị thứ 4 đắp 7 bảo, đúc đại bác chia đặt ở các bảo, gọi là 7 bảo Trấn Dương; năm Tự Đức thứ 3 triệt bỏ 3 bảo.

+ Tấn biển Cu Đê: ở cách huyện Hoà Vang 27 dặm về phía bắc, tức chỗ cửa sông Cu Đê. Cửa lạch rộng 25 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngự và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại.

+ Tấn biển Đà Nẵng: ở địa giới 2 huyện Diên Phước và Hoà Vang, là chỗ 2 dòng sông Cẩm lệ và Vĩnh Điện chảy ra biển, cửa lạch rộng 105 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước, 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngự, 1 viên hiệp thủ và 17 người thủ binh, năm Minh Mạng thứ 9 cấp cho ngựa trạm; năm 25 đặt vọng lâu ở tấn sở, cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển.

+ Tấn biển Đại Chiêm: ở cách huyện Diên Phước 25 dặm về phía đông, bờ tả thuộc xã Phúc Trạch huyện Hoà Vang, bờ hữu thuộc xã An Lương huyện Lễ Dương, là chỗ sông Chợ Củi ra biển. Cửa lạch rộng 160 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc, là chỗ tụ hợp thuyền ghe nam bắc.

+ Tấn biển Đại Áp: ở cách huyện Hà Đông 62 dặm về phía Đông, lại có tên là cửa biển Hoà Hiệp, là chỗ hai dòng sông Bến Ván và Tam Kỳ ra biển, cửa lạch rộng 40 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngự và 1 viên hiệp thủ với thủ binh để tuần phòng ngoài biển. Lại có cửa biển Tiểu Áp cách cửa biển Đại Áp chừng 7 dặm, khoảng đời Minh Mạng bị cát lấp nên thủ sở hợp vào với thủ sở Đại Áp [80, 370-374].

Với lát cắt thời gian vào thời Tự Đức, tác giả Lưu Anh Rô [97] qua khảo sát thực tế khái quát công cuộc phòng thủ ở Đà Nẵng theo một hướng khác. Đó là khảo tả hệ thống đồn bảo từ bắc Hải Vân đến nam Cẩm Lệ rồi vòng sang bán đảo Sơn Trà cho thấy đây thực sự là một hệ thống phòng thủ dày đặc [PL 14]: “phía bắc vào có Hỏa Phong, Hải Vân quan, Chân Sảng, Định Hải, tấn Cu Đê, Cẩm Khê. Trên núi Sơn Trà và các đảo phụ cận như đảo Cô, Mỏ Diều thì có Trấn Dương thất bảo, pháo đài Phòng Hải. Vào sâu chút nữa thì có tấn Đà Nẵng, thành An Hải, đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Mỹ Thị. Đối diện An Hải là thành Điện Hải và các đồn Hải Châu, Hóa Khuê, Phước Ninh, Thạc Gián, Liên Trì, Cẩm Lệ” [97, 31-46].

Việc bố trí lực lượng ở các thành, đồn ở Đà Nẵng và Quảng Nam, Hội điển cho biết: hai thành Điện Hải, An Hải và pháo đài Định Hải, Phòng Hải, mỗi thành đặt thủ úy 1 viên, và các bảo Trấn Dương, lệ phái 400 tên biền binh thuộc tỉnh đóng giữ ở đấy. Ở tấn Đà Nẵng: chánh bát phẩm thư lại 1 viên, thuộc lệ 78 tên. Tấn Đại Chiêm: tấn thủ 1 viên, thư lại 1 viên, thuộc lệ 17 tên. Xứ cù lao Đại Chiêm: thuộc lệ 36 tên. Tấn Đại Áp: tấn thủ 1 viên, thư lại 1 viên, thuộc lệ 25 viên... Gia Long năm thứ 5 (1806) định về số dân lệ ở tấn “Đà Nẵng 78 tên, Đại Chiêm 30 tên và cù lao Đại Chiêm 4 tên, tấn Câu Đê 8 tên, đều theo địa phận tấn mà phòng thủ” [74, 662].

