19.2.07

LÊ TIẾN CÔNG - Luận văn thạc sĩ HB6 (2006) -- 2

LUẬN VĂN THẠC SĨ
(bảo vệ tại Đại học Khoa học Huế, tháng 10 HB6 [2006])
của LÊ TIẾN CÔNG
(hiện công tác tại Tạp chí Huế Xưa & Nay)

“Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển
các tỉnh miền Trung
dưới triều Nguyễn:
thời kì 1802-1858”


(Tiếp theo phần 1)

- Quảng Ngãi

Chính sử triều Nguyễn chép về tấn biển Quảng Ngãi có nói đến tấn Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Mỹ Ý, Sa Huỳnh đều là những cửa tấn quan trọng trong tỉnh, lại có nhiều gềnh đá nên phần nhiều tàu thuyền lớn không vào được, nhà Nguyễn có đặt thủ sở trông coi và “lấy dân phụ lũy sung vào việc trú phòng” tại đây. Riêng tấn Lí Sơn “ở giữa biển, thuộc hải phận huyện Bình Sơn, đối ngạn với tấn Sa Kì, có đặt đồn sở để phòng ngự giặc biển” [90, 432-434].

Việc chia đặt lực lượng canh giữ được bố trí: hai tấn Mỹ Ý, Sa Huỳnh mỗi tấn tấn thủ 1 viên, thừa biện 1 viên, thuộc lệ 8 tên. Xứ Lý Sơn (Cù Lao Ré) phòng thủ úy 1 viên, thừa biện 1 viên. Gia Long năm thứ 5 định: 4 tấn Mỹ Ý, Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy mỗi tấn thuộc lệ 10 tên [74, 666]. Năm 1850, vua Tự Đức chuẩn: 6 tấn Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Mĩ Ý, Sa Huỳnh, Lý Sơn thuộc hạt tỉnh, nguyên lệ đều đặt 1 viên phòng thủ úy, hoặc tấn thủ, đều phải phòng thủ như cũ. [74, 669].

Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều đảo và quần đảo quan trọng nên rất được nhà nước quan tâm bố phòng. Việc thăm dò, đưa dân đinh ra đảo đánh cá, sinh sống, khai thác và khẳng định chủ quyền, đặt đồn canh phòng đã có từ thời các chúa Nguyễn và được tiếp tục sau đó. Đại Nam nhất thống chí chép như sau:

+ Cù Lao Ré (Lí): ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía đông; xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đấy. Phía đông đảo có động, có chùa mấy gian, có giường đá, kỉ đá, hai bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phường ẩn núp ở đấy.

+ Đảo Hoàng Sa: ở phía đông Cùa Lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi, có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy vạn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi “Vạn Lý Trường Sa”.
Hồi đầu bản triều (thời các chúa Nguyễn- tg), đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa biển Tư Hiền về nộp; lại đặt đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh. Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mạng, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy có một nơi có cồn cát trắng chu vi 1070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ đời nào, có bia khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình” (muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía đông và phía tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh mặt nước; phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước, ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mạng thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau” [90, 422-423].

Các hoạt động tuần phòng được dân địa phương tích cực tham gia như năm 1834, quan tỉnh Quảng Ngãi tâu “Đảo (dự) Lý Sơn và vũng “thuyền”, vũng “quất” đều nên lập đồn canh, dân ở đảo Lý Sơn, tình nguyện tự đóng lấy thuyền mà lãnh khí giới của nhà vua để gặp việc đi tuần tiễu.

Còn hai vũng kia, trước đây thường thấy thuyền giặc đi lại ngoài bể, dù có đặt súng nhưng bắn cũng không kịp. Hạ thần đã cho đóng kiểu thuyền đi lại nhẹ nhàng, nhưng người lái thuyền và thủy thủ chưa tuyển mộ được đủ. Nay xin chọn dân mới ngụ ở miền bể lập thành cánh thủy quân trong tỉnh, hàng năm mùa xuân đi tuần ngoài bể, sang mùa thu mới thôi.

Còn như dân thuộc các cửa bể, nguyên trước không có khí giới một khi gặp thuyền giặc thời tay không không thể chống được. Nay xin theo dân số mà đặt viên “Ủy thủ” (ủy cho canh giữ) để huấn luyện việc tuần phòng”.

Vua giáng tờ dụ chuẩn cho hàng năm binh thuyền đầu mùa hè là phải đi tuần ngoài bể mà đến cuối mùa thu trở về, ngoài ra ưng cho như lời đã xin [94, 253-254].

- Bình Định

Trong các tỉnh có cửa biển ngoài Thuận An của Thừa Thiên và Đà Nẵng của Quảng Nam thì Bình Định phần nào được quan tâm nhiều, đặc biệt là cửa biển Thị Nại, nơi từng là địa bàn tranh chấp quyết liệt của Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn. Tuy vậy cũng phải tới năm 1840 mới đắp pháo đài và hệ thống phòng thủ ở cửa biển này. Sách Minh Mệnh chính yếu cho biết, năm Minh Mạng 21 (1840), “đắp pháo đài cửa bể Thi Nại ở địa hạt Hổ Cơ thuộc tỉnh Bình Định mà đặt tên là pháo đài Hổ Cơ. Đặt mấy chục cỗ súng đại bác. Lại ở bãi cát bờ sông bên kia đặt đồn Thi Nại, sai quan tỉnh cho lính đến phòng thủ [94, 275]. Về việc này, Minh Mạng ban dụ: “cửa biển Thi Nại, nước sâu, núi cao, thuyền bè đi lại nhiều khi có đậu ở đấy, cũng là nơi xung yếu, nên công việc phòng bị tất phải chỉnh đốn. Vậy cho xây 1 pháo đài, có thể đặt được 10 cỗ đại bác. Lại cho di chuyển tấn thủ ra cư trú gần đấy, để cùng pháo đài mới đặt đấy ứng tiếp cùng nhau. Nhưng cho, tại tỉnh liệu điều 1 viên suất đội và 30 biền binh để đủ người coi giữ [74, 670].

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), quan tỉnh Bình Định tâu: “chỗ đầu nguồn sông và cửa bể của tỉnh ấy là nơi xung yếu, thời trước đặt 28 đồn để canh giữ, nay xin ở khe Ly Khê thuộc về sở Trường Tân, Hương Thủy ở nguồn Phương Kiện, Thị Giã ở nguồn Hà Hổ Cơ ở cửa bể Lại Tấn, những nơi ấy ở trên đỉnh núi đều đặt thêm một đồn...”. Vua đều ưng cho [94, 234]. Đến năm 1840, tỉnh Bình Định và Phú Yên tâu xin đặt thêm một đồn đắp bằng đất ở cửa bể Thị Nại, mé ngoài đồn lại đắp lũy đất vòng quanh, trong đồn làm một ngôi nhà cho quan ở, hai ngôi nhà cho quân lính ở, để làm chỗ cư trú cho quân lính thủy và lính vệ thuộc tỉnh ấy”. Vua nghe lời tâu [94, 276].

Các cửa biển An Dụ được biên chế “thừa biện và thuộc lệ đều 1 viên, Đề Di tấn thủ 1 viên, thuộc lệ 1 tên; cửa biển Thi Nại và pháo đài Thi Nại thừa biện 1 viên, suất đội trú phòng 1 viên, biền binh 30 tên”.

Các cửa biển không quan trọng về sau đều cho bỏ bớt tấn thủ, việc canh phòng được giao cho cửa biển quan trọng hơn gần đó. Như Tự Đức năm thứ 3 (1850), chuẩn: cửa biển tấn Kim Bồng nông hẹp, cùng tấn An Dụ cách nhau chỉ hơn 10 dặm, thì việc tuần phòng do viên tấn An Dụ làm kiêm cả. Còn viên tấn Kim Bồng thì rút về đợi bổ [74, 671].

- Phú Yên

Đại Nam nhất thống chí, phần chép tấn biển Phú Yên nói đến các tấn Cù Mông, Vũng Lấm, Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Diễn, Đà Nông [91, 75-77]. Nhưng Hội điển chỉ lưu ý đến tấn Xuân Đài với biên chế thừa biện 1 viên, thuộc lệ 30 tên, Đà Nùng (Nông) thừa biện 1 viên, thuộc lệ 10 tên [74, 673]

Nhìn chung các tấn sở vùng Phú Yên do vị trí của nó, càng về sau việc cai quản thường là kiêm quản, bỏ bớt thủ ngự. Ví dụ:

+ Tấn Vũng Lấm: ở hai thôn Phú Vĩnh và Tân Định, phía bắc huyện Đồng Xuân, cửa tấn rộng 380 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng 5 thước, thủy triều xuống sâu 1 trượng, đầu đời Gia Long đặt tấn thủ, nay bỏ, hợp vào tấn Xuân Đài.

+ Tấn Xuân Đài: ở thôn Tiên Châu, phía đông huyện Đồng Xuân. Trước gọi là Bà Đài, năm Minh Mạng thứ nhất đổi tên hiện nay. Cửa tấn rộng 2 trượng (?), thủy triều lên sâu 1 trượng 2 thước, thủy triều xuống sâu 8 thước, có tấn thủ.

+ Tấn Đà Nông: ở thôn Phú Lạc, phía đông nam huyện Tuy Hoà. Rộng 12 trượng 8 thước. Thủy triều lên sâu 4 thước 8 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước 5 tấc, trước có tấn thủ, nay bỏ [91, 75-77].

Năm Tự Đức thứ 3 (1850) chuẩn: “đồn Phúc Sơn phải nên để như cũ, còn 3 đồn Thạch Lĩnh, Ỷ Lộ, Vân Trúc là đồn lẻ, đều được bỏ bớt đi. Còn viên bá hộ đặt trước ở đồn Ỷ Lộ thì đổi làm bá hộ đồn Phúc Sơn. Hai tấn Cù Mông và Đà Nùng cũng vẫn đặt y như cũ. Duy lệ phu tấn Đà Nùng không có định lệ; nay cứ bắt lấy 10 tên dân phu ở thôn Đa Ngư gần đấy để sung bổ vào đấy. Lại tấn Vinh Lâm hợp với tấn Xuân Đài làm 1, viên tòng bát phẩm thừa biện ở tấn ấy trước, nay đổi bổ đi tấn Xuân Đài. Lại liệu bắt 20 tên dân thôn Tiên Chu và 10 tên dân thôn Tân Thịnh sung bổ làm lệ phu. Còn như hai tấn Phú Sơn, Đà Diễn đều là nơi trống không, thì bỏ bớt đi [74, 673]

- Khánh Hòa

Đại Nam nhất thống chí chép về các tấn: Nha Phu, cửa lớn và cửa bé Cù Huân, Cam Linh, Vân Phong lớn và Vân Phong nhỏ đều đặt thủ sở, cắt đặt thủ ngự, hiệp thủ “để tuần phòng ngoài biển và hộ vệ tàu thuyền ra vào cửa lạch” (tập 3; 110-111)

Năm Minh Mạng 15 (1834), "Vua lại lấy cớ đảo Côn Lôn thuộc tỉnh Gia Định, vùng Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà, rất quan trọng thiết yếu, mới sai đảo Côn Lôn lập pháo đài Thành Hải, một ngọn núi ở vùng Nha Trang đặt pháo đài Ninh Hải" [94, 252]. Sự kiện này sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng năm xây dựng năm là 1836 [91, 109]; Cao Xuân Dục chép lại kỹ hơn trong Quốc triều sử toát yếu và cũng cho rằng tháng 12-1836, “xây pháo đài Ninh Hải ở tỉnh Khánh Hoà. Bởi vì tỉnh ấy biển rộng lại nhiều cù lao, có một đám núi ở vũng Nha Trang đàng trước có đầm sâu, tàu đậu đông, quan tỉnh xin xây đài ở đỉnh núi ấy, đặt súng đại bác, phái quân canh giữ kiêm 3 phía đông nam bắc, khiến bộ Công đưa thức mà làm [29, 264].

- Bình Thuận

Hội điển chép về phân công bố phòng ở các cửa biển Bình Thuận như sau:

Tấn Ma Văn, cảng phu (dân phu coi cửa biển) 9 tên. Tấn Phan Rang tấn thủ 1 viên, cảng phu 6 tên. Tấn Long Vĩnh tấn thủ 1 viên, cảng phu 5 tên. Vịnh La Hàn cảng phu 7 tên. Tấn Tiến tấn thủ 1 viên, cảng phu 19 tên. Vịnh Vị Nê; cảng phu 8 tên. Tấn Phan Thiết tấn thủ 1 viên, cảng phu 16 tên. Tấn Ma Ly: tấn thủ 1 viên, cảng phu 9 tên.

Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn cho biết thêm các tấn: Cà Ná, Vũng Dâm, Phan Rí, Phố Hài, La Di đều có đặt thủ sở và cắt đặt thủ ngự, hiệp thủ trông coi [91, 145-147]. Năm Gia Long thứ 5 (1806) chuẩn định: dân phụ lũy ở các tấn hạt trấn bình Thuận: tấn Phan Rang 15 tên, Ma Văn 2 tên, 3 tấn Long Vĩnh, Ma Ly, La Hàn đều 10 tên, tấn Phan Lý 30 tên, vịnh Vị Nê 28 tên, tấn Phan Thiết 20 tên, đều đặt tấn thủ cai quản tuần phòng [74, 674].

Tháng 2-1821, vua Minh Mạng "sai Bình Hoà mộ người lập hai đội thuộc lệ, mỗi đội 50 người chia ra đóng ở thủ Bình Nguyên và các cửa biển Cam Ranh, Hòn Khói" [80, 118]. Và cũng như những tỉnh khác, những tấn giữ vị trí không quan trọng thì lưc lượng phòng thủ ít, thậm chí như tấn Phan Thiết về sau cũng bãi bỏ thủ sở.

Với sự khái quát trên cho thấy các pháo đài Phòng Hải được xây dựng ở những của biển quan trọng của các tỉnh như pháo đài Biện Sơn, Tĩnh Hải ở Thanh Hóa, Hổ Cơ ở Bình Định, Thành Hải ở Khánh Hoà... Các cửa biển nhỏ thì giao cho dân trong vùng phụ giữ, tùy theo mức độ quan trọng của cửa biển mà tăng cường hay thoái triệt lực lượng tại tấn sở. Riêng Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều đảo và quần đảo quan trọng nên được bố trí lực lượng chuyên nghiệp đặc biệt. Vừa tuần phòng vừa canh giữ ngoài khơi. Việc phòng thủ vùng biển ở các địa phương hầu hết nhà nước đều giao quyền chủ động tác chiến cho địa phương, trong đó nhà nước giữ vai trò chỉ đạo. Như năm sự kiện năm 1834 là một thí dụ: "vua lấy cớ các đảo và bãi ở ngoài bể thuộc các địa phương có nhiều dân cư, chợt gặp giặc bể không lấy gì để chống giữ, mới sai Binh bộ truyền các tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát ở địa phương có hải phận, bắt dân sở tại phải đóng kiểu thuyền đi được nhẹ nhàng, phí tổn do nhà vua cấp phát. Lại cấp binh khí, súng ô sang và đạn dược để đề phòng lúc không ngờ" [94, 252]

Hiện nay hầu hết các căn cứ bố phòng ở các cửa biển miền Trung đã mất dấu tích nên rất khó xác định được vị trí của nó đương thời. Cho đến nay, những di tích đáng kể của hệ thống phòng thủ cửa biển là một đoạn di tích thành Điện Hải tại khuôn viên Công ty Dược, đường Lý Tự Trọng (Đà Nẵng), di tích Hải Vân quan (trên đỉnh đèo Hải Vân) và một đoạn thành Trấn Hải gần bãi tắm Thuận An. Vị trí của các căn cứ phòng thủ ở Đà Nẵng trong sơ đồ của Lưu Anh Rô vẽ [ ] thực ra chỉ có tính tương đối.

• +++ Các vua Nguyễn đã có cái nhìn hướng biển đúng đắn. Họ đã đánh giá đúng giá trị của biển cả trong phát triển an ninh quốc phòng và hoạt động kinh tế. Chính vì thế ngay khi mới giành lại chính quyền, ý thức bảo vệ biển đảo đã được cụ thể hóa không chỉ bằng những lời nói trong các chỉ dụ mà chính là việc thực thi chủ quyền biển đảo.

• +++ Dưới thời Nguyễn, quân đội nói chung, thủy quân nói riêng được tổ chức khá hiện đại và chuyên nghiệp. Thể hiện bằng đội tàu thuyền “mạnh chưa từng có ở vùng biển Ấn Độ” với trang bị và huấn luyện theo phương pháp châu Âu. Ngoài lực lượng quân đội thuộc binh chủng thủy quân được biên chế còn có quân địa phương. Ngoài nhiều kiểu loại thuyền chiến mới, đa dụng còn có thuyền của các địa phương, thuyền đánh cá được huy động khi cần thiết.

Nhà Nguyễn đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc với những cách thức phong phú nhằm đảo bảo việc thông tin được nhanh chóng và chính xác. Hệ thống này luôn có sự đổi mới nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thông tin quân sự.

• +++ Ý thức về tầm quan trọng trong phòng thủ ở các cửa biển, nhà Nguyễn đã quan tâm xây dựng hệ thống phòng thủ dày đặc và liên hoàn khắp các tỉnh miền Trung. Đặc biệt là cửa biển Đà Nẵng, nơi thường đón tiếp tàu phương Tây và Thuận An, cửa ngõ của Kinh đô. Hai cửa biển này được bố phòng chu đáo nhất. Bên cạnh lực lượng quân đội chính qui được bố trí ở các vị trí quan trọng, thì lực lượng “cảng phu” (dân phu coi cửa biển) ở các địa phương cũng góp phần vào việc phòng giữ.


CHƯƠNG 3
HOẠT ĐỘNG PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN: THỜI KÌ 1802-1858

3.1. CHỐNG NGOẠI XÂM


Cho đến trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858 thì trước đó đã có nhiều cuộc thăm dò và đụng độ của thực dân với quân đội nhà Nguyễn tại các cửa biển miền Trung.

Việt Nam nằm trong sự nhòm ngó của phương Tây từ rất sớm. Ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên, ý định đánh chiếm và nô dịch đã nảy sinh trong đầu óc của chúng. Không khó để tìm ra những dẫn liệu về điều đó.

Nhà Nguyễn cũng nhận ra điều đó với thái độ tích cực, tài liệu "Dương sự thủy mạc" cho biết đánh giá của họ: "Bến Đà Nẵng rộng, tàu Tây dễ đậu, lại có núi bao bọc, không có sóng gió nên dễ neo tàu, người Tây bấy lâu nay họ thường đậu tàu lại, không kể phép tắc triều đình. Hơn nữa Đà Nẵng gần đường quốc lộ (tức đường Thiên lý), gần làng mạc, gần Kinh thành, Đà Nẵng là then chốt của nước ta, cho nên người Tây muốn chiếm lấy" [97, 29]. Lưu ý rằng từ thời chúa Nguyễn, những cuộc đụng độ với phương Tây (Hà Lan) cũng ở vùng biển miền Trung, cho nên nhà Nguyễn chỉ mở một cửa biển là Đà Nẵng trong giao tiếp với phương Tây, và xây dựng nơi đây thành một cứ điểm vững chắc nhất, là có cơ sở.