Hàng năm cứ đến 1 tháng 7 làm kỳ hạn thay đổi. Nhưng nhìn chung việc thay đổi cũng tuy vào tình hình cụ thể. Như năm 1830 qui định: “trước đây đã phái biền binh ở hậu vệ doanh tiền phong ra đi đóng giữ hai thành Điện, An đều cho lấy ngày 1 tháng 3 đến để sai phái, không nên chia ban, để nghiêm việc phòng bị. Nay đường biển hiện tại yên tĩnh, cho lấy ngày 1 tháng 6 nhuận thì biền binh vệ ấy đều phải rút về hàng ngũ ở Kinh. Lại phái biền binh ở thủy sư Quảng Nam ra đến 2 thành ấy ở quân ngũ, 1 ban cho về nghỉ ngơi. Năm 1836 lại dụ: “Lệ quân đóng trường kỳ hai thành Điện, An, từ trước đến nay chuyên lấy bộ binh đóng dài hạn, thấy chưa được chu đáo. Nay cho từ giờ về sau, phàm đến kỳ chia ban, thì 2 vệ Tả, Hữu thủy ở tỉnh cũng cho cùng với bộ binh 1 loạt chia làm 3 ban. Về quân lính phái đi đóng lâu dài ở 2 thành ấy và chia giữ pháo đài Định Hải, nên liệu đem phái 3 phần bộ binh, 1 phần thủy binh cho đủ số 1 vệ 500 tên, mỗi tháng 1 lần thay phiên” [74, 664].

Năm 1830, Minh Mạng ban chỉ: “biền binh 5 vệ ban trực quân thần sách, hàng năm theo thứ tự phái đi đóng giữ 2 đài Điện Hải, An Hải. Nay cho được thêm: từ nay trở đi, phàm viên đương lượt mình phòng thủ, cứ tất cả những nơi đáng phải phòng thủ như một dãy bờ biển bến sông trong vùng Trà Sơn gần đài, cùng thuyền công vận tải đường biển đi về dừng đậu ở phận biển Đà Nẵng, đều phải gia tâm chia phái tuần phòng; cho đến hạng thuyền lớn bọc đồng thường đậu ở tấn ấy cũng phải cùng với biền binh ở thuyền coi giữ giúp nhau, để đề phòng sự bất ngờ” [74, 663].

Năm 1836, nghị chuẩn: “hai thành Điện Hải, An Hải và pháo đài Định Hải đều là nơi quan trọng ở bờ biển. Năm trước đây, thành Điện Hải nguyên đặt thành thủ úy, một viên lãnh binh kiêm quản hai thành Điện, An và pháo đài Định Hải. Hàng năm phái lấy một vệ Kinh binh đi đến hai thành ấy theo quan lãnh binh chia phái đóng giữ các nơi. Còn biền binh ấy vẫn chia làm hai ban, mỗi tháng 1 lần thay đổi. Năm ngoái đã phái biền binh ở thủy vệ Quảng Nam đi đến 2 thành ấy đổi canh, thì lệ ban cũng theo thế thay đổi. Nhưng thành Điện Hải so với thành An Hải càng quan trọng hơn. Nay thành Điện Hải đặt một viên quản vệ đóng giữ và 300 tên biền binh; thành An Hải chuyên đặt 1 viên phó vệ úy hoặc thành thủ úy đóng giữ và 200 tên biền binh. Lại đặt một viên lãnh binh kiêm quản 2 thành ấy và pháo đài Định Hải, cho nó thông thuộc. Về số biền binh thì phái lấy một vệ biền binh thổ tước (biền binh người địa phương cũ) 500 tên, giao viên cai quản, chia phái canh giữ. Lại hơn 500 viên danh biền binh Thủy vệ, cũng cho phép lưu lại đóng trường kỳ ở đấy. Nhưng trong số biền binh, liệu chia lấy 300 tên do viên phó vệ úy ấy cai quản đốc suất, cùng với quan lãnh binh cùng đóng ở thành Điện Hải. Còn hơn 200 viên danh, lại giao cho viên thành thủ úy cai quản đôn đốc, thường đóng ở thành An Hải, do quan lãnh binh kiêm lĩnh. Nhưng chiểu từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa các thuyền biển đi lại thì toàn số binh vệ ấy phải lưu ban sung vào sai phái. Từ tháng 4 đến tháng 9, thuyền biển ít đi lại, việc do thám hơi rỗi thì lại theo lệ cũ chia ban” [74, 663-664].

Về sau, một số tấn không quan trọng đều bỏ, Cu Đê là một thí dụ, năm Tự Đức năm thứ 4 (1851) chuẩn: “tấn Câu Đê cửa biển nông hẹp, ngoài biển đã có tấn Đà Nẵng, theo hạt tuần thám thì tấn ấy nên bỏ bớt đi, mà số dân lệ thuộc bao nhiêu thì giao về ghi sổ đinh ở làng chịu sai dịch; viên tấn thủ thì rút đi” [74, 666].

Tóm lại do ở vào một vị trí đặc biệt, lại được chọn làm cửa ngõ duy nhất đón tiếp các tàu buôn phương Tây nên Đà Nẵng đương nhiên được chú ý xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc nhằm đối phó với âm mưu xâm xâm lược, chính hệ thống phòng thủ đã nói lên điều đó. Các vua Nguyễn vẫn thường xuyên lưu ý đề phòng những chiếc tàu có quốc tịch phương Tây: “cửa biển Đà Nẵng nếu thấy có thuyền Tây dương hay qua mặt biển, mà hoặc đi vào vũng Trà Sơn lạm cắm neo thì viên lãnh binh và tấn thủ chuyên coi hai thành ấy, lập tức phải xem xét hình dạng thuyền ấy là thuyền binh hay thuyền buôn. Một mặt đem qua tình hình chạy ngựa tâu trước, một mặt phái người đến xét hỏi. Như quả lả thuyền binh, không có sự trạng quan ngại gì thì chỉ đưa tàu theo lệ tối khẩn thôi [74, 664]. Cho đến năm 1839, đánh giá về sự bố phòng ở Đà Nẵng Minh Mạng đã có vẻ bằng lòng: “tấn Đà Nẵng là nơi quan trọng ở miền bờ biển, nguyên đặt hai thành An Hải, Điện Hải, việc phòng bị đủ nghiêm” [74, 665].

Tuy vậy trên thực tế lại rất khác, chúng tôi chia sẻ ý kiến của tác giả Lưu Anh Rô khi cho rằng: “Đó là một hệ thống bố phòng dày đặc song do đường ven biển của Đà Nẵng khá dài nên sự “rải ra” của các đồn và tấn sở ở Đà Nẵng là một điểm yếu khó khắc phục, khi bị tấn công chúng khó lòng mà cứu ứng lẫn nhau” [97, 46]. Điều này đã được chứng minh trên thực tế của cuộc chiến tranh.

2.4.2. Hệ thống phòng thủ ở cửa biển Thuận An

Các cửa biển phủ Thừa Thiên quan trọng nhất là Thuận An. Dưới triều Nguyễn, Thuận An được xây dựng hệ thống bố phòng chu đáo nhằm bảo vệ cho Kinh đô Huế. Bên cạnh cửa Thuận An, nhà Nguyễn còn xây dựng hệ thống phòng thủ ở các cửa biển khác để bổ trợ, bởi “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền nam miền bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn” [89, 13]

Xác định Thuận An là cửa biển quan trọng (được đúc vào Nghị Đỉnh [PL 11]), tháng 3-1813 Gia Long đổi cửa Eo làm cửa Thuận An, xây đài Trấn Hải, sai Nguyễn Đức Xuyên trông coi công việc. “Vua thấy là nơi trọng yếu của hải cương (bờ cõi phía biển), bèn xây đài ở bên cạnh. Lại thấy bờ biển ở trước đài nước biển ngày vỗ xói vào, gần tới chân đài, bèn sai đóng cọc xây kè để chống sóng biển. Thưởng cho binh lính làm việc hơn 10000 quan tiền. Dân phu phụ giữ được miễn thuế thân, hàng năm cấp cho gạo lương 200 phương. (Chỗ này nguyên tên là Noãn hải khẩu, tục gọi là Eo, ý nói là nơi nông hẹp khó đi. Ở Kinh sư chỉ có cửa này và cửa Tư Dung là hai. Từ khi cửa Tư Dung ngày cạn thì sự hải vận đều ra cửa này, rất xung yếu mà đường lạch quanh co, bên cạnh có bãi cát ngầm rất trở ngại cho đường biển)” [79, 859].

Các vua triều Nguyễn đều rất quan tâm tới vị trí trọng yếu này, hàng năm vua thường ra cửa Thuận An xem đài Trấn Hải [79, 860], bởi nó là tiền đồn của Kinh thành.

Tháng 11-1813, Gia Long định điều lệ án thủ Trấn Hải đài 10 điều rất rõ ràng, đáng lưu ý có các điều: 1/ Quan quân đóng giữ mỗi tháng đổi một lần, khâm phái 1 viên quản vệ Thị trung Thị nội hoặc Thần sách vâng lãnh hợp phù lệnh tiễn làm quan Án thủ đài, quản suất biền binh đương thứ đến đóng giữ. Viên án thủ trước xét nghiệm rõ ràng mới giao thay việc, rồi đem số biền binh phái trước cùng phù tiễn cấp trước về Kinh phục mệnh. 2/ Đổi phái biền binh hàng năm cứ từ ngày 1 tháng 4 đến cuối tháng 7, mỗi tháng 250 người quân Thị trung, Thị nội, Thần sách; 50 người các đội Trung hầu, Chấn uy; 10 người các đội Nội hầu, Tiểu sai, cộng 310 người. Từ 1 tháng 8 đến cuối tháng 3 năm sau, mỗi tháng 80 người quân Thị trung, Thị nội, Thần sách; 20 người các đội Trung hầu, Chấn uy; 5 người các đội Nội hầu, Tiểu sai, cộng 105 người. 4/ Nếu khi ngoài khơi có báo động, không có lệnh truyền báo mà đi chạy ở ngoài quách thì đánh 100 trượng; thiện tiện đến cửa đài thì trị tội theo quân pháp. 5/ Súng đạn ở trong đài thường phải kiểm soát luôn. 8/ Tấn thủ Thuận An có tin báo về việc ngoài biển [về người Tây dương], hoặc thấy hiệu lửa ở đài hỏa hiệu Quy Sơn cửa biển Tư Dung, tức thì một mặt sắp quân phòng bị, một mặt phái người chạy tâu. 9/ Đầu bến đò Thái Dương phải sức bắt thuyền dân sở tại ứng trực cho tiện quan quân đi lại [79, 870].