Sau chiến tranh nha phiến với sự thất bại của Trung Hoa, Pháp cũng muốn tìm một căn cứ ở Viễn Đông. Bộ trưởng Pháp Guizot chỉ thị: "Nhà vua quyết định từ nay một đoàn hải quân sẽ đậu lại ở giữa vùng biển Trung Hoa và Nhật Bản với sứ mệnh che chở và bảo vệ, nếu cần, những quyền lợi chính trị và thương mại của chúng ta.

Nhưng nước Pháp chưa có một điểm tựa nào trong vùng biển này để tàu thuyền đóng thường trực, nơi đây có thể tiếp tế lương thực, sửa chữa rò thủng, đưa lên bộ những kẻ đau yếu, vậy nên phải xin với thuộc địa Bồ Đào Nha ở Ma Cao hoặc hải quân công xưởng ở Lugon (Philippine) một điểm tựa, một điểm trú ẩn, một điểm tiếp tế.

Đây là sự thể không thể chấp nhận được. Thật không thích đáng với nước Pháp phải vắng mặt trong phần thế giới rộng lớn nhường ấy mà các nước Âu Tây khác đã có cơ ngơi tại đây" [60, 104-105]

Không phải nói đến mục đích, âm mưu thêm nữa. Đến đây là phần phải giải quyết của Pháp, bởi so với các nước khác dù sao họ cũng đã chậm chân hơn. Thật dễ hiểu với những ngôn từ rằng Pháp đang cần "một điểm tựa, một điểm trú ẩn, một điểm tiếp tế" và "thích đáng" với vị trí của Pháp; cũng không ngoài mục đích của thứ ngôn ngữ hào nhoáng: "sứ mệnh che chở và bảo vệ" quyền lợi chính trị và thương mại, chính xác là thực dân. Vậy nên can thiệp của chúng vào Việt Nam ngày càng mạnh. Việc theo dõi rồi đụng độ kiểu "nắm gân" quân đội nhà Nguyễn liên tục diễn ra.

Cuối tháng 12-1817, một chiến hạm Pháp mang tên Cybèle trang bị 52 đại bác đến Đà Nẵng, thuyền trưởng De Kerganriou viết thư báo tin cho Chaigneau và Vannier ở Huế. Vannier liền đến Đà Nẵng còn Chaigneau không đi được vì bị đau chân. De Kerganriou không được tiếp kiến nhà vua, lý do là không có thư uỷ nhiệm của vua Pháp. Không nản lòng, ngày 16-1-1818, De Kerganriou lại xin tiếp kiến nhà vua nhưng vẫn không có kết quả đành quay trở về. Trên đường về, De Kerganriou vẽ bản đồ nhiều vị trí dọc bờ biển Việt Nam và kiểm tra lại các bản đồ của Dayot vẽ trước kia [77, 95].

Tháng 11-1830, tàu binh nước Pháp đậu cửa Đà Nẵng nói muốn thông hiếu với ta và nói Hồng Mao mưu xâm lược tỉnh Quảng Đông, thế tất liên đến nước ta, dặn ta đừng giúp Quảng Đông. Người Đại Pháp lại tiện thiện lên núi Tam Thai đứng trông; nhơn nói muốn có một người hướng đạo dẫn qua các hạt Bắc thành vẽ đồ; rồi chạy tàu đi. Ngài nghe, cách chức cả thành thủ và thủ ngự ở đài An Hải, Điện Hải” [29, 191].

Theo Taboulet, "Hành động của người Anh ở Trung Hoa làm Minh Mạng thực sự lo lắng. Nhà vua muốn biết rõ hơn mục đích của những chiến hạm Pháp xuất hiện ở cửa biển Tourane ngày một nhiều” [77, 36]. Giáo sĩ Pháp F. Régerau viết: "ngày 28-2-1840, một thuyền của vua Annam thả neo ở Penang. Chiếc tàu này đi Calcutta để xem người Anh chuẩn bị chiến tranh như thế nào. Một chiếc tàu cũng của vua Minh Mạng đi Batavia để xem người Hà Lan có động binh không. Bởi vì căn cứ theo nhiều báo cáo nhận được, vua Minh Mạng không thể ngủ yên giấc. Một chiếc tàu đi London và Pháp" [60, 107-108]. Tuy nhiên, mục đích cao nhất là cải thiện quan hệ với Anh và Pháp thì không thực hiện được.

Nhiều người Việt biết được âm mưu xâm lược của Pháp. Edward Brown, một người Anh bị gió dạt vào bờ biển Việt Nam đã cho biết trong hồi ký: nhiều lần người Việt báo cho ông ta biết rằng may mà ông là người Anh chứ nếu là người Pháp thì thế nào cũng bị đối xử ngược đãi. Xem thế thì đủ hiểu là người Việt cũng thừa rõ những ý định không hay của người Pháp đối với nước họ và hầu hết đều có vẻ như chắc chắn là không mấy lâu nữa là Pháp sẽ tấn công [45, 141].

Người Anh thì họ đã rõ, có thể là sự hiển nhiên trong cách hiểu của người phương Tây thông thường: phương Tây sẽ sang phương Đông mang theo tai họa được hào nhoáng thành “khai hóa”. Trong cuộc hội kiến với quan đầu tỉnh Khánh Hoà, E. Brown cho rằng: "Pháp đã yêu sách lấy vịnh Toarane và đảo Coulo Cham (Cù lao Chàm), và nếu không được như ý chắc chắn Pháp sẽ đánh" [45, 141]

Thế rồi năm 1845, xảy ra một cuộc đụng độ tại Đà Nẵng. Sự kiện này, J. Chesneaux cho rằng: "danh dự" dùng võ lực để can thiệp lần đầu tiên vào xứ Việt Nam thuộc một đơn vị thủy quân Huê Kỳ. Vào năm 1845, một tư lệnh hạm đội Huê Kỳ- mà lịch sử không ghi tên- ghé trước Đà Nẵng đổ bộ để bắt buộc phóng thích một vị giám mục Pháp bị giam cầm, bắt tất cả quan lại và chiếm tất cả chiến thuyền đậu tại hải cảng. Nhưng các con tin đều kháng cự, và viên tư lệnh Huê Kỳ không biết xử trí cách nào, cuối cùng phải thả họ ra rồi lên đường ra biển cả [75, 63].

Cốt lõi là có một cuộc tấn công can thiệp liên quan đến giáo sĩ đang bị giam cầm. Nguyễn Đắc Xuân góp thêm tư liệu làm rõ hơn: chiếc tàu đến Đà Nẵng năm 1845 có tên Constitution, còn gọi là Old Ironsides với thuyền trưởng là John Percival và giám mục có tên là Lefèbvre.

Ban đầu chiếc tàu đến với một dụng ý tốt, muốn đặt mối giao hảo. Khi biết tin triều đình nhà Nguyễn đang giam cầm giám mục Pháp, viên thuyền trưởng đã dùng vũ lực, bắt tất cả các quan lại nhà Nguyễn đang giao thiệp với y xuống tàu làm con tin để đổi lấy sự tự do cho Lefèbvre. Vua Thiệu Trị không nhượng bộ. John Percival sau vài tuần khiêu khích đã phải thả “con tin” và nhổ neo [122, 54]. Giám mục Lefèbvre sau đó cũng được trả tự do bởi Thiệu Trị cũng nhìn thấy sự nguy hiểm nếu tiếp tục giam cầm ông ta.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng như những nước châu Âu khác đều thấy hải cảng Tourane (Đà Nẵng) của ta rất tốt và đô đốc Perry sau khi hoàn tất chuyến du hành đến Nhật Bản đã yêu cầu Tổng thống Polk chiếm lấy một hải cảng ở châu Á và đề nghị Đà Nẵng. Tổng thống Mỹ bác bỏ đề nghị này vì “việc chiếm đóng lãnh thổ một quốc gia khác ở châu Á không phù hợp với hệ thống chính trị” của Mỹ [142].

Thực ra sự kiện trên chỉ là sự manh động của tên thuyền trưởng mà thôi. Phía chính quyền Hoa Kỳ không phát lệnh tấn công. Tổng thống Hoa Kỳ sau đó đã gửi thư xin lỗi triều đình nhà Nguyễn. Châu bản ngày ngày 24-1-1850 cho biết: “Quyền Án sát sứ Quảng Nam Ngô Bá Hy, Lãnh binh Giáp Văn Tân báo cáo có một chiếc thuyền quân sự của nước Ma Ly Căn, cập cảng Đà Nẵng, dâng thư xin lỗi việc một viên thuyền trưởng của họ 4 năm trước đã đến nước ta, lên bờ, làm bị thương đến chết người của ta. Và yêu cầu thông thương buôn bán giữa hai nước” [120, 30]. Người đã xin lỗi triều đình Huế vì hành động của John Percival là Tổng thống Mỹ Zachary Taylor (1849-1850)[122]. Toát yếu có nói đến sự kiên này nhưng lại không hề nói đến sự đụng độ, còn Thực lục thì chỉ nói rất đơn giản về sự kiện 1845: “Thuyền Man của nước Hoa Cân đến cửa biển. Trong Kinh phái viên Thị lang Nguyễn Long cùng thuộc viên của tỉnh là Kinh lịch Nguyễn Dụng Giai đi đến thăm hỏi, bị người Man dọa nạt, bắt xuống thuyền. Bọn Long không biết cự lại. Người Man bỗng nhổ neo đi. Khi bọn Long về, bị cách lưu” [86, 282].

Cũng chính John Percival châm ngòi cho cuộc đụng độ hai năm sau đó khi ông này ra biển trong sự ấm ức thì gặp hai chiếc tàu của hải quân Pháp ngoài khơi, kích động: “Giám mục Lefèbvre và người theo đạo Thiên chúa đang bị triều đình Huế bách hại, hãy mau chân vào cứu” [122, 55]. Đó là cái cớ trực tiếp để năm 1847, Rigault de Genouilly được de Lapièrre (sử Việt Nam gọi là Lạp Biệt Nhĩ) cử đến với một tối hậu thư. De Lapièrre cũng đi sau, trên tàu Gloire. Sự kiện diễn ra như sau:

Tháng 2, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), "có hai chiếc thuyền quân của nước Phật Lan Tây đậu ở cửa biển Đà Nẵng, có 5-6 người đạo trưởng công nhiên đeo chữ "thập", đi lại ở nơi cửa biển. Quan dinh tỉnh Quảng Nam xét ra, chúng đến đó có ý kiêu ngạo, đem việc phi tấu lên. Vua sai tả Tham tri bộ Lễ Lý Văn Phức đi đến ngay... khi Phức đã đến cửa biển, bọn Tây dương đính ngày cùng hội với nhau, đến ngày, đầu mục Tây dương là Lạp Biệt Nhĩ đem vài mươi tên đồ đảng, đeo gươm, đeo súng, đến thẳng ngay công quán; ngăn lại không được. Chúng đưa ra một thư của chúng bằng chữ Hán, lời lẽ phần nhiều ngông càn. Phức không chịu tiếp nhận, đầu mục Tây dương quát to để dọa nạt, đặt lá thư lên trên ghế rồi đi. Phức và Đình Tân bàn với nhau rằng: "nhận lấy thư là có tội, mà đốt thư đi cũng có tội, không gì bằng cho chạy trạm về đệ tâu lên". Phức cũng về Kinh để đợi tội... khi Phức đã đi [khỏi cửa biển], bọn Tây dương lại càng rông càn, ngày thường lên bờ, đi lại chỗ làng xóm. Những người nước ta vẫn theo tả đạo, phần nhiều đi lại nom dòm, thông tin tức kín. Những thuyền quân đi tuần biển bị chúng bắt giữ lại ở cửa biển. Có 5 chiếc thuyền bọc đồng ở Kinh phái đi nam (Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng) chưa ra biển, còn đậu lại ở vũng Trà Sơn cùng đối diện với thuyền Tây dương cũng bị chúng sấn đến cướp lấy buồm thuyền và dây buộc thuyền. Những người trông coi các hiệu thuyền là Thự phó vệ úy Lê Văn Pháp, suất đội Nguyễn Tri, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hy, Lê Tần đều bỏ neo giữ chặt, báo đến Kinh" [75, 63].

Toát yếu chỉ nói ngắn gọn: tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 7, hai chiếc tàu binh nước đại Pháp đậu tại cửa Hàn đưa một quốc thơ bằng chữ Nho. Tháng 3, tàu Đại Pháp gây việc tại cửa Hàn; rồi đi [95, 376].

Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược rằng: “Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng gần tàu của Pháp, và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồn lũy, mới nghi có sự phản trắc gì chăng, bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ neo kéo buồm ra bể” [55, 240].

Đến 10 năm sau, tháng 8 năm 1856, tàu Pháp lại gây sự tại Đà Nẵng. “Khi ấy có một chiếc tàu chạy đến xưng rằng: “đệ quốc thơ, xin qua buôn bán”. Rồi lại đến cửa Thuận phủ Thừa Thiên đưa một tập giấy rồi chạy đi. Ngày bữa sau, tàu ấy trở lại cửa Hàn, nói rằng: “đưa thơ xong rồi, chạy tới đây chờ quan chánh, phó sứ đến thương thuyết; nếu không chịu hoà thời về rủ nước Xích Mao qua, chắc sanh việc không tốt”. Việc ấy tâu lên, ngài cho quan bộ Binh nghị, lại truyền tỉnh ấy phái binh tuần phòng. Liền thấy tỉnh ấy dâng sớ tâu: “tàu đại Pháp đã bắn phá các đài bảo ở vũng Sơn Chà rồi”. Ngài dụ quan bộ Binh rằng: “cửa Hàn có việc, ta đã chuẩn cho quan tỉnh Quảng Nam đòi nhóm biền binh tùy cơ chống cự. Chỉ có ải Hải Vân là nơi thông với cửa Hàn, phải sai lính qua đó cho mau canh giữ” [95, 408]. Tiếp đó, Tự Đức “sai Hường lô tự khanh Nguyễn Duy hiệp với quan Hữu dực Đào Trí trù nghĩ việc ngăn giữ ngoài biển” [95, 408].

Ngay sau sự kiện tàu Pháp “bắn phá các đài bảo ở vũng Sơn Chà”, lại có chiếc tàu ba cột buồm tiếp tới “cùng chiếc tàu trước hạ neo đậu một nơi”. Vua Tự Đức chuẩn “phải thêm lính tuyển phong hiệp đồng toán quân trước, đóng giữ cho tráng thanh thế”. Được vài ngày, chiếc tàu máy ra cửa chạy qua phía đông [95, 408].

Tháng 11 năm 1856, “quan Trấn dương đại thần tâu: “hai chiếc tàu Tây tới khi trước đó, một chiếc thường đậu giữa vũng, một chiếc thời lui tới không lường; chúng tôi đã sai người tới hỏi, thời họ thường kiếm điều nói rằng: “tới hỏi thăm quan chánh, phó sứ”. Ngài sai khiến phòng bị cho nghiêm” [95, 409].

Tháng Giêng năm 1857, tàu Pháp lại đến “xin phái quan giao hội hoà hảo”. Tự Đức giao cho Đào Trí phải “hết lòng lo liệu sao cho nhằm sự cơ” [95, 410]. Châu bản cho biết, ngày 3-1-1857, “bộ Binh báo cáo việc tàu Pháp đến Đà Nẵng và yêu cầu được đưa lên Kinh, nói chuyện với một quan chức nhất phẩm. Bộ Binh đề nghị các quan ở Đà Nẵng mặc triều phục đón tiếp và thương thuyết với họ. Nếu Pháp tự tiện cho tàu đến Thuận An thì sẽ tùy cơ xử trí [120, 48].

Tiếp đó, ngày 6-1- 1857, bộ Binh báo cáo về việc sẵn sàng nổ súng nếu tàu Pháp từ Đà Nẵng tự tiện kéo đến Thuận An [95, 48]. Như thế cũng cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ của quân đội nhà Nguyễn. Họ cũng đã bắt được một kẻ nội gián như báo cáo của bộ Hình ngày 2-4-1857, “Hồ Đình Hỷ, một viên quan tam phẩm tại Nội vụ phủ, can tội theo đạo Thiên chúa, gửi con trai đến Hạ Châu học đạo, liên lạc với Tây dương vào lúc tàu chiến Pháp bắn phá Đà Nẵng” [95, 49]. Đó là tất cả những gì họ làm được, chỉ có thế.

Triều đình Huế không nhượng bộ. Nhưng rõ ràng là bị động trong tất cả các cuộc đụng độ và lãnh hậu quả nặng nề về vật chất và con người. Sự báo động về nguy cơ bị tấn công đã rõ. Nhà Nguyễn ý thức được điều này. Một báo cáo của nhà Nguyễn nói rõ: "bọn mọi rợ Âu châu rất cương quyết và rất bền gan; những sự nghiệp mà họ không hoàn thành được thì họ giao cho con cháu họ hoàn tất; những chương trình mà họ không có thì giờ thực hiện, thì họ giao cho kẻ hậu sanh thực hiện. Họ không bỏ qua một mưu lược nào cả. Và không thối chí bất cứ sự khó khăn nào. Đó là điều khiến ta đáng lo ngại hơn hết. Các người mọi rợ ấy tìm đến tất cả các quốc gia mà không sợ sự mệt nhọc nào. Họ mua chuộc các dân tộc không sợ sự tốn kém nào" [75, 63].

Ngoài những cuộc đụng độ kể trên còn có những cuộc thâm nhập của người phương Tây vào các cửa biển khác. Châu bản cho biết, ngày 29-8-1857, bộ Binh trình báo cáo của tỉnh thần Quảng Bình Tạ Hữu Khuê về việc: “vào giờ Thân ngày 20 tháng trước có hai chiếc thuyền của Tây dương từ phía nam đi tới hải phận Sơ Tiêu Trang, khoảng 30 người đổ bộ lên bờ, vào cuớp trâu bò lợn gà của dân trong làng và tìm người theo đạo Thiên chúa” [120, 52]. Qua việc này cho thấy rằng, sự việc có vẻ nghiêm trọng nhưng báo cáo lại rất muộn, không có một chi tiết nào nói tới sự đề kháng, thể hiện sự bất lực nhất định trước sự xâm nhập táo tợn của người phương Tây.

Sau sự kiện tàu Tây gây hấn ở Đà Nẵng và Thuận An, triều đình Tự Đức đã phải tăng cường phòng thủ ở hai cửa biển này. Tháng Giêng năm 1857, “quan phủ Thừa Thiên tâu xin đắp hai bờ lũy vòng câu ở cửa Thuận An, bên bãi cát, phía nam và phía bắc để giúp việc phòng giữ, ngài nghe theo” [29, 378]. Ngày 18-7-1857, ba bộ Hộ, Binh, Công đệ trình tập hồ sơ “phòng thủ hải cảng” của Đào Trí, xin xây hai pháo đài ở cửa biển Đà Nẵng, củng cố đồn lũy để chống quân Pháp xâm phạm hải cảng [120, 52].