Sách Hội điển, phần nói về "đồn cửa biển" cho biết phân công phòng giữ các cửa biển vùng Kinh sư khá chi tiết như: “viên quản thủ cửa biển Thuận An bắt dân phu ở gần lũy ngồi hạng thuyền (đánh cá) nhanh nhẹn đi tuần thám mặt biển. Nếu thấy có đoàn thuyền lạ đi liền nhau từ 3 chiếc trở lên thì lập tức bắt 2 người quan đương phiên ở nội hầu, tiểu sai về Kinh tâu bày... Lại cửa biển Thuận An có báo việc biển hoặc thấy lửa ở Phong đài (đài đốt lửa để báo hiệu khi có việc quan trọng khẩn cấp) núi Qui Sơn (nay là Linh Thái) cửa biển Tư Hiền đốt lên, thì lập tức một mặt sám quân chuẩn bị thêm, một mặt phái người chạy mau đến tâu. Lại sở bến đò Thái Dương, phải bắt các thuyền của dân phu sở tại ứng trực ở đấy, để quan quân đi lại cho tiện. Ghi làm định lệ [74, 657-660].

Các pháo đài thường xuyên được quan tâm xây dựng, củng cố và tăng cường vũ khí, đặc biệt đài Trấn Hải thường bị sóng xói vào nên phải thường xuyên tu bổ:

Minh Mạng năm đầu (1820), sửa đắp đài Trấn Hải, vua bảo Lê Chất rằng: “đức tiên đế sai đắp đài này là để phòng giữ cửa bể Thuận An, gần đây vì sóng bể làm lở, muốn được vững chắc thời nên dùng cách gì?”. Lê Chất xin cắm nhiều cây bằng gỗ mà trong đổ gạch, đá. Vua cho là phải rồi sai Lê Chất đốc suất việc làm, sau đất cát bồi dần ở bên ngoài, vua mừng mà dụ rằng: “có để giữ lại thời pháo đài được vững bền, đó là lòng trời mà không phải sức người làm nổi” [94, 227].

Năm 1830, tiếp tục tu bổ, xây lại cửa pháo đài và đắp thêm chỗ trước mắt, sai quan Thống chế thần sách Tả dinh là Đỗ Quý đốc suất việc làm. Vua dụ bảo Công bộ rằng: “sửa lại pháo đài này công trình trọng đại phí tổn rất nhiều, bản Bộ nên truyền chỉ của trẫm cho những người giám tu và chuyên biện đều nên thật lòng cố sức, cần được chắc chắn và bền chặt, để một lần vất vả mà để lại được lâu dài trấn lâu chỗ bờ bể”. Rồi vua sai chuyển vận súng đạn và thuốc súng trú tại pháo đài” [94, 241]. Cùng năm ấy Minh Mạng đến Thuận An, xem pháo đài Trấn Hải và đánh giá rất cao việc phòng giữ cửa biển xung yếu này: "mấy năm nay cửa bể này mỗi ngày một sâu, hai bờ cát bồi lên ôm lấy bên tả bên hữu, lại có pháo đài để phòng giữ, thời phía ngoài thời có thuyền tàu hàng nghìn cũng không làm gì được, thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi của Kinh sư vậy" [94, 240-241]. Năm 1834, cho đổi tên đài Trấn Hải làm thành Trấn Hải bởi Minh Mạng cho rằng: "đài Trấn Hải, nguyên đặt có thành và hào, là nơi biển được trấn giữ mạnh mẽ, không bì như pháo đài khác, vậy cho gọi là thành" [74, 660].

Năm 1832, Minh Mạng chuẩn: “số người thuộc lệ của Tấn thủ cửa biển Thuận An là 124 tên, nay dồn làm 3 đội Thuận An nhất, nhị, tam. Mỗi đội đặt 1 viên chánh đội trưởng suất đội và 2 viên đội trưởng. Lại xét cửa biển ấy là nơi đường biển ra vào xung yếu của Kinh sư, trừ ra 1 viên Thủ ngự để như cũ; nay đặt thêm 1 viên Tấn thủ trật tòng tứ phẩm, quản lý viên Thủ ngự và nhất thiết công việc tấn của biền binh 3 đội ở tấn ấy. Về chức văn thì đổi đặt 1 viên Bát phẩm thư lại, lệ thuộc để làm việc công” [74, 659]. Năm 1836, chuẩn: 2 tấn Chu Mãi, Cảnh Dương, nguyên lệ gồm có 9 tên. Vậy trích bắt dân quanh ở đấy hợp cùng dân lệ cũ cho đủ mỗi tấn đều 50 tên. Năm 1838 chuẩn, “trấn Thuận An trở vào nam, dân tráng 36 xã thôn, chia làm 6 thành, trích lấy 1 thành, hiện số 192 tên đặt làm 4 đội tứ, ngũ, lục, thất mỗi đội đều đặt chánh đội trưởng, suất đội đội 1 người, đội trưởng và ngoại ủy đội trưởng đều 2 người, cùng với 3 đội nhất, nhị, tam ở ngạch cũ, cọng 7 đội, gọi là vệ Phong Hải (trước đặt gọi là vệ Tuần Hải, nay đổi lại) đặt 1 viên quản vệ chuyên coi biền binh vệ ấy. Hàng năm, ngày 15-1 đều bắt các đội ấy cùng 3 ngạch cũ ra biển do thám [74, 661].

Tháng Giêng năm 1857, sau vụ tàu Pháp gây hấn ở Thuận An và Đà Nẵng, Thuận An được tiếp tục tăng cường phòng thủ, “quan phủ Thừa Thiên tâu xin đắp hai bờ lũy vòng câu ở cửa Thuận An, bên bãi cát, phía nam và phía bắc để giúp việc phòng giữ, ngài nghe theo” [29, 378].

Cho đến đến thời Tự Đức, hệ thống phòng thủ được chép trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau:

+ Thành Trấn Hải ở cửa Thuận An: “ở phía đông huyện Hương trà và phía bắc cửa biển Thuận An. Năm Gia Long thứ 12, đắp đài tròn. Thành chu vi 71 trượng 2 thước, cao 15 thước; đài chu vi 17 trượng 2 thước; cao 11 thước; hào rộng 1 trượng, sâu 6 thước; 1 cửa: trên thành có 99 sở ụ súng. Gọi là Trấn Hải đài. Sau thấy trước mặt đài, nước biển ngày xói vào gần tới đường ngoài quách, bèn đóng cừ xây đá để ngăn sóng, lại trồng hơn 4000 cây dừa ở bờ biển. Cát bờ thường bị sóng đánh lở; năm Minh Mạng thứ 1 và thứ 12, tu bổ và xây thêm kè đá, bờ nước thì đóng cừ, xếp đá kiên cố hơn trước. Năm thứ 15, đổi gọi là Trấn Hải thành (xem xét tình hình ngoài biển), bên hữu thành dựng hành cung kiểu lầu đôi. Động cát xung quanh trồng hơn 9000 cây dừa; lại ở bãi sò ở đối ngạn cũng trồng hơn 300 cây dừa, thành ra hai bên bờ đông tây lá cây dừa phủ rợp, trông rất xanh tươi. Năm thứ 17, xa giá đến đây thao diễn thủy sư… Năm thứ 20, kè đá lại lở, có ý kiến bàn dời đi nơi khác, vua dụ rằng: “Phàm tránh nước như tránh giặc, nếu ta lùi một bước, thì nó lại tiến một bước, chung qui không phải là việc tốt”. Bèn sai gia công trùng tu. Năm thứ 21, chế một cái đèn lồng lớn, quanh thân đèn 7,8 thước, đêm đến treo trên thành, sáng như mặt trời, để cho thuyền biển nhận biết tấn sở. Năm Thiệu Trị thứ 3, xa giá đến thao diễn thủy sư có thơ ngự chế “tám cảnh Thuận An”.

+ Tấn Thuận An: ở phía đông huyện Hương Trà, đầu đời Gia Long lập thủ sở, đặt một chức thủ ngự và một chức tấn thủ, có 3 đội lính lệ đi tuần phòng ngoài biển và hộ tống thuyền quan ra vào. Năm Minh Mạng thứ 15, dựng vọng lâu ở tấn sở, cấp cho thiên lý kính để xem tàu thuyền ngoài biển; năm thứ 17, đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Nghị Đỉnh” [PL 11]

+ Tấn Tư Hiền: ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 8 trượng, thủy triều lên sâu 3 thước, thủy triều xuống sâu 2 thước, nông, thuyền lớn không thể đi qua. Trước kia có đặt thủ sở đóng quân tuần phòng ngoài biển. Xét cửa cũ biển Tư Hiền ở phía nam chỗ gần núi phỏng 5 dặm. Tương truyền trăm mười năm trở về trước, cửa biển cũ rất rộng và sâu; thuyền tàu ra vào rất tiện; đầu đời Gia Long sông hẹp dần… đời Minh Mạng, nước cạn đến đỗi thuyền lớn không thể vào được” [89, 167-177]