Tự Đức còn cho tổ chức diễn quân thủy và thuyền chiến ở ngoài hải phận của mình. Tấu ngày 14-5-1857, cho biết: “Nguyễn Doãn Thần và Trần Tiễn Thành báo cáo về cuộc thao diễn thủy quân, chiến thuyền và bắn súng đại bác ở ngoài hải phận Việt Nam” [120, 50-51]. Vào thời điểm này việc thao diễn rõ ràng đã thể hiện sự đề phòng.

Tóm lại, khi những thuyền chiến phương Tây tiến về phương Đông, nhà Nguyễn có lý do để đề phòng âm mưu xâm lược. Đó là những kinh nghiệm từ những thế kỷ trước, việc phải đối phó thường xuyên với sự xâm lấn lãnh thổ của Tây dương, biết số phận của hai nước lớn Trung Hoa và Ấn Độ cũng như một số nước khác, làm cho những suy luận chính trị ấy có cơ sở để củng cố. Cái mấu chốt là nhà Nguyễn sợ làm di hại đến nền độc lập nước nhà. Thực tế cho thấy, tuy không mở rộng giao thương buôn bán, song Việt Nam không phải là kẻ cô lập hoàn toàn.

Cho đến giữa thế kỷ XIX, bằng mọi cách Pháp phải thâm nhập, không "thuyết phục" được thì dùng vũ lực đó là điều không tránh khỏi. Những cuộc đụng độ đầu tiên ấy tuy có phần manh động, chưa phải là chính thức nhưng lại cho thấy sự yếu kém và thiếu chủ động của hoạt động phòng thủ tại những cửa biển được bố phòng mạnh nhất, Đà Nẵng và Thuận An.

GS. Cao Huy Thuần có lý khi cho rằng những thăm dò có mục tiêu cụ thể, nhắm đúng vào vị trí chiến lược cụ thể, và rồi cái gì đến cũng đến: “không phải là cuộc biểu dương lực lượng đơn thuần, cũng không phải là cuộc chiếm đóng tạm thời một hay nhiều địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam; rõ ràng đây là một cuộc viễn chinh thuộc địa, vì nó nhằm xây dựng một thuộc địa Pháp vĩnh viễn ở góc này của Viễn Đông" [110, 53]. Ông muốn nói đến việc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858.

3.2. PHÒNG CHỐNG CƯỚP BIỂN

Người đi biển gặp muôn vàn rủi ro trước biển cả mênh mông đầy bất trắc. Dưới triều Nguyễn, mối đe dọa thường trực khác đối với họ còn là bọn cướp biển. Sử nhà Nguyễn gọi chúng là “hải tặc”, “giặc biển”, “giặc Tàu Ô”, “Thanh phỉ”... Phòng chống cướp biển là mối quan tâm lớn của nhà Nguyễn. Đó không chỉ là trừ mối họa trước mắt mà còn là việc thực thi chủ quyền vùng biển, đảm bảo cho thuyền bè qua lại trên vùng biển được an toàn.

Cướp biển nhiều nhất là vùng Quảng Yên, chúng trà trộn vào thuyền buôn, thuyền đánh cá với nhân khẩu hàng ngàn người nên khó phát hiện. Những thuyền này đã tràn xuống phía nam mà quấy nhiễu.

Tháng 5-1802, Gia Long nói với các quan: "Nay ta bắt được giặc biển, cũng là giặc trốn của nhà Thanh, ta có thể sai người đưa sang trả trước..." [79, 495]. Sau đó nhà Nguyễn đem nộp "giặc biển Tề Ngôi" cho nhà Thanh. Được thế, sử nhà Nguyễn nhân thế mượn lời vua Thanh cho rằng "Tây Sơn vô đạo, lại chiêu nạp bọn Mạc Quang Phù cho cướp bóc ở ngoài biên, đã lâu ngăn trở đường biển, đến nay được tin báo, rất vui lòng" [79, 496].

Gia Long năm thứ 2 (1803), ban chỉ truyền cho đồn phân thủ ở cửa biển Úc: “từ nay về sau, hễ thấy đích thực có giặc biển qua lại ở ngoài biển, thì một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho quan công đường chuyển, tâu, một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển vào miền trong, phía nam đến thành Bình Định. Lại một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển ra miền ngoài, phía bắc đến sứ Bắc thành, để tiện sức cho tàu thuyền công, tư phòng bị" [74, 424].

Để bảo vệ thuyền công trên biển, Gia Long năm thứ 5 (1806), ban dụ cho trấn Thanh Hóa: "từ nay, đoàn thuyền vận tải vượt biển, cần phải đề phòng ngăn chặn. Hiện đã truyền chỉ cho Bắc thành chọn lấy thuyền ô sai và binh đinh khí giới đầy đủ, và phái cai đội Tiểu sai ngồi vào thuyền, để bảo vệ đoàn thuyền đến Biện Sơn. Lại truyền chỉ cho trấn Nghệ An chọn ra 10 chiếc thuyền ô sai, và 10 chiếc thuyền sai ở Kinh, cùng đến Biện Sơn, tuần tra mặt biển, để đợi bảo vệ tiếp nhận. Ở trấn nên phái ra 10 chiếc thuyền ô sai, và phái viên phó vệ úy của hai vệ tiền võ, thuận võ, đem binh đinh khoẻ mạnh của hai vệ chia ngồi vào thuyền, đến đóng ở cửa Bạng, cùng với thuyền sai ở Kinh và Nghệ An, tuần tra mặt biển Biện Sơn. Hễ thấy thuyền sai của Bắc thành, bảo vệ đưa đoàn thuyền đã đến Biện Sơn thì lập tức báo cho Cai đội đội Tiểu sai ngồi ở thuyền Thanh Nghệ, tiếp tục bảo vệ đoàn thuyền về Kinh... trên đường biển, nếu gặp giặc biển, thì các thuyền binh đi bảo vệ, lập tức nên góp sức đề phòng đánh dẹp. Nếu ai thụt lùi thì đã có quân pháp" [74, 424].

Thời Gia Long thường xuyên phải đối phó với cướp biển nổi lên ở các địa phương, như: tháng 12-1804, Quảng Bình có nạn cướp biển, sai dinh thần phát binh thuyền dò bắt [79, 620]. Tháng 12-1805, giặc cướp ở ngoài biển Nghệ An, lính tuần dương đánh đuổi chạy, bắt được 18 người. Trấn thần tâu lên, thưởng tiền 200 quan [79, 649]. Tháng 7 – 1807, hạ lệnh cho các dinh cơ đội thuyền từ Quảng Bình vào Nam đến Bình Thuận chia ban ứng trực, người trực ban được cấp lương tháng [79, 705]. Tháng 3-1817, hạ lệnh cho tấn thủ ven biển các địa phương, phàm có thuyền vận tải đi qua phần biển và thuyền giặc lảng vảng thì cho làm tập tâu đệ lên ngay, đừng chờ báo dinh trấn chuyển tâu để đến nỗi chậm trễ [79, 945]...

Thời Minh Mạng, năm 1829, Quảng Nam có giặc bể đón thuyền đi buôn mà cướp của, quan trấn thành dâng sớ tâu lên. Vua dụ bộ Binh: “trước kia vùng Thanh Hóa và Nam Định bọn giặc bể thường có vài ba chiếc thuyền đón các thuyền buôn mà cướp bóc, sau đều bị quan quân vây bắt, địa phương được yên ninh, nay tỉnh Quảng Nam lại có tin báo này, liệu nhưng hồn ma lũ chuột không thể để lâu, cần bắt giết ngay, tức thì sai quan vệ úy là Nguyễn Đức Trường quản lĩnh binh thuyền ra bể dò thám, vây bắt; lại khiến các quan từ Quảng Trị trở ra bắc, từ Quảng Nam trở vào nam, đều theo địa phận thuộc hạt, sai quân đi tuần tiễu, nếu gặp thuyền buôn người tàu có hình dạng khác thường, mà trong thuyền chứa đồ binh khí, súng đạn, tình bính nghi ngờ, bắt mà trị tội [94, 121-122].

Năm 1830, ban chỉ dụ rằng: "căn cứ Quảng Bình tâu báo: “có hai chiếc thuyền giặc, mỗi chiếc ước 40 tên, đều là người nước Thanh đi cướp bóc thuyền buôn ở vùng biển đảo Hấp thuộc hạt ấy, rồi lại chạy đi. Hiện đã sức cho địa phương điều phái thuyền binh cùng đánh dẹp rồi... Hết sức tìm bắt, và đưa giấy cho các địa phương, đem thuyền binh bốn mặt vây đánh, cốt bắt được cả bọn để kết án, thì ắt có thưởng hậu.

Lại ban dụ, các địa phương có bờ biển từ Quảng Bình trở ra bắc, từ nay về sau, hàng năm từ tháng 3 bắt đầu, đến tháng 7 thì thôi, hai lần liệu phái thuyền binh trong hạt tới những nơi ở các đảo mà thuyền giặc có thể đậu được, kiểm soát hết thảy. Nếu có thuyền dị dạng của người nước Thanh ngầm đậu, tình trạng đáng ngờ, thì lập tức bắt giải về quan địa phương ấy tra xét tâu lên" [74, 425-426].

Minh Mạng năm thứ 20 (1839), “sai lính ở Kinh và bốn cơ quân thủy, bộ, quản, vệ hơn 500 người, đi 10 chiếc thuyền Thanh Hải, Định Hải, Tuần Hải, ô thuyền chia làm hai đạo, một đạo tự tỉnh Thừa Thiên đi sang đàng nam đến tỉnh Bình Thuận, một đạo tự tỉnh Thừa Thiên đi sang đàng bắc đến tỉnh Quảng Yên để tuần tiễu giặc bể” [94, 271].

Thời Tự Đức, cướp biển tiếp tục hoành hành. Châu bản cho biết, ngày 18-4-1849, Tổng đốc Quảng Nam, Quảng Ngãi Nguyễn Lương Nhàn báo cáo về việc bọn cướp biển nhà Thanh chặn cướp thuyền buôn ở cửa sông Đại Áp [120, 25]. Ngày 28-4-1849, Tuần phủ Thuận Khánh Nguyễn Đăng Uẩn trình việc một chiếc thuyền buôn bị bọn cướp biển Trung Quốc cướp ở hải phận tấn Đà Thủy. Xin cho thuyền tuần tiễu thường xuyên [120, 25]. Ngày 4-2-1851, bộ Binh báo cáo về tình hình bọn cướp biển Trung Quốc chận cướp thuyền buôn ở tấn Vân Phong, Cam Linh tỉnh Khánh Hoà [120, 33]. Ngày 3-3-1851, bộ Binh trình báo cáo của Phan Huy Vịnh ở Quảng Ngãi về tình hình bọn phỉ Trung Quốc qua lại hải phận vùng này, chặn cướp các thuyền buôn, làm cản trở đường giao thông hàng hải giữa hai miền Nam- Bắc. Đã cho thuyền tuần tiễu ra sức trừ nhưng vẫn chưa hoàn toàn tiêu diệt được bọn chúng [120, 35].

Thậm chí có khi giặc biển táo tợn đồng loạt nổ súng vào cửa biển, quấy rối vùng biển, mang vũ khí đổ bộ lên bờ.... như ngày 26-4-1851, bộ Binh báo cáo về việc 10 chiếc tàu của Thanh phỉ nổ súng bắn vào cửa biển Cần Trà (?) trong ngày 10-4 [120, 39]. Ngày 18-7-1857, Bố chánh sứ Khánh Hoà Tôn Thất Dương báo cáo về việc: ngày 19-4 bọn cướp biển Trung Quốc lẻn vào bắn phá tàu buôn bị thuyền tuần tiễu của cửa biển Cam Ranh đuổi đánh. Sau một trận giao tranh, bọn cướp yếu thế phải bỏ chạy về phía đông [120, 52].

Việc tuần tiễu được thực hiện, Châu bản thời Tự Đức cho biết liên tục hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 1851, bộ Binh báo cáo về việc tiễu trừ Thanh phỉ sang cướp bóc thuyền buôn của ta trong hải phận tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 6-5-1851, bộ Binh lại báo cáo về việc tiễu trừ thuyền của bọn Thanh phỉ nổ súng quấy rối ở vùng biển thuộc cửa biển Thị Nại. Ngày 7-5-1851, bộ Binh lại báo cáo về việc tiễu trừ thuyền của bọn Thanh phỉ sang cướp bóc thuyền buôn, mang vũ khí đổ bộ lên bờ thuộc cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Ngày 8-5-1851, bộ Binh lại báo cáo về việc tiễu trừ thuyền của bọn Thanh phỉ xâm nhập hải phận thuộc cửa biển Hoàng Sa, Quảng Ngãi, cướp thuyền buôn và đổ bộ lên bờ [120, 40-41].

Đối tượng cướp biển hướng tới là thuyền buôn và thuyền đánh cá vốn không được trang bị vũ khí cần thiết. Vì vậy, năm 1833, vua dụ bảo bộ Binh “giặc bể ở đảo Đồ Bà vào khoảng giao thời mùa hè và mùa thu lừa khé lén ra để quấy rối dân chúng ở gần bể. Vậy sai tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hoà ước lượng mà cấp súng ô sang và giáo mác cho các xã thôn để chống với giặc cướp” [94, 250].

Năm 1834, Minh Mạng “lấy cớ các đảo và bãi ở ngoài bể thuộc các địa phương có nhiều dân cư, chợt gặp giặc bể không lấy gì để chống giữ, mới sai Binh bộ truyền dụ các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát ở địa phương có hải phận bắt dân sở tại phải đóng kiểu thuyền đi được nhẹ nhàng, phí tổn do nhà vua cấp phát. Lại cấp binh khí, súng ô sang và đạn được để phòng bị lúc không ngờ" [94, 252]

Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) cho phép cấp súng trường cho thuyền buôn: "Nếu thuyền hộ khi nào ra bể buôn bán thì cho thuyền hộ ấy làm đơn, lý trưởng làng ấy nhận thực, quan tỉnh ấy phê làm bằng, chiếu theo số mà cấp. Thuyền hạng lớn thì 10 cây súng trường, thuyền hạng vừa hạng nhỏ thì trên dưới 5,6 cây. Phàm đi qua các cửa bể mà có vào tấn để buôn bán, thì tới trình nghiệm với viên thủ ngự sở tại. Khi về đến quê, thì đem súng trường đã lĩnh ấy nộp lên tỉnh" [74, 419]. Ngoài ra các loại như câu liêm, dao găm, quả đấm bằng đá, dùi gỗ thì không cấm.

Năm 1837, viên thự Án sát tỉnh Phú Yên là Đỗ Huy Cảnh tâu nói: “hải phận ở tỉnh ấy trước đây có giặc tàu nổi lên, ở tỉnh đem thuyền đại dịch đi tuần bắt, quả nhiên bắt được gian thương mà giặc nước Thanh mất tích. Nay xin bắt những tỉnh dọc theo bờ bể chuẩn y mẫu thức thuyền “đại dịch” để phòng bị lúc đi tuần dương”.

Vua dụ rằng: “thời nên bắt chước mà làm. Nay chuẩn cho tỉnh Phú Yên và những tỉnh Bình Định, Quảng Nghĩa, Khánh Hoà, Bình Thuận đều chiếu theo mẫu thức hình dáng chiếc thuyền đại dịch, mỗi tỉnh đóng hai chiếc, gặp thời tiết gió nam thời phái quân lính đắc lực giả dạng là người đi buôn, mà trong thuyền đủ khí giới súng đạn để đi ra ngoài bể.

Như thế, một là lợi dụng bọn giặc hiểu nhầm đến thuyền nhờ thức gì mà ta bắt lấy, hay là chợt gặp bọn ấy ăn cướp những thuyền buôn bán thời ngăn chặn lại mà bắt, hai là dùng làm thuyền binh đi tuần tiễu để mạnh việc canh phòng ngoài bể, thế là nhất cử lưỡng tiện” [94, 265].

Tuy vậy như thế vẫn là qúa ít ỏi và thô sơ. Hồi ký của Edward Brown cho biết thông tin ngược lại: "chỉ thuyền bè của chính quyền mới được quyền mang võ khí, và tuy trên biển có rất nhiều giặc tàu ô nhưng thuyền buôn không hề được sử dụng một thứ võ khí nào, dù chỉ là để tự vệ”.

Thứ "vũ khí" có trên thuyền buôn được ông mô tả: “nó là một thứ ống tre nhỏ, đường kính chừng 6 phân rưỡi và bề dài được độ một thước, bên trong nòng thì chứa đầy thuốc súng. Những nòng tre này được buộc vào những chiếc cột gỗ dài chừng hai thước. Để dùng võ khí đó, người ta làm như sau: "đốt thuốc súng và dí đầu súng vào tàu địch khi địch tấn công hay địch trèo qua thuyền mình. Làm như thế thì thuyền địch dễ bị cháy và phải thối lui. Súng này có thể có công hiệu đối với một địch quân không võ trang, nhưng đối với bất cứ người nào có súng thật thì nó chẳng còn công hiệu được gì nữa" [45, 133].

Chưa biết thông tin nào là chính xác và thuyết phục hơn nhưng xem ra, vũ khí của thuyền buôn và thuyền đánh cá nhằm chống lại cướp biển còn qúa khiêm tốn, hãy thử so sánh với trang bị vũ khí và tổ chức của bọn cướp biển, được mô tả như sau:

“Bọn họ là người Tàu ở các tỉnh miền biển Triết Giang, Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông. Bọn này là những thủy thủ lành nghề, tánh tình hung hãm, cướp của, giết người, hãm hiếp đàn bà con gái, bắt cóc thường dân... Chúng thường chận cướp các thuyền buôn ngoài biển, đổ bộ lên các làng mạc Việt Nam nằm dọc bờ biển để cướp phá. Thuyền của chúng được thiết kế và đóng đặc biệt. Thuyền chúng không chạy bằng máy, có ba cột buồm lớn hình cánh dơi và khoảng 50 người chèo. Thuyền đóng tại các bến ở miền biển Triết Giang, Phúc Kiến. Thuyền làm bằng gỗ có đóng đai sắt, vừa để đánh cá mà cũng là thuyền trận. Thuyền được trang bị súng đại bác, thủy thủ sử dụng dao, mã tấu, câu liêm, móc sắt... Thuyền có 3 tầng: tầng trên hết bằng phẳng có trí súng đại bác, là nơi giao chiến khi xáp trận và cũng là nơi kéo các lên khi đi đánh cá. Tầng giữa là nơi người ở, hai bên mạn thuyền có chừa lỗ cao hơn mặt nước, các mái chèo được đưa ra ngoài dùng để chèo thuyền đi. Tầng cuối để lương thực, nuôi súc vật, chứa nước uống, kho súng đạn... tương tự như thuyền trận đế quốc La Mã. Trong thuyền có thiết kế nhiều ô con bằng gỗ kiên cố để không cho nước tràn vào làm chìm thuyền khi thuyền bị bắn thủng hay có sự cố tương tự như tàu chở dầu ngày nay. Trong tình trạng đó tàu vẫn chạy như thường và có thể hàn gắn vết thủng trong một thời gian ngắn. Một chiếc Tàu Ô cỡ lớn có thể chở một thủy thủ đoàn vài trăm người, có đủ lương thực nước uống nuôi sống họ trong vài tháng trên biển mà không cần ghé bờ tiếp tế. Giặc Tàu Ô là mối đe doạ lớn về an ninh Việt Nam trong vùng biển. Chúng chia thành nhiều nhóm ẩn trú trong vịnh Hạ Long, Quảng Yên về sau tiến vào vùng bờ biển phía nam, nhất là vào thời kỳ Tự Đức. Giặc Tàu Ô khi ẩn khi hiện, lại thêm thiện chiến, vũ khí đầy đủ, hiện đại nên thủy quân Việt Nam không thể dẹp yên được... tình trạng này kéo dài đến khi Pháp cai trị Việt Nam" [45, 133].