Ngoài ra còn có tấn Cảnh Dương và tấn Chu Mãi ở Phú Lộc, tấn Việt An ở Đăng Xương (tấn Việt An sau được xếp vào Quảng Trị - Tg.) nhưng do cửa biển cạn nên thuyền lớn không vào được. Hai tấn Cảnh Dương và Chu Mãi trước đó thuộc quản lý của thủ ngự Hải Vân. Năm 1826 tấn Chu Mãi đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ kiêm giữ việc tấn Cảnh Dương. Bên cạnh đó, tấn Hải Vân ở phía đông nam huyện Phú Lộc có đặt thủ sở “để xét hỏi hành khách và tuần phòng ngoài biển” [89, 177].

Cần lưu ý rằng, ngoài những thành, đồn, tấn sở trên còn có Hải Vân quan - một căn cứ góp phần đắc lực cho việc phòng giữ các cửa biển. Hải Vân quan được xây dựng trên núi Hải Vân với nhiệm vụ quan sát các cửa biển từ trên cao, chủ yếu là cửa biển Đà Nẵng để kịp thời báo về Huế những thông tin nhanh và chính xác nhất. Song do vị trí đặc biệt của nó, Hải Vân quan được xếp vào hệ thống phòng thủ vùng Kinh sư với lẽ tất yếu rằng chức năng phòng giữ có vị trí đặc biệt.

Đại Nam nhất thống chí cho biết về cửa Hải Vân như sau: “Ở phía đông nam huyện Phú Lộc và trên đèo núi Hải Vân, phía trước phía sau đều xây một cửa. Trên cửa phía trước đề ba chữ “hải Vân quan”, trên cửa phía sau đề sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Dựng từ năm Minh Mạng thứ 7; đầu đặt 1 viên phòng thủ úy đóng lâu; biền binh thì cứ 15 ngày đổi; lại cấp cho thiên lý kính để trông ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này” [89, 168-169].

Về việc phân công trú phòng ở Hải Vân quan, năm 1826, Minh Mạng ban chỉ: “trước đây phái biền binh hai đội: đội đệ tứ Hữu sai, đội đệ nhị Dực tiệp, cắt phiên từng ban canh giữ. Nay cho đến 1 tháng 9 bắt đầu, mỗi tháng 1 ban, mỗi ban chỉ phái một nửa đội binh cắt phiên canh thay đổi, để san sẻ sự khó nhọc.

Sau, Minh Mạng lại ban chỉ: cho phái binh đinh các viện đội Tiểu sai, Kim sang (nay là viện Vũ bị) thượng tứ đến đóng giữ tấn ở Hải Vân quan, cho 10 ngày làm 1 ban, mỗi ban 2 tên lần lượt thay đổi canh phòng. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), lại ban chỉ, bổ sung, "cho phái thêm 1 tên nhà trạm, đều cứ 10 ngày 1 lần thay đổi, thường xuyên đóng giữ trên cửa quan để hội đồng với binh ấy trông coi. Nhưng năm sau 1829, lại ban chỉ: chuẩn cho các vệ ở thị nội, thần sách, các bảo, các quân, do các cai quản theo thứ tự phái lấy viên suất đội và 50 tên biền binh đến đóng giữ Hải Vân quan, mỗi tháng thay phiên 1 lần.

Tự Đức năm đầu (1848) chuẩn: “Nay đã đặt thêm đại bác, thì bắt thêm 10 tên lính các hạng, và 20 tên pháo thủ doanh thần cơ, cùng 50 tên phái trước, do thành thủ úy cửa quan ấy chia phòng thủ, chiếu lệ thay đổi”.

Trên thực tế, việc trú phòng tại Hải Vân quan không nhất thiết như những qui định ấy bởi cũng có sự thay đổi tùy theo yêu cầu công việc, song do vị trí đặc biệt nên Hải Vân quan rất được quan tâm với lực lượng thường trực tương đối lớn mà thời gian thay ban cũng thường xuyên hơn vì nơi đây "khí núi hơi nặng" [74, 660-661].

Nhiệm vụ của Hải Vân quan rất rõ, đó là “phòng khi trông nom các thuyền ngoài biển, nếu có công việc quan trọng khẩn cấp đều phải thông báo ngay; đặc biệt lưu ý đến các tàu thuyền lớn ra vào cửa biển: “Phàm các loại thuyền lớn đi lại mặt biển ấy, nếu là thuyền của nước ta thì tất phải nhận kỹ, đúng là thuyền lớn của các hiệu 5 cột buồm bọc đồng hoặc 2 cột. Có bắn pháo treo cờ làm hiệu hay không, hay là thuyền ngoại quốc, cũng phải nhận rõ hình dạng, đều đem cả thời khắc mình trông thấy, và tình hình thực tại, lập tức làm phiếu tâu do Bộ chuyển tâu” [74, 661].

Tóm lại, dưới thời Nguyễn, nhà nước đã đã rất chú ý bảo vệ cửa biển vùng Kinh sư, đặc biệt là cửa biển Thuận An với công trình quân sự kiên cố là thành Trấn Hải, thường xuyên được bổ sung, tăng cường lực lượng và vũ khí, có nhiệm vụ phòng giữ, kiểm soát tàu thuyền ra vào. Bên cạnh đó là tấn biển Tư Hiền, Chu Mãi, Cảnh Dương, Hải Vân ngoài nhiệm vụ phòng giữ tại chỗ còn là “tai mắt” của triều đình với nhiệm vụ bảo vệ nói chung. Đáng lưu ý là cửa ải Hải Vân do nằm vào vị trí đặc biệt nên được xếp và sự quản lý trực tiếp của Kinh sư, là một cứ điểm phòng thủ và có nhiệm vụ kiểm soát vùng biển (chủ yếu là Đà Nẵng) từ trên cao. Với một hệ thống phòng thủ liên hoàn ở các cửa biển, nhà Nguyễn đã thể hiện mong muốn giữ vững bờ cõi từ phía biển.

2.4.3. Hệ thống phòng thủ ở các tỉnh

Ngoài hai cửa biển được bố phòng chu đáo với lực lượng mạnh là Đà Nẵng và Thuận An thì ở các tỉnh ven biển khác đều có tổ chức phòng thủ với mức độ khác nhau. Sách Đại Nam nhất thống chíHội điển của triều Nguyễn chép theo thứ tự vùng Kinh sư (phủ Thừa Thiên), Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận) và Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa). Tuy nhiên ngày nay, để tiện theo dõi, chúng tôi trình bày thứ tự hệ thống phòng thủ các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa tới Bình Thuận.

- Thanh Hóa

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về các tấn biển Chính đại, Bạch Câu, Y Bích, Hội Triều, Hàn, Bang, trong đó tấn Bạch Câu và tấn Bang đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì bãi bỏ thủ ngự.

Đáng chú ý là việc chú trọng bố phòng ở bảo Biện Sơn “ở cách huyện Ngọc Sơn 25 dặm về phía đông nam, ngoài cửa Bạng, chu vi 58 trượng 8 thước 8 tấc, cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, một kho thuốc súng, đặt từ đầu đời Gia Long”. Pháo đài Tĩnh Hải: “ở tấn Biện Sơn (trên hòn Biện Sơn- Tg), chu vi 11 trượng 8 thước, cao 5 thước 5 tấc, có 1 kỳ đài, một nhà quân, và 4 khẩu đại bác, xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 9” [90, 273-275].

Về phân công bố phòng: hai pháo đài Biện Sơn, Tĩnh Hải: thành thủ úy 1 viên, trú binh 50 tên. Gia Long năm thứ nhất định: “các cửa biển trấn Thanh Hóa, đều đặt làm tấn thủ, đều bắt quanh vùng phụ giữ. Còn tấn Chính Đại thì cho dân ở trong Chính Đại làm phụ lũy (ở phụ vào chung quanh thành lũy).

Minh Mạng năm thứ 10 (1829) chuẩn: pháo đài Biện Sơn, phái lấy một viên suất đội, 100 biền binh, một pháo thủ; pháo đài Tĩnh Hải, phái lấy 1 viên suất đội, 20 biền binh và 1 pháo thủ, đến đóng giữ các đài ấy. Tuy nhiên, 10 năm sau (1839) chuẩn: hai pháo đài Biện Sơn, Tĩnh Hải nguyên phái 100 biền binh đóng giữ. Nay gặp khi yên ổn ít việc, nhưng liệu lưu lại 50 tên [74, 677].

- Nghệ An

Tấn biển tỉnh Nghệ An được chép trong sách Đại Nam nhất thống chí có tấn cửa Hội, cửa Xá, cửa Cờn (Cần), cửa Vạn, cửa Quèn, cửa Thơi, cửa Cương Giản, cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Khẩu. Trong đó đáng lưu ý là tấn cửa Hội có đặt thủ ngự, hiệp thủ và 30 tấn binh, các tấn còn lại ban đầu có đặt thủ sở nhưng về sau, đến thời Tự Đức đều giao cho dân sở tại tuần phòng [90, 178-182]. Hội điển cũng cho biết việc bố trí ở tấn Hội, phòng thủ úy 1 viên, thừa biện thư lại 1 viên; tấn Vạn, tấn Thai, tấn Xã, tấn Quyền, tấn Cần đều do dân làng sở tại tuần giữ. Về sau các tấn không quan trọng cũng tùy nghi mà bỏ bớt [74, 676].