Patrick J. Honey, cũng cho biết: "Nhà nước Việt Nam thời ấy rất có cảm tình và ưa chuộng đối với Anh, vì những chiến hạm Anh thường hay đánh đuổi những giặc bể hoành hành dọc theo duyên hải Việt Nam" [45, 142]. Tuy nhiên ý kiến này có nhiều ngộ nhận và thiếu thuyết phục bởi trên thực tế không có tài liệu phía nhà Nguyễn nào đứng về điều đó, ngược lại nó mang nhiều ý nghĩa ngoại giao.

Hải tặc hoành hành trên biển, theo Yoshiharu Tsuboi, không chỉ là hải tặc người Hoa rất táo tợn mà còn có cả người Việt. Thậm chí có phụ nữ và trẻ con. Tư liệu về lá thư của giám mục Retord được Yoshiharu Tsuboi trích dẫn cho biết: "sau các sứ thần, tới lượt bọn phỉ và hải tặc, chúng đã và đang gây rất nhiều tai họa ở đây. Năm ngoái (1849), toàn vùng duyên hải Đàng Ngoài và Đàng Trong bị bọn giặc ấy cướp phá; chúng đi từng đoàn từ 50 đến 60 chiếc ghe, trong đó có những ghe nhỏ của phụ nữ, trẻ con để chở những vật đã cướp được và những ghe lớn, được vũ trang đầy đủ, có đông người để đánh nhau và tiếp tục cướp bóc nữa" [118, 168].

Tuy hoạt động của tuần hải, chống cướp biển luôn được quan tâm nhưng cướp biển vẫn hoạt động mạnh, gây nhiều “tai họa” cho tàu thuyền trên biển, có lẽ chính vì thế mà viên tuần vũ Quảng Nam bị trách phạt. Tấu ngày 21-4-1838 của Tuần vũ Quảng Nam Hồ Bảo Định rằng: "ngày 18- 3, thần xin chỉnh các binh thuyền tuần bổ hải phỉ, y viên đã tuân hành cỡi thuyền đi tuần thám khắp nơi ngoài biển nhưng không gặp bọn giặc ở đâu cả" [22, tập 69, 69].

Thực hư thế nào thì không rõ. Hoặc giặc biển qúa “lẻn lút”, hoặc Hồ Bảo Định kém tài, có thể là cả hai, nhưng Minh Mạng thì rất quan tâm đến điều này. Ba tháng sau, ngày 12-7-1838, bộ Lại tâu: "Tuần vũ Quảng Nam là Hồ Bảo Định đi tuần tiễu ngoài biển đã hơn một tháng không bắt được giặc biển”. Phụng chỉ: giáng hai cấp, cho lưu nhiệm. Bộ xét: Hồ Bảo Định trước bị giáng hai cấp, nay hai cấp nữa là 4 cấp, theo lệ phải do bộ xét chuyển đi chỗ khác". Châu phê: cho ở lại làm, để xem xét về sau” [22, Minh Mạng, tập 72, 32].

Tự Đức năm thứ 4 (1851), chuẩn: “từ nay hải phận nào có giặc nổi lên mà không bắt được, nếu là nơi chuyên trách của đồn biển, thì viên tấn thủ sở tại bị giáng 3 cấp lưu nhậm. Còn về giặc nổi lên ở chỗ hai đồn biển tiếp giáp nhau và thuộc về các điều khoản đặt ra để xử lý đối với Kinh phái, tỉnh phái đi tuần thám, cùng viên tỉnh sở tại, thì vẫn tuân theo nghị định trước mà làm” [74, 439].

Việc phòng chống cướp biển ít nhiều có hiệu quả như các bản tâu và trong một số chỉ dụ trên có nhắc đến. Châu bản cũng nói đến điều đó, như ngày 24-4-1838, tỉnh Quảng Nam lại tâu về việc: ghe buôn Nguyễn Văn Nhơn bị hải tặc người Thanh cướp tại hải phận Quảng Ngãi, ghe buôn Nguyễn Văn Triêm bị cướp tại hải phận Quảng Nam. "May có ghe tuần dương nên khỏi bị mất tất cả" [22, Minh Mạng, tập 70, 85]. Nhưng “tin vui” như thế không nhiều.

Nhà Nguyễn đã cố gắng và có nhiều biện pháp phòng chống cướp biển được tiến hành liên tục trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX. Nạn cướp biển phần nào được giải quyết song ở một mức độ nào đó vẫn chưa thể triệt để, thậm chí nhiều khi bất lực và cướp biển vẫn là “mối đe doạ lớn về an ninh Việt Nam trong vùng biển”.

3.3. TUẦN TRA

Tuần tra là hoạt động quan trọng trong bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển. Thể hiện qua các hoạt động: kiểm soát, tuần tiễu và giữ yên vùng biển. Với những tổ chức, trang bị và huấn luyện quân thủy như đã nêu trên, nhà Nguyễn có điều kiện để thực hiện tuần tra, gìn giữ vùng biển dài rộng.

Cái lợi của tuần tra mặt biển được vua Minh Mạng chỉ rõ: “đi tuần phòng ven bể, một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thiện dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không giám gây sự. Thế có phải là một việc mà được ba điều lợi không” [93, 310]. Một trong những cái lợi trực tiếp là bảo vệ vận tải biển, vốn được sử dụng rất nhiều trong việc vận chuyển sản vật và vật liệu ở các địa phương về Kinh đô. Tháng 8-1810, vua Gia Long định lại 4 điều về việc vận tải biển, trong đó có nói: “việc vận tải cứ mỗi năm một lần, thượng tuần tháng tư thì ra biển. Quan sở tại trước ngày ra khơi, tư ngay cho các trấn thủ các địa phương, ngày đêm đi tuần ở biển; thuyền chở đi qua, có cần giúp đỡ gì, tức thì chiếu cố và khám làm chứng, đem việc tâu lên" [79, 795].

Việc tuần tra, kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho đội quân chính qui, song ở các địa phương thường được giao quyền chủ động. Các tỉnh lấy dân địa phương (dân ngoại tịch) rồi lập thành các đội tuần tra, như tháng 7-1803, “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa. Sai thuộc nội Cai cơ Võ Văn Đức quản giữ ba đạo Cần Giờ, Vũng Tàu và Đồng Tranh”. Và Võ Văn Đức cũng tâu rằng: “Cần Giờ trước có quân ba đội Bình Hải, gần đây trốn đi gần hết. Xin hạ lệnh cho Cai đội Tiền thủy là Bùi Văn Hạnh mộ dân ngoại tịch lập làm đội Bình Hải cho lệ theo để sai khiến”. Vua y cho [79, 566]. Bản dụ thời Minh Mạng qui định “các tỉnh có hải phận, đều đóng 2,3 chiếc thuyền nhanh nhẹ, và sai nhân dân các đảo sửa chữa thuyền đánh cá, liệu cấp khí giới để đi tuần thám” [74, 427].

Thuyền cướp biển thường “dị dạng”, lẫn lộn với thuyền buôn và thuyền đánh cá, để phân biệt thuyền cướp biển với thuyền buôn, thuyền của nhà nước (thuyền tuần tiễu, thuyền công sai), Minh Mạng năm thứ 9 (1828) qui định việc thấy thuyền giặc thì treo cờ bắn súng để phân biệt, “nếu không có cờ, tức là thuyền của giặc, phải nhanh chóng đuổi, đánh, không được lầm lỡ" [74, 425]. Cũng có khi vì phần thưởng mà cố tình bắn giết tàu buôn như sự kiện đáng tiếc dưới thời Tự Đức. Trước đó, năm 1829, "trấn Bình Hoà bắt được 6 chiếc thuyền dị dạng của nước Thanh. Xét ra không có hình trạng phạm pháp rõ ràng, đều tha cho về nơi cũ. Nhưng bảo trước mặt cho bọn ấy rằng: từ nay về sau không được qua hải phận mà đi lại trên mặt bể. Nếu dám trái lệnh phạm cấm, lại bắt được lần nữa, thì ắt theo luật lệ "đậu trên bể” mà trị tội nặng không tha" [74, 417].

Để việc nhìn ngắm trên biển được chính xác, năm 1829 vua Minh Mạng ban chỉ dụ phân cấp kính thiên lý cho các tỉnh có vùng biển, đồn biển và thuyền tuần tiễu bởi "vùng biển mênh mông, chỉ có kính thiên lý có thể trông xa được” [74, 425-426].

Thuyền tuần biển với nhiều loại, như các loại chuyên dụng của nhà nước hay thuyền của địa phương, thậm chí có khi dùng thuyền đánh cá nên công hiệu thấp, năm 1838, vua cho làm thuyền khỏa đồng (bọc đồng) để đi tuần, “thuyền ấy dài 4 trượng, 4 thước, 1 tấc, ngang 1 trượng, 4 tấc, có sàn ngồi để đánh nhau. Các tỉnh dọc theo bờ bể thời làm theo hình dáng thuyền “đại dịch”, mỗi tỉnh 2 chiếc mà tỉnh nào mặt bể rộng mông mênh thời làm ba bốn chiếc đều gọi là thuyền “tuần dương”. [94, 269].

Minh Mạng ban dụ: "Từ Quảng Trị trở ra Bắc, từ Quảng Nam trở vào Nam đều nhanh chóng phái 3,4 chiếc thuyền binh theo hạt biển đi tuần xét. Một khi giặp thuyền dị dạng của nước Thanh, hoặc trong thuyền hiện có súng ống, khí giới, cho đến đồ vật hàng năm bị cướp, và tình hình đáng ngờ, nguyên do phức tạp, thì lập tức giải trình về trấn ấy. Một mặt tâu lên, một mặt xét rõ, xử tội nặng thêm bậc, tâu lên. Những thuyền binh được phái đi, cũng nên hết lòng dạy bảo nghiêm ngặt, không được nhân việc mượn cớ quấy rối thuyền buôn" [74, 426]

Năm 1834, Minh Mạng ban dụ: “các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát ở các địa phương ven biển, điều nên xét các đảo ở hải phận trong hạt hiện có dân cư, thì điều sức cho dân ở tỉnh ấy đem thuyền đánh cá nhanh chóng sửa chữa, cho được nhanh nhẹn. Nơi dân số nhiều thì làm 2,3 chiếc. Mỗi chiếc có thể ngồi được trên dưới 20 người. Về phí tổn sửa chữa hết bao nhiêu, thì nhà nước cấp tiền. Lại liệu cấp cho dáo dài, súng trường, thuốc đạn, giao cho dân ấy nhận lĩnh, để dùng đi tuần thám. Khi giặp giặc biển, thì một mặt cùng nhau chống đánh, một mặt chạy báo, cho khỏi bị chậm trễ không kịp việc" [74, 426].

Công tác tuần tra được tiến hành theo chu kỳ nhất định, tùy thuộc vào thời gian có nhiều thuyền buôn và thuyền công sai đi lại nhiều hay ít. Như bản dụ năm 1835: "mỗi khi mùa hè đến kỳ vận tải thi do Đề đốc Thừa Thiên liệu đem theo biền binh thuộc phủ và đem theo biền binh ở đồn biển cùng ra biển, căn cứ theo hải phận qua lại cùng tuần thám bảo vệ. Nếu kỳ nào đoàn thuyền đi vận tải số nhiều, thì cho tư bộ sức thêm thuyền binh, cùng đi do thám... Những thuyền binh hàng năm phái đi, cho cứ vào tháng 3 bắt đầu, tháng 7 thì thôi. Điều này ghi làm lệ" [74, 427]. Binh thuyền phái đi cũng luân phiên thay đổi 3 tháng một lần bởi “phái đi lâu ngày, có phần nhọc mệt, nay chuẩn cho các viên quản vệ đang tại ngũ ở nguyên mà quản suất, còn các viên quản suất dư dả cho đến quân lính, cứ 3 tháng phải chiếu số thay đổi, để cho kẻ làm người nghỉ được đồng đều” [94, 310]. Tuy nhiên cũng tùy theo từng điều kiện cụ thể mà có thể tiến hành sớm hoặc muộn hơn có khi tháng Giêng, tháng Hai đã phải tiến hành tuần thám như bản dụ năm 1838 cho biết: “trước đây trẫm đã giáng lời dụ hàng năm binh thuyền đi tuần ngoài bể, cứ tháng 2 ra đi. Nay tháng Giêng trời đã sáng tỏ mà đường đi thuận tiện, chính là thời kỳ thuyền buôn đi về, thời nên phái đi tuần tiễu ngay để yên vùng bể” [94, 266]. Đặc biệt ở các vùng biển có nhiều hải tặc thì không kể mùa nào bởi “tấn thủ sở tại vốn có trách nhiệm tuần phòng”... [74, 435].

Về cách thức tác chiến và trang bị vũ khí, năm 1835, ban dụ: “thuyền của giặc ấy phần nhiều là nhanh nhẹn, chạy giỏi. Chiến đấu với nó, nếu là hơi xa, thì phải dùng đại bác, chỉ định vào mái chèo, bánh lái của thuyền giặc mà bắn tan, gần thì dùng câu liêm giật đứt giây buộc lái, làm cho thuyền đổ nghiêng không chạy được, thì tự khắc bị ta bắt được… Vậy truyền chỉ cho các địa phương ven biển miền trong, miền ngoài, phàm có thuyền binh đi tuần biển đánh giặc, cũng điều theo như thế mà làm [74, 427].

Thuyền cướp biển thường đi thành đoàn, có tổ chức và được trang bị khá tốt. có khi chống lại thuyền tuần tra. Như năm 1836, tỉnh Khánh Hoà tâu là: “thuyền đi tuần gặp 1 chiếc thuyền giặc, 2 bên màu đen, hai má trước mũi màu đỏ, sau lái và ván giữa 2 bên vẽ hình đầu rồng, lại có 2 lỗ châu mai, điều đặt đại bác, giám bắn súng chống cự với thuyền của quan quân”. Minh Mạng liền cho phái nhiều binh thuyền và “thông sức cho thuyền binh ở Kinh và ngoài các tỉnh phái đi đều lưu tâm tìm bắt ở các đảo” [74, 432-433].

Đối với các địa phương quan trọng như Thừa Thiên và Quảng Nam, Minh Mạng năm thứ 17 (1836), ban dụ: “điều phái binh thuyền ngày đêm lưu tâm đi tuần thám. Nếu có giặc biển lẻn lút nổi lên, thì một mặt đuổi bắt, một mặt chạy báo cho quan địa phương, lập tức phi sớ vào tâu, để tiện bằng cứ vào đấy, mà điều khiển. Còn như một khoản đi tuần, đồn biển Thuận An và các đồn biển giáp hạt với nhau, lên liệu định chương trình thế nào, cho bộ Binh bàn kỹ tâu lên [74, 427-428].

Bộ Binh bàn định và tâu: "xét hải phận các đồn biển ở hạt ấy, tuy có xa gần khác nhau, nhưng tính về đường thủy, thì điều là sức một ngày có thể đi tới. Duy binh các đồn ấy và số dân lệ thuộc, có nơi hơn 100 tên, có nơi hơn 30 tên, có nơi hơn 10 tên, cũng có nơi chỉ có 9 tên. Về số thuyền cũng có nơi nhiều, cũng có nơi ít không đều, vậy về binh phu, số thuyền cũng nên có định hạn để phòng khi sai phái.

Nay kính bàn: đồn biển Thuận An ở Thừa Thiên và các đồn biển Tư Hiền, Chu Mãi, cảnh Dương ở phía nam đến đồn biển Đà Nẵng ở Quảng Nam; từ đồn biển Thuận An đến đồn biển Việt Yên ở Quảng Trị ở phía bắc, cộng 6 đồn biển. Trừ đồn biển Thuận An hiện tại biền binh 143 tên, đồn biển Tư Hiền hiện tại dân lệ thuộc 64 tên, đủ để sai phái ra, còn lại 2 đồn Chu Mãi, Cảnh Dương nguyên số ít ỏi, vốn dân lệ thuộc dồn cộng được 9 tên, đồn biển Đà Nẵng 3 tên, đồn biển Việt Yên 17 tên, xin cho địa phương ấy liệu trích dân quen thuộc nghề dưới nước ở các đồn biển xung quanh, cộng với số dân nguyên lệ thuộc của các đồn biển, cho vừa đủ số, mỗi đồn biển 50 tên. Và miễn việc sai phái vặt cả năm, cho bọn ấy được theo vào đồn biển đó, chuyên sức đi tuần thám.
Về số tàu thuyền cần dùng, thì mỗi đồn biển cần 2 chiếc thuyền ô, 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ chia chạy lần lượt đi tuần thám. Các đồn biển ấy đều căn cứ vào số binh dân, phu thuyền hiện tại mà chia làm hai toán, mỗi toán một chiếc thuyền ô, 15 tên binh phu; súng ống, khí giới đem theo, một chiếc thuyền nhanh nhẹ, 15 tên binh phu. Ra biển xét theo hải phận của đồn biển mình: trở vào phía nam giáp với đồn biển nào, trở ra phía bắc giáp với đồn biển nào, qua lại tuần tra, đủ một ngày đêm trở lại đồn biển. Toán khác tuần tra, như thế luân chuyển thay đổi nhau, cốt được liên tục. Phàm đến nơi giáp giới, là nơi người đi tuần biển của hai đồn biển giặp nhau thì hai bên nên biên ký có nhau làm bằng, để phòng khi tra xét.

Lại lồng đèn ở thuyền ô đều viết to hai chữ tên đồn biển, ban đêm treo lên làm hiệu. Ở hải phận đồn biểu nào trong khi du tuần, gặp giặc biển hoặc quả là thuyền dị dạng, cần phải vây bắt, thì bắn 3 tiếng đại bác, ban đêm thì bắn 5 chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Thuyền ô liền khẩn cấp tiến lên chặn bắt, thuyền nhanh nhẹ lập tức theo sự thuận tiện, tới báo cho quan địa phương làm bằng. Một mặt phái thêm thuyền binh đuổi bắt, một mặt chuyển báo cho các đồn biển giáp giới đều lập tức khẩn cấp hội lại cùng đánh. Đồn biển nào đi tuần sơ suất, không đến đầu đến cuối, không có chữ biên ký nơi giáp giới và gián đoạn không liên tục, hoặc đến nỗi bọn giặc được nhân sơ hở lén lút nổi lên, hoặc đụng giặp thuyền giặc mà không lập tức chạy báo, để đến nỗi chậm trễ lỡ việc cùng là đã phát tin báo hiệu, mà đồn biển ở giáp giới khong lập tức đến hội, thì điều cho địa phương ấy tâu hạch nghiêm ngặt, sẽ trị tội theo mức nặng.

Lại người đi tuần biển của các đồn biển giặp nhau thì trong giấy biên ký nên ghi rõ những chữ; ngày tháng, giờ nào, đến đâu, nơi giáp giới hoặc cuối nơi giáp giới giặp thuyền đi tuần của đồn biển nào? Đến cuối mỗi tháng, viên đồn biển ấy đem tất cả những giấy biên từng ngày đóng thành một tập là bao nhiêu tờ, bẩm lên, do quan địa phương trình nộp. Quan địa phương sẽ xét trong tháng, trừ ngày nào đúng là có gió mưa, không thể đi được, còn những ngày nếu có đồn biển nào, ngày nào không biên ký, không liên tục với nhau, thì lập tức tra xét. Còn nếu cứ theo mức bình thường, liên tục không gián đoạn, thì cứ mỗi tháng 3 kỳ, tư vào bộ để lưu trữ [74, 428].

Với những qui định tuần thám trên cho thấy sự chặt chẽ của nó. Minh Mạng cho rằng “theo lời bàn thì ngày đêm luôn luôn đi lại như dệt cửi trên mặt biển xông pha sóng gió, thật là đòi hỏi người ta làm điều rất khó, lòng trẫm thực là không nỡ. Nhưng bờ biển là nơi quan trọng, không thể không chú ý. Vậy cho chuẩn định: hàng năm những tháng từ mùa xuân đến mùa thu, chính là khi thuyền công đi vận tải và thuyền buôn qua lại, thì cho theo như lời bàn mà làm. Còn không phải những tháng ấy, thì cho những viên đồn biển trích lấy 1, 2 chiếc thuyền của dân đánh cá, số phu hoặc trên dưới 5, 3 người, đủ dùng để kéo buồm, bẻ lái cũng được. Trừ ngày nào nhân có gió mưa đi ra không tiện, còn mỗi ngày ra cửa đi lại tuần tra, cốt cho được đều đến những nơi giáp giới. Khi gặp việc quan trọng, khẩn cấp thì lập tức chạy báo, để cho việc tuần phòng ngoài bể được nghiêm. Quan địa phương ấy cần phải thường thường nhắc rõ, không được để cho lâu ngày sinh ra trễ nãi, thì phạm lỗi không nhỏ. Còn những điều khác thì cho y theo lời bàn [74, 428].

Xét ra nhà nước đã có nhiều cố gắng trong tuần tra kiểm soát vùng biển nhưng vẫn gần như bất lực với nạn cướp biển. Nguyên nhân của tình trạng trên được thừa nhận là: “Riêng một dải bờ biển kéo dài, gần đây có giặc biển lẻn lút nổi lên, cướp bóc người buôn. Không phải kể một lần mà đủ, đã luôn luôn nghiêm sức cho bọn bộ biền do Kinh phái, tỉnh phái, phải lưu tâm bắt dò. Nhưng nhiều lần căn cứ vào tin báo về sự trạng đánh dẹp, thì chỉ có báo là: khi đến giặp giặc, bắn chết 1,2 tên và cướp lại thuyền buôn mà thôi. Chưa bắt được bọn giặc kết án, nên nó còn dám lảng vảng đi đánh cướp. Xét về nguyên do, đều là vì các viên đi tuần thám e ngại sóng gió, dù có đi dò bắt, rốt cuộc cũng là không có thực dụng.

Lại một lẽ nữa là nếu thuyền công phái đi là loại thuyền bọc đồng nhiều dây, thì bọn giặc trông thấy ắt trốn xa từ trước. Nếu phái thuyền hiệu chữ Bình, chữ Định thì chất thuyền qúa nặng, không thể chạy nhanh chóng bắt giặc được. Các thuyền Ô, Lê lại qúa bé nhỏ, chỉ lợi đánh ở sông, đường biển sóng gió giặc giặc không đuổi được đến cùng. Nay cho bộ Binh bàn bạc, đóng thuyền đi tuần, về qui cách không cần lớn qúa như thuyền hiệu, cũng không nhỏ qúa như thuyền Ô, thuyền Lê. Cốt cho vừa phải giữa hai loại ấy, lại được nhanh nhẹ tiện lợi, khiến cho sức thuyền có thể giúp cho sức binh. Nếu gặp giặc thì có thể ra biển đuổi cho đến cùng, kỳ bắt được mới thôi. Rồi đem kiểu mẫu trình vua xem, để đợi chỉ tuân làm.

Hai khoản kể trên trách cứ vào hai bộ. Nếu chương trình ban ra mà có điều không chu đáo, đến nỗi bộ biền còn được mượn cớ đun đẩy, không chịu hết lòng bắt giặc, thì cứ bộ Binh mà hỏi tội. Nếu đóng thuyền đi tuần đem thí nghiệm mà không được nhanh nhẹ, tiện lợi thì cứ bộ Công mà hỏi tội. Nếu chương trình đã rõ ràng, kiểu thuyền đã tiện lợi, mà các viên tỉnh không biết sắm sửa khí giới cho thuyền binh, đôn đốc nghiêm ngặt các viên biền binh phái đi, để rút cuộc không có công trạng thực tế, thì cứ quan địa phương mà hỏi tội. Nếu quan địa phương đã sắm sửa dụng cụ chiến đấu cho thuyền quân đầy đủ, tất cả bọn bộ biền phái đi cũng đã dạy bảo dặn dò, mà bọn bộ biền vẫn e ngại khó nhọc, tuần thám bất lực, gặp giặc vẫn không bắt được, thì rõ ràng là hèn kém, dù trăm miệng cũng không chối được. Quân pháp nhà nước rất nghiêm. Đến khi ấy trẫm chỉ giữ pháp luật mà làm việc, dứt khoát không rộng giảm nhẹ một chút nào.

Sau đó bộ Binh nghiên cứu, được vua Minh Mạng chuẩn y: “Bình Thuận trở ra bắc đến các đồn biển ở ven biển Quảng Yên, phàm những nơi hai đồn biển tiếp giáp nhau thì đều dựng cột mốc trên bờ biển, ghi rõ phía nam thì thuộc về đồn biển này, phía bắc thì thuộc đồn biển kia. Lại nơi hải phận hai tỉnh tiếp giáp nhau cũng nên hội đồng ra cột mốc rõ ràng, hàng năm cứ tháng giữa xuân đến tháng giữa thu, thuyền đi tuần của Kinh phái, tỉnh phái đều nên trước kỳ chuẩn bị các hạng súng qúa sơn, thần công và súng trường, cùng thuốc đạn, giáo dài, mác sắt, câu liêm, ống phun lửa, cầu đinh lửa, pháo thăng thiên, cho đến quả đá, kim từ thạch, phàm tất cả dụng cụ thủy chiến. Lại đem theo một chiếc kính thiên lý để phòng khi đi thuyền nhìn ngắm. Bộ biền Kinh phái thì được lĩnh 3,4 tháng lương thực. Bộ biền tỉnh phái cũng được lĩnh 1,2 tháng lương thực, đều tùy tiện chia tải để đủ quan dùng. Thuyền đi tuần của các đồn biển thì xét theo hải phận của các đồn biển mà qua lại tuần thám. Mỗi khi đi tuần phải qua chỗ cột mốc giáp nhau mới được trở về. Thuyền đi tuần của tỉnh phái, thì xét theo hải phận của tỉnh mà tuần thám. Khi đi thuyền thì phía nam cần phải đến chỗ cây cột mốc ghi địa giới tỉnh, phía bắc cũng cần đến chỗ cây cột mốc ghi địa giới tỉnh, tổ chức qua lại, chắp nỗi những quãng thuyền di tuần của các đồn biển mà đôn đốc họ. Nếu thuyền đi tuần ở hải phận đồn biển nào mà sơ suất bỏ trỗng, thì lập tức bẩm tỉnh nghiêm hạch để trừng phạt. Thuyền đi tuần do Kinh phái thì có hai đoàn Nam và Bắc. Mỗi đoàn phái đi đến 4, 5 chiếc, chia làm 2 chuyến, mỗi chuyến cách nhau 3, 5 ngày, đại khái chuyến trước đến giữa hải phận, thì chuyến sau mới từ đầu hải phận ra đi, chuyến sau đến giữa hải phận thì chuyến trước mới từ cuối hải phận trở lại. Lần lược qua lại trong khoảng thuyền đi tuần của hải phận tỉnh và hải phận các đồn biển mà đôn đốc tất cả. Đi qua tỉnh mà mà không thấy thuyền tuần tra của tỉnh, thì lập tức báo cho tỉnh để tham hạch trừng phạt. Thuyền đi tuần của Kinh phái, tỉnh phái, ngày nào hiện đi qua hải phận của đồn biển nào, đều phải lấy chữ biên ký của đồn biển ấy để phòng khi tra xét. Trừ những ngày sóng gió thuyền không thể đi được, còn các thuyền ấy đều phải đi chóng về chóng, không được tự tiện chần chừ đỗ lại ở chỗ nào. Khiến cho trên mặt biển thuyền đi tuần của Kinh phái, tỉnh phái, liên tục theo nhau. Nếu gặp thuyền giặc thì lập tức đuổi bắt. Ban ngày thì bắn 3 phát đại bác, ban đêm cũng bắn 3 phát đại bác và bắn 5 chiếc pháo thăng thiên làm hiệu. Phàm xa gần nghe thấy thì lập tức khẩn cấp tiếp viện. Nếu thuyền giặc nhân gió bỏ chạy thì lấy thuyền nhanh nhẹ mà đuổi theo [74, 432].

Các vua Nguyễn đặc biệt quan tâm tới việc vây bắt bằng được thuyền bọn cướp để trị tội. Nhà nước qui định: “Nếu bắt được thuyền giặc hạng lớn như lần ấy đã gặp thì định thưởng 1000 quan tiền. Nếu bắt được thuyền hạng kém thì cho thưởng 500 quan tiền để chia đều, tỏ sự khuyến khích. Nếu là thuyền buôn chở đầy hàng hóa đi buôn bán, thì không được mượn cớ quấy nhiễu, sẽ can tội nặng [74, 432-433]. Ngược lại nếu để giặc biển tiếp tục quấy phá, đánh cướp thì sẽ trị tội rất nặng. Chúng ta dễ nhận thấy điều đó ở cuối mỗi chỉ dụ ban ra: “Không được xem là đã có thuyền binh mà có chút đun đẩy. Nếu một khi có giặc biển lẻn lút nổi lên, thì lập tức đem bộ biền của tỉnh ấy phái đi theo mức nặng mà trị tội”. Tuy nhiên trên thực tế, chống cướp biển là việc làm khó khăn nên việc xét tội cũng không phải dễ, bởi “giặc nổi lên trên mặt biển, số lần có nhiều ít không giống nhau, mà tình hình các viên biền đi tuần thám gặp giặc cũng khác” [74, 433]. Bộ Binh bàn định, được chuẩn y: “hải phận nào giặc nổi lên một lần mà viên tấn thủ và bộ biền hoặc sơ suất không nghe biết, hoặc là xét bắt không nhanh, để đến nỗi bọn giặc chạy thoát được thì đem viên thủ ngự ở hải phận sở tại giáng 4 cấp; quản vệ, quản cơ do tỉnh phái đều giáng 2 cấp, suất đội đều giáng 1 cấp. Nếu đi tại đấy không có quản vệ, quản cơ, mà suất đội là người chuyên trách thì điều giáng 2 cấp. Còn như thuyền binh Kinh phái đi qua ở hạt ấy mà không biết đánh dẹp thì quản vệ cũng đều giáng 2 cấp, suất đội đều giáng 1 cấp. Nếu đã đi qua hạt khác, mà đối với nơi giặc cướp xảy ra, tính về đường biển xa cách, không thể nhìn ngó đến được thì được miễn bàn. Nếu xét ra có chậm trễ ở chỗ nào mà đến nỗi tuần phòng sơ hở thì lập tức trị về tội chậm trễ. Lại như Đề đốc, Phủ doãn, Phủ thừa ở Thừa Thiên, Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát lãnh binh ở các tỉnh ai là người ra biển đi tuần xét, mà có giặc nổi lên thì đều giáng 2 cấp. Còn các viên ở lỵ sở cũng đều giáng 1 cấp để tỏ sự phận biệt. Nếu giặc nổi lên ở hải phận hai đồn biển tiếp giáp nhau, thì xét về hai viên tấn thủ đều giáng 2 cấp, bộ biền do tỉnh phái đi cũng đều giáng 2 cấp. Viên tỉnh lại đều được nghĩ xử giảm một bậc. Các viên nhân đáng giáng cấp kể trên, điều cho lưu chức. Nếu lại có giặc nổi lên, chồng chất đến 2 lần hoặc 3,4 lần thì một lần đều theo như thế mà xử trí. Ai có cấp kỷ (có thành tích đã được cấp kỷ lục) thì cho được xét trừ. Nếu không có cấp kỷ để khả dĩ trừ được mà kê hết số cấp bị giáng qúa nhiều thì nghi giáng lưu chức để xem công hiệu ngày sau. Đợi khi xong việc tuần thám, có thực trạng cố gắng hay không, lại sẽ tâu rõ để làm việc.

Những khoản xử trị trên đây là chỉ về người sơ suất, lười biếng mà nói. Nếu có người ngay khi giặc nổi lên mà hết lòng đuổi bắt, cũng không bắt được bọn giặc kết án, nhưng cũng cứu được thuyền buôn không bị mất gì thì cũng miễn bàn. Nếu thấy giặc mà không chịu đuổi đến cùng, tìm nơi ẩn nấp, và lại có ý thụt lùi, cùng là các khoản nặng về làm lầm lỡ quân cơ, đến khi xét ra sự trạng thế nào thì lập tức theo luật nghị xử [74, 433-434].

Thiệu Trị năm đầu (1841), ban dụ: “một khoản đi tuần biển, trước đã dụ cho trấn thủ các sở phía nam, phía bắc và các tỉnh phái cho thuyền binh qua lại tuần thám rồi. Nay căn cứ Nghệ An tâu báo, hải phận cửa Quèn thuộc hạt ấy lại có giặc người Thanh nhân sơ hở lẻn lút nổi lên. Thật là quái gở. Nên phái thuyền chiến lập tức đi lùng bắt, cho hết giặc biển... trước tiên bắt lấy thuyền giặc kết án, để chờ thưởng hậu. Lại chiếu theo đường biển từ Nam Định đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua lại tra xét cho hết giặc biển. Nếu tìm bắt bất lực, để cho bọn giặc ấy lại được đậu trên biển gây việc, thì dứt khoát khó chối được lỗi nặng. Những quan binh phái đi lần này, xét từ quản vệ trở xuống đều cho thưởng 1 tháng tiền lương. Còn như dự chi tiền lương lĩnh tiếp, cho chiếu theo lệ trước mà làm” [74, 435-436].

Thiệu Trị Năm thứ 2 (1842), dụ rằng: nay khí trời quang tạnh, đường biển thuận tiện, chính là thời tiết thuyền buôn qua lại, nên phải liệu phái thuyền binh đi tuần thám cho nghiêm vùng biển... Lại truyền chỉ cho Thừa Thiên đến Bình Thuận, và phía bắc đến tỉnh Quảng Yên, cũng theo chương trình đó, nghiêm sức cho các tấn thủ trong hạt đều phái thuyền binh đi tuần biển, chiếu theo hải phận, làm việc cho đúng đắn, không được nói suông theo lối cũ, đợi đến thời tiết mưa lụt đều sẽ rút về. Những quan binh được phái đi đều thưởng cho nửa tháng tiền lương" [74, 436].

Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) ban dụ rằng: “căn cứ Quảng Nam tâu báo tình hình, có hơn 20 chiếc thuyền giặc người Thanh đi đến đảo Chiêm, kháng cự thuyền tuần, cướp lấy khí giới. Nên nhanh chóng phái binh đến dập tắt cho yên vùng biển. Lại cho bộ phi tư cho các chiếc thuyền đi tuần về phía nam do Kinh phái đi, nhanh chóng chạy lại đảo Chiêm, ngăn chặn đường đi của thuyền giặc ấy. Đầu đuổi đánh kẹp lại, mong cho sớm dẹp yên giặc biển, cho giặc biển được yên ổn mãi mãi” [74, 436, 437].

Có sự liên kết cùng bắt bọn cướp biển, như bản tâu của Tuần phủ Quảng Ngãi năm 1839: “giặc biển trước đậu ở đảo Chiêm, hiện đã chạy trốn. Nay lại chuyển đến đảo Nam Châm ở tỉnh Quảng Ngãi, lãng vãng trên mặt biển (theo lệnh) đã đôn đốc các thuyền Kinh phái, tỉnh phái chạy đi hội quân cùng đánh. Chính cơ hội này hợp nhiều binh lực, thì tin chắc bọn giặc ắt phải bị bắt. Vậy cho bộ phi tư cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi phái thuyền ở đồn biển đón báo cho các viên biền ngồi ở chiến hạm Viên Uy, Thanh Dương, An Dương, Tỉnh Dương đương tiến về Kinh, phàm khi giặp bọn giặc thì ra sức đánh dẹp, đến thẳng đảo Nam Châm thuộc tỉnh Quảng Ngãi, hội quân cùng đánh, tập hợp bao vây, cốt đem bọn giặc biển bắt hết, bắn hết, kết liễu vụ án, để giúp người đi buôn ngoài biển và mặt biển được yên ổn [74, 437]. Lại ban dụ rằng: “Xét ra ngày trước hơn 20 chiếc thuyền giặc chợt đến đảo ấy gây việc, một khi bị chiếc thuyền lớn Thanh Loan đuổi đánh, bắn phá thuyền giặc ấy lật chìm 2 cái, bọn còn lại theo chiều gió chạy trốn. Nay còn giám nhân sơ hở trở lại như thế, cần phải phái thuyền binh hội lại cùng đánh... lập tức đem bọn giặc ấy đánh giết thật dữ” [74, 437].