- Hà Tĩnh

Sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Hà Tĩnh nói đến tấn Cửa Nhượng ở cửa biển Kỳ La cũ và tấn Cửa Khẩu có đặt tấn thủ [90, 101-102]. Tuy nhiên hai tấn biển này vẫn được chép vào tỉnh Nghệ An có lẽ cũng do vị trí không lấy gì làm đặc biệt của nó. Sách Hội điển không chép về việc tuần phòng bờ biển của Hà Tĩnh một cách cụ thể nhưng lại có nói đến tấn Hà Tân, tấn Luật có đặt thủ ngự; Tấn Nhượng, tấn Khẩu, Hà Tân đều do dân làng sở tại tuần phòng [74, 675]

- Quảng Trị

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về tấn Lùng Luật và Việt An nhưng thuộc phần Kinh sư (phủ Thừa Thiên) có đặt thủ sở [89, 178]. Hội điển xếp hai tấn này vào tỉnh Quảng Trị: tấn Tùng Luật (ở cửa Tùng ngày nay), tấn thủ 1 viên, lệ dân 10 viên. Tấn Việt Yên/An (ở cửa Việt ngày nay): Tấn thủ 1 viên, lệ dân 17 viên.

Năm Gia Long thứ nhất (1802), định: cửa biển Tùng Luật đặt 1 viên cai đội, đôn đốc quân dân phòng thủ. Cửa biển Việt Yên cũng đặt cai đội đôn đốc quân dân phòng thủ như lệ cửa biển Tùng Luật. Sau đều đổi làm tấn, nhưng bắt lấy dân làng ở gần quanh 21 tên sung làm lệ dân ở tấn Tùng Luật và 17 tên sung làm lệ dân ở tấn Việt Yên.

Minh Mạng năm 17 (1836) chuẩn: tấn Việt, nguyên lệ dân có 17 tên, nay trích bắt dân đinh gần quanh đấy, hợp cùng dân lệ thuộc cũ cho đủ 50 tên [74, 669].

- Quảng Bình

Từ năm 1824, sau khi xây đắp lại thành tỉnh Quảng Bình trên địa điểm Trấn Ninh, Động Hải cũ, vua Minh Mạng sai tu sửa mà đặt làm hai cửa quan, cửa Quảng Bình và Võ Thắng từ núi Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ, dài 4175 trượng, cao 7 thước 3 tấc [94, 232], [90, 49].

Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Bình có chép về các tấn biển Nhật Lệ, Linh Giang, Ròn, An Náu, Lý Hoà. Hội Điển có nhắc tới tấn Tiến Giang nhưng không thấy chép trong Đại Nam nhất thống chí có lẽ do vị trí nó cũng không mấy quan trọng.

Trong các tấn nói trên cũng chỉ tấn Nhật Lệ và Linh Giang được ghi chép tương đối kỹ hơn:

+ Tấn Nhật Lệ: “ở huyện Phong Lộc, cửa tấn rộng 75 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước, có nhiều đá rạng, tấn thủ đặt ở đại phận thôn Động Hải...” [90, 51-52].

+ Tấn Linh Giang: “ở giới hạn hai huyện Bố Trạch và Bình Chính. Cửa tấn rộng 60 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước, có nhiều đá rạng, trước là cửa biển Bố Chính, khoảng năm Minh Mạng đổi tên hiện nay; tấn thủ đặt ở địa phận huyện Bố Trạch” [90, 52].

Các tấn còn lại chỉ ghi sơ lược bởi trên thực tế nó không có nhiều công dụng, về sau đều không đặt hay bãi bỏ chức tấn thủ.

Về phân công bố phòng, Minh Mạng năm thứ 9 (1828) chuẩn định: 3 tấn Nhật Lệ, Tiến Giang, Linh Giang từ trước đến nay không có thuộc lệ. Nay đều trích lấy dân xã gần quanh ở đấy, người nào thông thạo nghề thủy thủ thì cho sung làm thuộc lệ các tấn: 2 tấn Nhật Lệ, Linh Giang đều 20 tên; tấn Tiến Giang 10 tên [74, 670].

(Xem tiếp phần 2)

_________________


Lê Tiến Công gửi vào ngày 05 tháng 10 HB6 (2006),
lúc 02: 46: 18 -0700 (PDT) [06 tháng 10 HB6])


_________________


TXA. đưa lên “Web Giao lưu của những người cùng thời”:
chiều thứ bảy (chủ nhật cũ), 18-02 HB7 (2007)
[mùng 2 Tết Đinh hợi HB7].

Điều chỉnh cách trình bày hình thức trên trang web: 9 giờ 25', 19-02 HB7

.