Tự Đức năm đầu (1848) ban dụ rằng: “nay khí tời quang tạnh, đưởng biển thuận tiện, chính là thời tiết thuyền buôn qua lại. Nên phái thuyền binh đi tuần thám, cho nghiêm vùng biển… tất cả đều sửa sang thuyền binh, nhận lĩnh khí giới, thuốc đạn, ống phun lửa, vũ khí chiến đấu và kính thiên lý, đầy đủ. Cho đến đầu tuần tháng 2 từ cửa Thuận An nhân gió ra khơi. Phàm tất cả công việc tuần tra như thoi dệt, cốt mong cho giặc biển yên lặng… Những biền binh Kinh phái thưởng cho tiền lương nửa tháng. Công việc dự chi lĩnh tiếp thì cho đều theo lệ trước mà làm” [74, 437-438].

Tự Đức năm thứ 3 (1850), ban dụ rằng: “Một dải đường biển của các hạt từ Quảng Nam trở về phía nam đến tỉnh Biên Hoà cũng khá rộng. Gần đây giặc người Thanh phần nhiều lảng vảng trên mặt biển, nhân sơ hở lẻn lút nổi lên, thường gây ngang trở cho thuyền buôn. Cần phải phái nhiều thuyền binh đi tuần thám, lần lượt đã phái 3 chiếc thuyền đồng Điện Phi, An Hải, Điềm Dương chia đường theo từng hạt mà tuần phòng... Lại truyền chỉ cho Quảng Nam phái nhiều thuyền binh, xét theo hạt mình mà lưu tâm tuần thám. Phàm gặp thuyền dị dạng của người Thanh lảng vãng ở ngoài biển, thì lập tức dũng cảm đuổi theo, trong ngoài vây bắt. Nếu đem thuyền giặc ấy đánh giết không để sót, hoặc bắt chém kết án, thì ắt có thưởng hậu. Nếu coi thường rồi cứ đậu yên, nói suông cho xong việc để cho bọn giặc ấy lại đậu trên biển lẻn lút nổi lên thì ắt trị tội nặng không tha” [74, 438].

Ngoài kiểm soát thuyền buôn, thuyền đánh cá và tiễu trừ giặc biển thì một hoạt động đáng chú ý là chú trọng vào đối tượng tàu thuyền nước ngoài, đặc biệt là những tàu có quốc tịch phương Tây như Pháp, Anh. Năm 1830, qui định ở tấn Đà Nẵng: "các thuyền nước ngoài như thuyền cử nước Pháp, nước Anh đến đậu ở tấn ấy, thì phải báo trước. Cấm nhân dân ở tấn và nhân dân ở địa phương ấy không được tự tiện riêng tây đi lại dắt díu với họ hoặc đến nỗi gây ra sự việc" [74, 417].

Một trong những nguyên nhân tuần tra kém hiệu quả được nhận định qua lời dụ năm 1838, “gần đây giặc bể thường cướp các thuyền buôn đều bởi bọn người đi tuần tiễu sợ hãi sóng gió mà không giám ra xa, để bọn giặc tàu tung hoành cướp chán rồi đi, hơn nữa thuyền nhà vua phái đi như chiếc thuyền khỏa đồng (bọc đồng) và các thuyền hiệu chữ Bình chữ Định đều lớn mà nặng không đi được nhanh, chiếc thuyền Ô, Lê thời lại qúa thấp nhỏ gặp giặc không tiện đuổi xa, vùng bể không được yên tĩnh cũng bởi nguyên nhân kể trên [94, 267]. Từ đó, với mong muốn dẹp yên giặc biển, vua Minh Mạng chuẩn: “cho bộ Binh châm chước bàn định, việc tuần tiễu ở ngoài bể nên như thế nào thời định rõ chương trình. Lại chuẩn cho Công bộ suy tính để đóng các thuyền đi tuần như thế nào cho được nhẹ nhàng thuận tiện”.

Sau Binh bộ tâu lên: “từ tỉnh Bình Thuận trở sang đàng bắc tới tỉnh Quảng Yên, những chỗ cửa bể đã có đồn canh đều theo địa phận tuần phòng, còn những nơi hai cửa bể có đồn canh mà hai tỉnh giáp nhau đều do quan tỉnh theo trên bờ để dựng nêu viết rõ phía nam thuộc cửa bể này, phía bắc thuộc cửa bể kia. Chỗ hai tỉnh giáp nhau cũng hội đồng cắm nêu để làm dấu, hàng năm giữa mùa xuân đến giữa mùa thu thuyền đi tuần do Kinh đô phái đi đều dự bị chiến cụ và thiên lý kính. Những thuyền đi tuần ở các cửa bể có đồn canh thời theo địa phận tuần tiễu. Những thuyền đi tuần ở tỉnh phái đi thời cứ hải phận ở tỉnh mình mà đi lại đốc suất. Thuyền đi tuần ở Kinh phải phân hai để luân phiên đi lại, khiến cho nơi hải phận đều liên lạc với nhau.

Một khi gặp thuyền gặc thời tiến lên để đuổi bắt, thuyền giặc chạy thời đem chiếc thuyền kiểu mới nhẹ nhàng để đuổi. Nếu im sóng lặng gió thời đem thuyền Ô- lê hay thuyền khinh khoái để đuổi. Đến thời kỳ đi tuần ngoài bể, thời các địa phương dọc theo bờ bể phải chiểu trong hạt mình những đạo nào bãi nào trước đây giặc người nước Thanh thường ẩn nấp, thời cho lính đi trước để đóng giữ hay là vát lấy chiếc thuyền “đại dịch” để lính chở đi, mà mang theo khí giới giả trang là thuyền buôn tùy chỗ đóng lại, khiến thuyền giặc nhận nhầm là thuyền buôn mà đến ăn cướp, thời lập tức xông ra nã bắt như thế thì giặc bể có thể yên được” [94, 268].

Tóm lại công tác tuần tra được tiến hành thường xuyên và liên tục trên biển. Cũng không câu nệ là thuyền nhà nước hay của địa phương, quân chính qui hay dân thường đều sung vào việc tuần tra nếu thấy có hiệu quả; “các viên lần này phái đi tuần thám, nếu có người nhà hoặc thuộc binh, thủ hạ, người nào khỏe mạnh, dũng cảm, bắn giỏi đều nên đem theo để giúp việc sai khiến và chiểu theo lệ lương của binh đinh” [74, 435]. Và thật không khó để tìm những dẫn chứng về điều này bởi nó là điều hiển nhiên. Sách Thực lục, Hội điển của nhà Nguyễn có rất nhiều những thông tin tuần tra mà chúng ta có thể tham khảo [74, 417-439].

Với mong muốn giữ yên mặt biển dưới thời Nguyễn việc tuần biển rất được quan tâm, thể hiện qua rất nhiều chỉ dụ, phân phái rất nhiều binh thuyền thường xuyên tuần thám mặt biển đến khi nào “trông vào không thấy bờ”, tuần tra liên tục “khiến cho trên mặt biển thuyền đi tuần của Kinh phái, tỉnh phái, liên tục theo nhau. Nếu gặp thuyền giặc thì lập tức đuổi bắt”... Tuy nhiên tuần tra phát hiện giặc biển thì rất nhiều mà việc đánh dẹp thì không phải bao giờ cũng thu được kết quả tốt đẹp, thậm chí nhiều lúc thể hiện sự bất lực trước một lực lượng cướp biển vừa nhiều, có tổ chức và có phần táo tợn.

3.4. KIỂM SOÁT TÀU THUYỀN RA VÀO

Với một bờ biển rộng dài thì việc kiểm soát tàu thuyền ra vào là hoạt động quan trọng, thường xuyên dưới triều Nguyễn. Thuyền công, thuyền tư, thuyền trong nước và thuyền nước ngoài đều phải quan tâm kiểm soát không ngoài mục đích an ninh và kinh tế.

Các cơ quan có liên quan như ty Hành nhân, Tào chính và nha Thương Bạc ngoài việc chuyên môn còn có chức năng “quản chế ngoại thương”. Theo tác giả Đỗ Bang [9], với hệ thống quản chế chặt chẽ “nên không một thuyền buôn nước ngoài nào tự ý ra vào buôn bán để tránh thuế và tránh sự kiểm soát của nhà nước” [9, 96].

Tháng 12-1835, Minh Mạng sai “cấp đồ nhung phục cho quan Quảng Thủy để dùng mặc khi có sai phái và xét hỏi các tàu buôn ngoại quốc” [29, 256].

Việc quy định tàu phương Tây chỉ được đến buôn bán ở Đà Nẵng, không được lập cơ sở buôn bán trên đất liền cũng không ngoài mục đích là để dễ bề kiểm soát.

Tàu phương Tây đến cảng biển Việt Nam luôn được dành sự quan tâm đặc biệt, năm Minh Mạng 18 (1837), ban dụ rằng: "tấn Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam là nơi bờ bể quan trọng ở gần Kinh kỳ, tàu thuyền nước ngoài qua lại, quan hệ không phải là nhỏ. Vậy chuẩn định: từ nay phàm tàu thuyền nước ngoài bất kỳ đến khu tấn Đà Nẵng mà đậu nhờ, thì không kể là dấu hiệu nước nào và là kiểu thuyền gì, viên tấn thủ tấn ấy phải tự đến hỏi rõ tình hình. Nếu là việc quan trọng, thì lập tức làm tờ tâu do đường trạm phi ngựa dâng lên, hoặc do lệ tối khẩn phát trạm đưa vào tâu. Còn các công việc tầm thường, cũng lập tức kể đủ duyên do tư vào bộ để chuyển tâu, khiến trẫn sớm được biết hết tình trạng, điều ấy rất là quan trọng. Cần phải hết sức cẩn thận" [74, 417-418], [PL 17].

Ngoài Đà Nẵng là nơi đón tiếp tàu phương Tây, để đề phòng tàu phương Tây có thể đến cửa biển khác khó đối phó, tháng 5 năm 1835, Minh Mạng truyền dụ cho các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Biên Hoà, Gia Định: “từ nay phàm các thuyền của Tây dương đến đỗ ở tấn phận nào thì viên tấn thủ ở cửa biển ấy đem thông ngôn hoặc người nhà Thanh biết tiếng Tây dương đến tại chỗ xét hỏi lý do đến và xem xét hình dáng, màu sơn, cờ hiệu, số người ở trong thuyền nhiều hay ít, thuyền đó là thuyền buôn hay thuyền chiến. Nhất nhất ghi rõ, lập tức báo tỉnh. Nếu thuyền buôn thì theo lệ thường mà làm (tức bảo đến Đà Nẵng- Tg); nếu là tàu chiến thì một mặt phi tấu, một mặt sai phái binh thuyền canh phòng nghiêm ngặt ở tấn phận và phi tư cho tỉnh láng giềng phòng bị. Thuyền ấy đi ngày nào, hoặc vẫn đóng lại làm việc gì, cũng cho phép tiếp tục tâu lên để biết rõ tình trạng” [82, 770].

Đề phòng kiểm soát, ngăn chặn sự gian trá, trà trộn. Minh Mạng năm thứ 11 (1830), ban chỉ: "Từ nay về sau, phàm [tàu nước ngoài] đến buôn ở các địa phương, phải có hàng hóa mới cho vào cảng, không cho nói ỷ vào việc đưa thuyền không đến đón khách để ngăn tình tệ gian trá. Ai trái lệnh thì nghiêm trị không tha" [74, 417].

Tháng 12 năm 1835 Minh Mạng qui định chặt chẽ việc kiểm soát tàu thuyền phương Tây như: “khi đến đậu phải xét hỏi trong tàu có bao nhiêu người, đăng ký rõ ràng, bẩm lên thượng ty, mới cho lên bờ, mua bán với các cửa hàng chợ búa gần đó, nhưng phải nghiêm việc phòng bị, không cho ở tản mát nhà dân, mua bán xong rồi lại điểm đủ số người, đuổi ra biển không cho một người ở lại” [82, 838].

Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), qui định về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài được như sau:

"Thuyền các nước ngoài đến có chạy vào khu tấn, thì trước khi sắp đến hải phận tấn này, phải kéo cờ hiệu lên để tiện ghi nhận.

Khi thuyền nước ngoài mới vào tấn đậu lại, tiếp được viên tấn thủ uỷ người đến gạn hỏi, thì phải đem ý kiến tới đấy đáp lại rõ ràng. Nếu có bắn súng mừng thì đài trên thành cũng bắn 3 phát đáp lại.

Sau khi thuyền nước ngoài đậu lại, nếu chỉ lấy củi lấy nước thì cho vào lấy ở nơi gần bờ, lấy củi thì phải lấy ở núi Trà Sơn, gánh nước thì phải gánh ở chợ Hàn. Không được di tản vào làng xóm. Một hai ngày lấy xong thì chở đi, không được ở lâu để gây việc.

Thuyền nước ngoài nếu muốn lên chợ ở trên bờ, tìm mua thức ăn thì cũng không cấm, nhưng chỉ cho đi trong số 10 người. Không được đi qúa nhiều và không được mang theo binh khí, súng trường, lên bờ để bắn càn.

Thuyền nước ngoài đến đậu lại để buôn bán, thì khi báo cáo hàng hóa, phải đem cả số người đáp theo trong thuyền và các số súng ống, khi giới là bao nhiêu, khai bẩm minh bạch, do viên tấn thủ kiểm điểm đích thực, ghi chép rõ ràng, kể rõ nguyên do chuyển bẩm và cho lên bờ tùy nơi gần tiện chợ mà buôn bán. Xong việc, lại kiểm soát kỹ lưỡng rồi cho về thuyền. Không được ngầm ở lại trong nhà mọi người. Nếu ai trái lệnh thì lập tức bắt giữ, chiểu theo luật "kẻ nước ngoài vào cõi" mà xử tội chém đầu. Còn người cho bọn ấy ngần ở, thì cũng xét tội như kẻ phạm pháp kia.

Những thuyền con đi theo thuyền lớn, nếu nhân có việc mà chạy đến thì chỉ cho đến chỗ bến nơi tấn thủ mà thôi, không được vượt qua.

Thuyền nước ngoài đến đậu ở cửa tấn không được đi lại riêng với người ta, ngầm thông tin tức và không được cho người ta đến thuyền, để đến nỗi gây ra chuyện" [74, 418-419].

Đối với tàu thuyền trong nước, việc qua lại nơi đò ải, cửa biển, nhà Nguyễn có qui định cụ thể. Ở đây chúng tôi chỉ lược trích những thông tin chủ yếu:

Minh Mạng năm thứ 20 (1839), qui định: “Hai cửa ải Hải Vân, Quảng Bình là nơi quan trọng, gần Kinh kỳ. Từ trước đến nay đặt người trấn thủ, kiểm soát rất nghiêm. Nhưng kẻ trốn tránh hoặc có đi thuyền qua lối khác, đến nỗi cửa ải không thể kiểm soát vào đâu được.

Xét Quảng Bình từ bến đò thôn Động Hải, chuyển ra cửa biển Nhật Lệ, do đường biển vào cửa biển Linh Giang, Quảng Nam từ bến đò Thanh Khê do đường biển đến thẳng bến đò trạm Thừa Phúc phủ Thừa Thiên, hai bến đò ấy vốn không đi qua cửa ải và đồn biển. Từ trước vốn không đặt bến đò ở đấy, chỉ là chủ thuyền xoay kiếm nhiều lợi, mà hành khách cũng cẩu thả tránh sự khó nhọc, đến nỗi kẻ giam manh nhân thế mà được lẻn qua nơi ấy. Nay đều cấm chỉ. Vẫn do hai đồn biển Hải Vân, Nhật Lệ xét hỏi nghiêm ngặt" [74, 421].

Tháng 10 năm 1835, vì quan tỉnh tâu báo chậm nên Minh Mạng qui định: "Từ nay, phàm thuyền nước ngoài đến ở vụng Trà Sơn, nếu là thuyền chiến hoặc có sự tình gì khác thì chuẩn cho viên coi tấn phận Đà Nẵng lập tức một mặt tâu lên, một mặt báo tỉnh. Quan tỉnh lại căn cứ vào tin báo, tiếp tục tâu trình. Còn thuyền buôn đến đỗ thì viên coi tấn phận phải hỏi rõ, rồi tâu lên và đệ trình lên cả cái đơn kê hàng hóa ở trong thuyền. Quan tỉnh chỉ căn cứ theo tờ báo cáo của tấn phận mà tư lên bộ để lưu chuyển, không cần phải tâu" [82, 796].

Những hoạt động kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển chính là việc trực tiếp tiếp cận để xét hỏi tàu thuyền lúc cập cảng để tùy nghi xử lý, như tháng 12-1836, tàu binh nước Pháp vào đậu tại hòn Mỏ Diều thuộc tỉnh Quảng Nam. Khiến người ra hỏi, họ trả lời rằng: “tàu ở thành Tu Lông, đức quốc trưởng khiến đi thao diễn đàng biển đã hơn 1 năm; nay từ Mã Cao trở về, xin ở lại một vài ngày để lấy củi”. Qua ngày mai, bắn một phát súng lớn rồi chạy đi” [29, 265].

Tấu ngày 30-7-1848: Tổng đốc Quảng Nam- Quảng Ngãi Nguyễn Lương Nhàn, khâm phái Tôn Thất Thường báo cáo về việc xét hỏi chiếc thuyền buôn của người Pháp tên là Y Đóa chở hàng tới xin bán ở Đà Nẵng [120, 16].

Tấu ngày 6-2-1849, bộ Lễ báo cáo về việc, “ngày 31-1 thuyền Pháp vào Đà Nẵng- Quảng Nam, lấy cớ là để tìm kiếm nạn nhân và xin cấp giấy tờ. Quan chức tỉnh đó đã sai Lê Chính Thuỳ và Cai đội Vũ Dũng mang giấy tờ đến cho thuyền ấy, Vũ Dũng đã tự tiện một mình xuống thuyền, nói chuyện với thuyền trưởng và xin sách đạo. Lê Chính Thuỳ phải trách mắng, ngăn cản mới trả lại sách đạo nhưng Vũ Dũng lại ngầm lấy 15 lá cờ của Pháp. Cai đội Vũ Dũng trước đã can tội ngầm theo đạo Gia tô, nay lại coi thường luật pháp, tự do giáo thiệp với người Âu. Xin giao Vũ Dũng cho bộ Binh tra hỏi và xét xử” [120, 21].

Trên thực tế hoạt động kiểm soát cũng không tránh khỏi những hạn chế. Có khi quan phụ trách không tâu báo một tàu Pháp vào tránh gió, người phụ trách bị phạt: "lúc ấy tàu Pháp bị gió, ghé vào tránh gió rồi đi không có ý gì. Sao đã cho người ra hỏi lý do rồi mà không tâu lên, chỉ nói qua loa cho xong việc?. Tên Nguyễn Đức Chung làm việc sơ lược, phạt bổng 3 tháng để răn tội" (tấu ngày 3-7-1841) [22, Thiệu Trị, tập 6, 76]

"Châu bản" cho biết, ngày 27-6-1838, Lãnh binh Quảng Nam và Thủ ngự Đà Nẵng Trương Hữu Xuân tâu: "sáng nay có tàu ngoại quốc đỗ tại hòn Mỏ Diều ở ngoài biển, Trương Hữu Xuân và thơ lại Nguyễn Chiêm Lượng ra xét. Khi có quân binh dụng đầy đủ tại thuyền. Ra hỏi thì không có thông ngôn nên không hiểu tiếng nói. Xét thì đó là thuyền binh, thấy cờ như thuyền của nước Phú Lãng Sa (Pháp), có ba cột buồm, mỗi cột 4 tầng, có chừa cửa súng 52 lỗ. Thuyền dài ước 13 trượng (khoảng 52m), rộng ước 3 trượng, súng đại bác 52 khẩu, súng độ kim 8 khẩu, súng điểu thương 400 cây, gươm đao 100 cây, số người hơn 400. Trong kho, đồ đạc không kiểm được" [22, Minh Mạng, tập 64, 30].

Ngay lập tức Minh Mạng cử Đào Trí Phú và Lý Văn Phức vào Đà Nẵng xét, phái đoàn này có báo cáo: "Tuân dụ tới Đà Nẵng thương thuyết với thuyền Phú Lãng Sa nhưng chủ thuyền tên Lập Lạc nói đi các nước để thao diễn, không phải đi về quốc sự. Thuyền chỉ đậu lại vài ngày để mua củi, nước, thực phẩm và sửa dây buồm. Chúng tôi có mời lên công quán nhưng họ không lên vì không phải đi việc công, cho nên không giám lên. Phái viên hỏi sao đổi hiệu cờ, chủ thuyền cho biết đã đổi từ lâu, nhiều nước đã biết và xin vài ngày nữa sẽ ra đi" [22, Minh Mạng, tập 71, 106].

Vào thời Thiệu Trị, cũng xảy ra trường hợp tương tự, khi thuyền Pháp nhổ neo ra đi, thủ ngự còn mang lính đi thuyền theo dõi để đề phòng: "Trước đây đinh thuyền Phú Lãng Sa đậu tại dương phần cù lao Mỏ Diều cửa Đà Nẵng. Tôi đã dâng sớ tâu lên. Hôm nay vào khoảng giờ Tỵ, thuyền ấy nhổ neo ra khơi, tôi liền sức Thủ ngự Võ Văn Hóa đem lính lệ đi thuyền theo dõi để đề phòng. Thấy thuyền ấy theo chiều gió đông thẳng ra khơi, đi xa không thấy bóng buồm" (tấu ngày 17-2-43) [22, Thiệu Trị, tập 25, 30].

Thời Tự Đức cũng lại như vậy. Bản tấu ngày 19-1-1849 cho biết, “Tuần phủ Bình Định Lê Nguyên Trung báo cáo về việc một chiếc tàu thủy chạy bằng động cơ của một nước Tây Âu vào đậu ở hải phận thuộc cửa biển Thị Nại ngày 18-1. Vì không có thông ngôn nên không hỏi han gì được, khi thông ngôn tới trời đã qúa tối nên lại không tiện đến hỏi. Tới giờ Tuất chiếc tàu đó đã nhổ neo chạy đi rồi. Do đó không biết được chiếc tàu đó là của nước nào, trên tàu có bao nhiêu người” [120, 20].

Những sự việc trên cho thấy Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức đã rất quan tâm nhưng cũng cho thấy các thiếu sót: không có thông ngôn túc trực, không biết người Pháp đã thay đổi cờ “từ lâu”, không giám xét hỏi khi trời đã tối, thậm chí họ đến rồi đi mà trấn thủ không biết thông tin gì khác.

Tóm lại để quản lý đất nước có vùng biển dài rộng, lại nhiều cửa biển, nhà Nguyễn đã có nhiều qui định để kiểm soát tàu thuyền ra vào. Đặc biệt vào thời đại phải thường xuyên tiếp xúc với các tàu thuyền nước ngoài, nhà Nguyễn đã rất lưu ý đến những tàu phương Tây. Những hoạt động ấy đã góp phần lớn vào việc nắm bắt thông tin, đảo bảo an ninh, quốc phòng và thu thuế.

3.5. CỨU HỘ, CỨU NẠN

Việc đi biển gặp muôn vàn rủi ro không thể lường trước được, chính vì thế có rất nhiều tàu thuyền gặp nạn. Dưới thời Nguyễn, nhà nước đã có nhiều hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển. Có rất nhiều dẫn liệu về điều này.

Tháng Giêng năm Gia Long thứ 7 (1808), “thuyền bị nạn của sai dịch nước Thanh là bọn Diệp Phương, Hoàng Phúc đậu ở cửa biển Sa Kỳ. Dinh thần Quảng Ngãi đem việc tâu lên. Vua sai cấp cho bạc lụa quần áo rồi sai đưa theo đường bộ về nước. Chủ thuyền là bọn Trần Hoan 8 người cũng cấp cho lương ăn, cho đáp thuyền buôn mà về [79, 717].

Tháng 3 -1808, “thuyền trưởng Hồng Mao là Tô Lô Xuy La Môn đáp chở hơn 500 khách buôn người Thanh bị nạn bão đến đậu ở cửa Đà Nẵng. Dinh thần Quảng Nam tâu lên. Sai cấp thuyền gạo cho tuyền buôn bị nạn rồi sai đưa theo đường bộ trở về nước Thanh. Lại thấy Tô Lô Xuy La Môn cứu giúp nạn nhân, thưởng cho 300 phương gạo rồi bảo đi" [79, 723]

Tháng 7-1809, “có 65 chiếc thuyền vận tải Bắc thành gặp gió ở ngoài phần biển Nghệ An, thủ ngự cửa Luật Hải (cửa Sót) lấy thuyền đánh cá của dân đưa dẫn vào cửa biển” [79, 760].

Tháng 8-1809, “thuyền buôn của Ngô Ngạnh là người Xiêm gặp gió bão dạt vào bến Đà Nẵng, cấp cho 200 phương gạo" [79, 761].

Gia Long rất quan tâm đến việc cứu nạn các tàu công sai của nước ngoài, đó là điều không thể chậm trễ. Tháng 2- 1810, thuyền của Thiên tổng tỉnh Phúc Kiến là Tiêu Nguyên Hầu bị nạn dạt vào cửa biển Cam Ranh ở Bình Hoà, hơn một tháng trấn thần đem việc tâu lên. Vua khiển trách rằng: "sao chậm thế ?". Sai cho Tiêu Nguyên Hầu tiền 30 quan, lụa 4 tấm, vải 5 tấm, gạo 6 phương...”. Điều này được giải thích ngay trong lời dụ của Gia Long: "Thuyền nước ngoài bị nạn, việc giúp đỡ đã có lệ định. Duy Tiêu Nguyên Hầu là người công sai của nước Thanh, cho nên đặc biệt thưởng cấp thêm để tỏ ưu đãi. Các ngươi nên đem ý ấy bảo cho biết". Rồi sai gọi về Kinh, lại cho thêm 100 quan và cho đưa đi đường bộ về nước" [79, 782].

Tháng 3-1810, “thuyền buôn nước Xiêm la gặp gió dạt vào cửa Đại Chiêm, sai dinh thần Quảng Nam theo số hơn 400 người trong thuyền cấp cho 10 ngày lương ăn, rồi cho về" [79, 783].

Tháng Giêng năm 1815, “bọn sai dịch tỉnh Phúc Kiến nước Thanh là Hứa Ninh An và Lý Chấn Thị gặp bão, thuyền dạt vào đậu ở Vũng Lấm trấn Phú Yên, sai trấn thần cấp cho bạc lụa cho về nước” [79, 895].

Tháng 5-1815, “thuyền của sứ thần Xiêm La sang nước Thanh nộp thuế cống, gặp bão vào đậu ở phận biển Bình Định, khẩn xin đến Kinh chầu thăm. Trấn thần tâu lên. Vua sai thưởng mỗi người 3 tháng lương, hộ tống đến Kinh” [79, 900].

Tháng 6-1817, thuyền sứ nước Xiêm sang nước Thanh, gặp gió đậu vào Đà Nẵng. Rồi thuyền ấy lại bị cháy mất hết cả. Việc tâu lên. Vua nói rằng: "thuyền sứ giả bị cháy cũng như thuyền buôn bị nạn". Sai dinh thần Quảng Nam cấp gạo lương hơn 200 phương [79, 951].

Đầu thời Minh Mạng đặt lệ cứu hộ cứu nạn. Tháng 2- 1820, “khiến các cửa biển dự chứa tiền gạo để cấp cho kẻ bị nạn gió bão, nhưng phải xét kẻ bị nạn đó đi việc công hay việc tư mà tùy cấp nhiều ít; nếu đi việc công, thời từ đội trưởng trở lên gia cấp tiền gạo gấp hai” [29, 143-144].

Điều này được Minh Mạng giải thích rõ hơn: “Nay đường biển gian nan hiểm nghèo, sóng gió nổi lên không lường được. Gần đây các quan quân và nhân dân, hoặc đi công tác hoặc đi buôn bán, mạo muội vào chỗ hiểm nghèo, nơi hiểm sâu đều là sự bất đắc dĩ. Hoặc ngẫu nhiên gặp nạn sóng gió, còn sống thì không nơi nương tựa, mà chết thì ai là người chôn cất. Trẫm rất lấy làm thương xót, nên truyền cho các quan địa phương giữ các cửa bể phải dự trữ tiền gạo phòng khi có người gặp nạn sóng gió, thì chiếu công tư phân hạng mà cấp phát” [92, 232].

Việc cứu nạn vì thế mà được tiến hành tốt hơn. Tháng 8-1826, thuyền buôn nước Anh Cát Lợi bị nạn đậu tại Bình Thuận, ngài khiến quan trấn đem tiền gạo cấp cho; rồi bọn nó có 7 người thiện tiện qua thành Gia Định, ngài khiến đưa vào Gia Định cả, chờ gió thuận đưa về” [29, 171].

Bản tấu của thủ ngự Đà Nẵng ngày 27-6 năm Minh Mạng 11(1830), cho biết: “thuyền buôn của tai phú Pháp Ê Đoa, thuyền trưởng Đê Ô Chi Ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thủy thủ đoàn, ngày 20 rời cảng Đà Nẵng đi Lữ Tống buôn bán. Giờ Dần ngày 27, Ê Đoa và 11 thủy thủ đi trên chiếc tam bản lớn cập cảng nói rằng: canh 2 đêm 21 ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước ướng đi cứu hộ, giờ Ngọ đã gặp và đưa họ về cảng [40, 190].

Việc cứu nạn thường xuyên nhưng trong những trường hợp đặc biệt, Minh Mạng đã đối xử rất chu đáo, tạo mọi điều kiện cho họ như cấp phát tiền gạo, chỗ lưu trú và thậm chí cử cả phái bộ đưa người bị nạn về. Tài liệu ghi lại: “tháng 12-1836, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa bị nạn, ghé vào bãi biển Bình Định hơn 90 người. Việc ấy tâu lên, ngài sai lựa nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo; người chủ tàu và mấy người đầu mục ngõ bộ cám ơn lắm. Ngài sắc phái bộ Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống tàu qua Hạ Châu đặng về Anh Cát Lợi [29, 264].

Tháng 11-1831, khiến Lý Văn Phức đi thuyền hiệu Thuỵ Long đưa mấy người bị phong nạn là Giám sinh Trần Khải, Tri huyện Lý Chấn Thanh và hơn 40 người về Quảng Đông [29, 192].

Tháng Giêng 1833, “có một chiếc thuyền quân tuần dương Quảng Đông bị gió vào vũng Sơn Chà tỉnh Quảng Nam. Quan tỉnh tâu lên, ngài ban rằng: “đó là thuyền công sai, không phải như thuyền buôn bị nạn”, khiến cấp cho 300 tiền, 300 phương gạo trắng, phái quan qua hỏi thăm và hậu đãi trâu rượu; thuyền có hư hỏng thì giúp cho, lại đem súng điểu thương, trường thương kiểu có máy tàu mỗi thứ 40 khẩu và thuốc đạn qua tuyên cấp cho” [29, 199]. Có thể nói đây là một sự quan tâm đặc biệt bởi là “thuyền công” của nhà Thanh, hơn nữa lại là thuyền tuần dương. Có thể cũng là một mối quan tâm chung trên biển.

Đến tháng Giêng năm Tự Đức thứ nhất (1848), có sự thay đổi, mỗi người bị nạn được cấp một phương gạo; “cấp cho thuyền buôn nước tàu bị gió xiêu, mỗi người một phương gạo. Ngài truyền chỉ, từ nay về sau có thuyền bị nạn, đều chiếu lệ ấy chẩn cấp” [29, 354].

Ngày 28-5-1849, Tuần phủ Bình Thuận – Khánh Hoà Nguyễn Đăng Uẩn báo cáo về việc có một người dân nước Đô Ba (?) sinh sống ở xứ Yêm Kha (đất Xiêm La) đi thuyền độc một về thăm quê vợ ở xứ Toà Ni, giữa đường gặp nạn, phiêu bạt vào hải phận thôn Vĩnh Hảo, tổng Phú Quý, huyện Tuy Phong nước ta [120, 27].

Năm 1835, Thái Đình Lan, một nhà văn người Thanh đáp thuyền buôn từ Phúc Kiến đi Đài Loan, chẳng may gặp gió trôi dạt vào Lai Cần, thuộc bờ biển Quảng Ngãi. Mãi 4 tháng sau ông mới trở về nước. Trên chuyến hành trình ấy, ông đã cẩn thận ghi chép tất cả những gì ông gặp và sau đó được xuất bản với nhan đề "Hải Nam tạp trước" cung cấp nhiều thông tin quý. Tác phẩm này được GS. Đới Khả Lai (Trung Quốc) giới thiệu trong hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất [56].

Thái Đình Lan bị dạt vào bờ biển Quảng Ngãi ngày 13-10- 1835, đến ngày 5-11 thì có “châu phê” của Minh Mạng: "người này xuất thân hàng văn sĩ, không may gặp bão lớn lâm nạn, tiền đi đường đã cạn, thật đáng thương. Lệnh cho tỉnh, ngoài việc cấp phát tiền gạo, còn gia ân ban cho 50 quan tiền, 20 phương gạo để bày tỏ ý thương xót nạn sinh thiên triều. Còn phát cho những người trong thuyền theo số mỗi người mỗi tháng cấp cho một phương gạo" [56, 320].

Sách Thực lục cho biết sơ lược về thông tin trên, chỉ khác là từ "Lan" ghi thành từ "Hương". GS. Đới Khả Lai cho rằng có khả năng do Lan và Hương thường hay dùng liền với nhau hoặc do quan sử chép sai hoặc do lỗi khắc chữ.

Sau khi có "châu phê" của Minh Mạng, Thái Đình Lan được đối đãi tử tế, còn có ý giữ lại khi ông muốn về nước nhưng cuối cùng cũng "bịn rịn gạt lệ chia tay".

Đới Khả Lai cho biết: "trước và sau khi Thái Đình Lan phiêu dạt vào Việt Nam, còn nhiều văn nhân, thương nhân, binh sĩ, quan viên và họ hàng của họ cũng bị phiêu dạt, triều Nguyễn đều sắp đặt ổn thỏa. Thương nhân được đưa gửi về bằng đường bộ, còn quan viên, văn nhân và binh sĩ được hộ tống bằng đường biển về phía bắc. Những hiện tượng này có thể nói là một biểu hiện của chính sách hữu hảo đối với Trung Quốc của triều Nguyễn" [56, 329].

Cũng có khi thuyền gặp nạn chẳng những không được giúp đỡ mà còn bị “hôi của” trước sự làm ngơ của quan thủ ngự. Vụ tai tiếng đó diễn ra vào tháng 8-1822, ở Thanh Hóa, thuyền bị nạn của người buôn nước Thanh đậu ở cửa biển Y Bích. Thủ ngự là Phan Văn Lý dung túng cho dân cướp hàng hóa. (Sau chuyện vỡ lở, Phan Văn Lý bị tội lưu, chuẩn cho tội đồ) [80, 230].

Có thể nói hoạt động cứu hộ cứu nạn những chiếc tàu không gặp may may trên hải phận Việt Nam đương thời có phần chu đáo. Trong con mắt của những người ngoại quốc được giúp đỡ lúc đó đều tỏ lòng mến phục sự quan tâm của người dân và chính quyền.

Edward Brown, một thủy thủ Anh bị gió dạt vào mũi Varella (nay xác định là Vũng Rô, Khánh Hòa- Tg) nhưng không may bị hải tặc tấn công, bắt giữ. Ông trốn thoát, lạc vào Hòn Khói, nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhân dân. Trong hồi ký của mình, Brown luôn ca ngợi lòng tốt của người Việt Nam, "Ông lấy làm hổ thẹn mà nghĩ rằng nếu như một thủy thủ người Việt chẳng may bị đắm tàu gần bờ biển Anh quốc thì chắc chắn là người đó không được giúp đỡ và ưu ái như người Việt Nam đã giúp đỡ và ưu ái ông" [45, 132].
Tháng 12 năm 1836 sau khi cứu tàu Anh bị đắm ở Hoàng Sa, “bọn họ đều qùi dài, khấu đầu không thôi. sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt” [82, 1051].

Tháng 9-1845, “nước Anh Cát Lợi khiến sứ qua tạ ân (bởi vì năm ngoái tàu nước Anh gặp gió bão, trôi vào cửa biển Bình Thuận, nước mình sai quân đưa về, cho nên bây giờ qua tạ ơn). Ngài ban chiếu thơ đáp lại rất tử tế” [29, 336].

Ngoài việc chuẩn cấp lệ cứu nạn, nhà Nguyễn còn có chính sách đối với người đi biển, vì việc công nếu chẳng may bị chết trên biển thì đều chiếu cấp tiền "hậu tuất nạn gió" [74, 583-585]. Các đồn biển ngoài nhiệm vụ quan sát, phòng thủ còn làm nhiệm vụ cứu nạn thuyền công giặp gió, tìm kiếm tàu thuyền, người gặp nạn [74, 585].

Rõ ràng cứu hộ cứu nạn là hoạt động có nhiều đóng góp, hỗ trợ rất nhiều cho tàu thuyền gặp nạn. Nhà Nguyễn đã làm rất tốt hoạt động nhân đạo này.

• +++ Cuộc đụng độ, gây hấn những năm 1845, 1847, 1856, 1857 ở cửa biển Đà Nẵng, Thuận An của thực dân phương Tây với quân đội nhà Nguyễn là những “va chạm” đáng lưu ý trước khi liên quân Pháp- Tây Ban Nha chính thức nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam năm 1858.

Nhìn từ bên ngoài, đây là những đụng độ không lớn nhưng đối với triều Nguyễn lại để lại rất nhiều vấn đề. Cho thấy tính yếu kém và thiếu chủ động ở những cửa biển được bố trí chu đáo nhất. Nhà Nguyễn đã có rất nhiều cố gắng nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Điều này góp phần cắt nghĩa tại sao năm 1858 nhà Nguyễn chịu thất bại ngay trận đánh đầu tiên.

• +++ Trên vùng biển miền Trung đầy dẫy bọn cướp biển. Chúng hoạt động có tổ chức và trang bị vũ khí mạnh. Nhà Nguyễn đã có rất nhiều nỗ lực trọng hoạt động chống cướp biển. Nhiều tàu thuyền được phái đi tuần tiễu, qua đó phần nào giữ yên mặt biển. Tuy nhiên công tác này cũng bộc lộ những hạn chế, nhất là trong trang bị phương tiện và vũ khí. Bởi vậy cướp biển vẫn tồn tại và là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu thuyền qua lại trên biển.

• +++ Tuần tra là hoạt động quan trọng được tiến hành thường thường xuyên trên biển. Nhà Nguyễn đã tổ chức nhiều đội tuần tra: thuyền Kinh phái, tỉnh phái, các đồn biển với các hình thức phong phú, thường xuyên qua lại kiểm soát và tuần tiễu khi gặp bọn cướp biển. Cùng với hoạt động phòng chống cướp biển, hoạt động tuần tra đã góp phần giữ yên vùng biển.

• +++ Để đảm bảo an ninh quốc phòng và lợi ích kinh tế (thu thuế), nhà Nguyễn đã có nhiều qui định và hoạt động kiểm soát tàu thuyền ra vào. Đó là hoạt động thường xuyên, chặt chẽ đối với tất cả tàu thuyền tới cảng biển, nhờ đó hỗ trợ nhiều cho hoạt động phòng thủ.

Nhà Nguyễn đặc biệt lưu ý việc kiểm soát các tàu thuyền phương Tây. Đây là nhận thức và việc làm đúng đắn trong bối cảnh chung đương thời: tàu thuyền phương Tây không chỉ đến với mục đích thương mại, truyền giáo mà tối thượng là thực dân.

• +++ Nhà Nguyễn đã có nhiều hoạt động cứu hộ cứu nạn những tàu thuyền gặp nạn trên vùng biển miền Trung. Tất cả các tàu thuyền gặp nạn đều được quan tâm giúp đỡ, cấp phát lương thực, tiền bạc, có khi còn cử người đưa về nước.

Nhà nước có qui định và dự trữ tiền gạo ở các cửa biển để dành riêng cho công tác nhân đạo này. Đối với thuyền công sai của nước ngoài gặp nạn luôn có sự chuẩn cấp đặc biệt. Điều đó có ý nghĩa lớn trong hoạt động ngoại giao. Hoạt động của các địa phương cũng đã đóng góp không nhỏ cho công tác cứu nạn.

KẾT LUẬN

Thông qua việc nghiên cứu tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn ở miền Trung, một vùng biển có vị trí chiến lược, tác giả đã cố gắng đã trình bày diễn trình và khái quát nhất mà đề tài hướng tới. Dưới góc độ sử học, tác giả rút ra một số điểm chủ yếu sau:

1. Việt Nam có vùng biển dài rộng, với vị trí chiến lược quan trọng nên trong lịch sử rất được các nhà nước phong kiến coi trọng. Với cái nhìn đúng đắn, họ đã sử dụng biển như một ưu thế trong các hoạt động quân sự và kinh tế, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong một “hành trình” lịch sử (xem thêm Nguyễn Nhã, Luận án).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Do nước ta có vị trí quan trọng, có bờ biển dài, nhiều sông lớn, nên từ xưa đến nay kẻ địch bên ngoài thường lợi dụng biển và sông để xâm lược nước ta. Và ở trên biển, trên sông, trong qúa trình lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bao lần nêu cao truyền thống chống ngoại xâm anh hùng, bất khuất” [129, 37].

Quả thực trong lịch sử chống ngoại xâm, Việt Nam đã lập nên nhiều võ công oanh liệt trên chiến trường sông biển. Tuy không có những lực lượng hải quân thường trực trên biển đúng nghĩa, vì không có nhu cầu giành giật thường xuyên trên biển như châu Âu nhưng các triều đại luôn coi trọng việc tổ chức phòng thủ từ phía biển. Điều này được thể hiện bằng hệ thống phòng thủ mạnh được bố trí ở các cảng biển, cửa sông quan trọng với nhiều tàu thuyền và quân đội, sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ.

Miền Trung là nơi trải qua nhiều biến cố lịch sử, cũng là nơi có phát triển của hệ thống và cách thức phòng thủ rõ nét. Chính vùng biển miền Trung đã chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt của thủy quân chúa Nguyễn chống lại âm mưu xâm lược của tàu chiến, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh. Nguyễn Huệ đã tiêu diệt nhiều thuyền chiến châu Âu sang giúp Nguyễn Ánh.

2. Các vua triều Nguyễn nhận thức rõ về vị thế của biển, đảo. Điều này được thể hiện rõ trong hoạt động thực tiễn [được tác giả chứng minh trong mục 2.1]. Đứng trước sự nhòm ngó của các nước phương Tây, các vua Nguyễn đã thi hành nhiều biện phòng thủ vùng biển.

So với các nước châu Á khác, nhà Nguyễn đã đi đầu trong kinh nghiệm “cộng tác” với phương Tây đương thời. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc trang bị và huấn luyện quân đội, đặc biệt là thủy quân theo kiểu phương Tây. Nhà Nguyễn đã mua và đóng mới nhiều tàu chiến kiểu phương Tây phục vụ cho quân đội. Bên cạnh đó hệ thống thành, pháo đài, đồn cửa biển cũng được mô phỏng kiểu thành của phương Tây với ưu thế phòng thủ tối đa. Các phương tiện kỹ thuật như kính thiên lý cũng được sử dụng rộng rãi trong hoạt động phòng thủ.

Nhà Nguyễn đã tổ chức lực lượng thủy quân theo hướng thủy quân biển. Đây là một binh chủng riêng đúng nghĩa và có thế lực trong khu vực. Bên cạnh quân đội của nhà nước thì quân ở đại phương cũng đóng góp lực lượng và vai trò đáng kể.

Hệ thống thông tin liên lạc cũng góp phần quan trọng trong công tác phòng thủ. Nó đảm bảo nắm bắt thông tin nhanh chóng và chính xác từ phía biển rồi chuyển về Kinh để tùy nghi xem xét, đối phó.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa biển Đà Nẵng và Thuận An, nhà Nguyễn đã xây dựng nơi đây thành những căn cứ phòng thủ mạnh nhất. Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ ở các tỉnh khác cũng được xây dựng với mức độ khác nhau. Đây là một qúa trình xây dựng lâu dài với nhiều sức người, sức của và với mục đích tối thượng bảo vệ được quốc gia độc lập.

3. Tuy việc trang bị, huấn luyện quân đội rất được quan tâm và kỳ vọng rất nhiều vào khả năng phòng thủ. Song khi phải đối đầu với một kẻ thù từ phương Tây thì bộc lộ rất nhiều hạn chế.

Ngay cả tàu chiến kiểu phương Tây, vốn được đánh giá cao cũng chỉ gây thất vọng. Năm Thiệu Trị Thứ 7 (1847), “hai tàu chiến của nước Pháp đến gây sự ở cửa Hàn, phá huỷ 5 tàu bọc đồng của ta. Vua cho 4 tàu bọc đồng từ Kinh đến cứu viện cho Thủy sư Chưởng vệ và Thị lang bộ Binh chỉ huy. Vua hỏi các đại thần về tình hình ở cửa Hàn. Trương Đăng Quế tâu: "ta không lo sợ tàu Tây, nhưng ta lo sợ chính tàu của ta: cứ như bị say sóng, lúc nào cũng đậu ở bờ, nỗi lo của ta là ở đấy". Quả đúng như thế: Năm Tự Đức thứ 11, bảy chiến hạm hai nước Phú Lãng Sa, Y Pha Nho, đến đánh Đà Nẵng, thủy quân ta không được việc gì trong việc đối địch" [113, 47]. Rõ ràng tình trạng kém cỏi của thủy binh đáng báo động. Chính đại thần Trương Đăng Quế cũng nhận thấy nguyên nhân đáng sợ không phải là tàu địch mà chính là tàu của mình.

Hay hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng được xây dựng liên hoàn và kiên cố nhất, ngày 31-5-1845, tàu L’Alcmène chỉ mới vào vịnh đòi thả giám mục Isauropolis cũng làm cho quan quân ở đây “náo loạn tột đỉnh”. Lagrené (tác giả bức ảnh cổ nhất về Việt Nam- Đồn Hai), cho biết: “chúng tôi thả neo cho tàu đậu ở điểm phía nam, không xa hòn Mồ Côi, tức là đảo Quan Sát, ở dưới chân của pháo lũy Non Nay (Đồn Hai. Tg.) mà sự chào đón của của chúng tôi là ba phát ca nông náo nhiệt. Ngay lúc đó, tường thành của pháo lũy phủ kín quân lính vũ trang những cây dáo dài; sự náo loạn lên tới tột đỉnh; ở đây người ta lo chận cửa đi vào; đàng kia người ta lo bố trí những súng đại bác cỡ nhỏ bằng đồng lên bục bắn thành giàn hỏa lực ghê gớm, và có lẽ người ta còn giữ một số súng kiểu này ở trong kho chứa; những súng này được xem như là để bắn chéo hỏa lực của chúng với các súng ở điểm bắc của vụng Hàn”. Và chẳng có điều gì xảy ra, Lagrené có điều kiện để quan sát kỹ hệ thống phòng thủ ở đây.

Lagrené nêu lên thực trạng của hệ thống này: “Có lẽ người ta cũng xem là rất quan trọng đó là những đồn lũy theo mẫu đồn lũy ở vịnh Đà Nẵng, được xây dựng lên để phòng thủ lối vào của các cửa biển hoặc cửa sông chính; nhưng cái sai lầm của họ về các đồn lũy này là lớn biết bao. Trong công cuộc xây dựng những đồn lũy này họ đã không biết đến những nguyên tắc đơn giản nhất của nghệ thuật xây dựng mà hình như người ta đã có bày cho họ (ý nói những người Pháp đã giúp Nguyễn Ánh-Tg). Họ đã trở lui với hệ thống xây dựng cũ của Trung Hoa, nhấn mạnh vào cách cấu trúc một thành tròn, không có hầm hố trú ẩn, không có chiến hào đánh trả, chỉ trổ về phía biển những lỗ tròn để bố trí đại bác, mà với súng đại bác thì khó lòng di chuyển họng súng nhắm. Vả chăng, đồn lũy khác với tất cả mọi loại phòng thủ bờ biển đặt vị trí trên đất, không một lỗ châu mai. Không một lỗ châu mai cho súng đại bác có bố trí sẵn súng để bảo vệ một cái cổng bằng gỗ ọp ẹp, mà người ta có thể nhảy vào với một cũ đá là đủ sập” [27, 295-296].

Bỏ qua những tiểu tiết phải tranh luận, chỉ vài thí dụ trên với cái nhìn từ bên ngoài cũng cho thấy một thực trạng phòng thủ nơi đây. Chính vì thế, trong những cuộc đụng độ với tàu chiến phương Tây trước năm 1858, hệ thống phòng thủ nơi đây không thể hiện được chức năng của mình. Họ hoàn toàn bị động và chịu phần thua thiệt ngay trong những “phép thử” đầu tiên. Những diễn biến trước năm 1858 cho thấy rằng những thăm dò của thực dân phương Tây rất lâu dài nhưng tấn công thì rất chóng vánh. Điều đó hoàn toàn có cơ ở thực tiễn từ hai phía: có “lỗ hổng” ngay trong hệ thống phòng thủ và, kẻ thù biết rất rõ về điều đó.

Dưới triều Nguyễn, hoạt động phòng chống cướp biển cũng là điều đáng lưu ý. Hơn cả sự bất thường của tự nhiên, cướp biển là mối đe doạ và là mối lo sợ lớn nhất trên biển. Chúng đã gây nên rất nhiều vụ cướp bóc trên vùng biển miền Trung, có khi còn táo tợn chống lại quân tuần dương và nã súng vào các đồn biển.

Để đối phó với bọn cướp biển, nhà Nguyễn đã liên tục tiến hành nhiều biện pháp được xem là tốt nhất, có thể. Tựu trung là: tăng cường trang bị thuyền tuần dương, vũ khí, quân đội. Phối hợp giữa các lực lượng cùng vây bắt.

Bên cạnh đó, công tác tuần tra, giám sát tàu thuyền ra vào được tiến hành chặt chẽ. Vai trò chính yếu của hoạt đông này không chỉ là bảo vệ mặt biển, giữ yên hải phận là công tác quan trọng trong việc quốc phòng mà còn cả về giao thông và thương mại. Những hoạt động này đã kết hợp với nhau để thực hiện một mục tiêu chung của nhà nước, đó là ý thức độc lập của một quốc gia có chủ quyền.

4. Từ khi tiếp xúc với người phương Tây thì Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong phát triển hệ thống phòng thủ, quân sự nhưng cũng có không ít rắc rối. Điều này thể hiện rất rõ vào giai đoạn sau, khi nhà Nguyễn giành độc lập đã phải đối diện ngay với âm mưu xâm lược của phương Tây.

Nhà Nguyễn nhận ra điều đó, họ cử tàu thuyền ra ngoại dương để “công vụ”. Theo GS. Phan Huy Lê, việc cử các tàu đi "công vụ" dưới triều Nguyễn là để "thực thi một nhiệm vụ do nhà nước giao phó, nhưng không xác định rõ là nhiệm vụ gì. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác thì có thể hiểu "công vụ" có thể là đi mua hàng hóa, vũ khí, có thể là tìm hiểu tình hình chính trị, quân sự hay có thể kết hợp cả hai nhiệm vụ trên" [59, 445]. Và rõ ràng Việt Nam không phải là kẻ tự cô lập mình trong các mối quan hệ quốc tế.

Nhà sử học Nhật, GS. Yoshiharu Tsuboi cho rằng trong lịch sử, Việt Nam có hai đặc thù là "tính năng động và tính dễ can dự vào các khu vực quan hệ quốc tế", điều này có vẻ trái với lập luận thông thường là tính bảo thủ hay tình trạng cô lập, duy dân tộc của triều Nguyễn nhưng lại đặc biệt có lý vào giai đoạn về sau, khi ông giải thích: "khu vực quan hệ quốc tế mà Việt Nam có phần liên quan thì có hai loại: loại thứ nhất là môi trường trực tiếp và áp đảo của bán đảo Đông Dương và miền nam Trung Hoa; loại thứ hai là những mối quan hệ mờ nhạt hơn và thường xuyên thứ yếu với người khách phương xa- như Ấn Độ, Mã Lai, Xiêm, Hoa, Nhật...rồi từ thế kỷ 16 là người phương Tây" [118, 37-38].

Ngày nay, "tính năng động và tính dễ can dự vào các khu vực quan hệ quốc tế" hẳn nhiên còn có ý nghĩa. Chúng ta cần phải hiểu hơn ai hết vị trí của Việt Nam để có biện pháp xây dựng chiến lược an ninh quốc phòng trong bối cảnh mới, cân đối giữa đất và biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tiếng Việt


1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Phan Thuận An (2003), “Hai tiền đồn của Kinh thành Huế: Trấn Bình đài và Trấn Hải thành”, Huế Xưa & Nay, (63), Tr. 58-65.
3. Đào Duy Anh (2000), Đất nước Việt Nam qua các đời, In lần thứ 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Nguyễn Thế Anh (1972), Kinh tế, xã hội Việt Nam dưới thời các vua triều Nguyễn, Lửa Thiêng, Sài Gòn.
6. Nguyễn Thế Anh (2003), “Điểm sách: Đóng góp vào lịch sử lãnh thổ các chúa Nguyễn tại miền Nam Việt Nam”, Nghiên cứu Huế, (5), Tr. 363-365.
7. Đỗ Bang (1996), Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Thuận Hóa- Hội KHLS Việt Nam.
8. Đỗ Bang, Nguyễn Minh Tường (1996), Chân dung các vua Nguyễn, tập I, Nxb Thuận Hóa, Huế.
9. Đỗ Bang (1997), Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
10. Đỗ Bang (chủ biên) (1997), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, giai đoạn 1802- 1884, Nxb Thuận Hóa, Huế.
11. Đỗ Bang (1998), “Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc phòng của triều Nguyễn”, Tham luận khoa học kỷ niệm 140 năm ngày nhân dân Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đà Nẵng.
12. Đỗ Bang (2003), “Những chiến công chống ngoại xâm vùng biển thời các chúa Nguyễn”, Huế Xưa & Nay, (57), Tr. 66-68.
13. Barrow (J.) (1806), Một chuyến du hành tới Đàng Trong những năm 1792-1793, Bản dịch viết tay, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
14. Borrri (C) (1998), Xứ Đàng Trong, Nxb Tp HCM.
15. Borri (C.) (2003), “Bản tường trình về xứ Đàng Trong”, (L. Cadière viết lời tựa), Nguyễn Cửu Sà dịch, BAVH, Tập 18, Tr. 330-552.
16. David Bulbeck, Li Tana (2006), “Giáp Ngọ niên bình nam đồ”, Anh Vân dịch, Huế Xưa & Nay, (76), Tr. 34-45
17. Cadière (L.) (2003), “Những người Âu đã thấy Huế xưa: Mục sư De Choisy”, Nguyễn Cửu Sà dịch, BAVH, Tập 16, Tr. 239-277.
18. Cadière (L.) (2004), “Những người Pháp phụng sự Gia Long, XI. Nguyễn Ánh và Hội Truyền giáo- Tư liệu chưa công bố”, Đỗ Hữu Thạnh dịch, BAVH, Tập 13, Tr. 5-88.
19. Cadière (L.) (2004), “Những người Pháp phụng sự Gia Long, XII. Thư tín liên lạc của họ”, Đỗ Hữu Thạnh dịch, BAVH, Tập 13, Tr. 465-568.
20. Nguyễn Khắc Cần, Phạm Viết Thực (2001), Việt Nam- Cuộc chiến 1858-1975, Nxb Văn hoá Dân tộc.
21. Châu bản triều Nguyễn (mục lục) (1962), Uỷ ban phiên dịch sử liệu Đại học Huế, Tập I, Triều Gia Long; Tập II, triều Minh Mạng, Huế.
22. Châu bản Triều Nguyễn (mục lục), Bản thảo viết tay, Triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1857), 122 tập, Tư liệu đề tài khoa học cấp nhà nước KX - ĐL: 94 -16.
23. Châu bản triều Nguyễn (mục lục), tập II, Minh Mạng 6 (1825), Nxb Văn Hóa, Hà Nội.
24. Từ Chi, Phạm Đức Dương (1996), “Vài nhận xét về cách ứng xử của người Việt trước biển”, Thông tin Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, (1), Tr. 24-26.
25. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí, nhân vật chí, quan chức chí, Viện Sử học phiên dịch và chú giải.
26. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Binh chế chí, văn tịch chí, bang giao chí, Viện Sử học phiên dịch và chú giải.
27. Cosserat (H.) (2004), “Bức ảnh chụp đầu tiên của một vị trí địa hình xứ Nam hà- Đồn lũy Nom Nay”, Hà Xuân Liêm dịch, BAVH, tập 14, Tr. 292-302.
28. Võ Văn Dật (1974), Lịch sử Đà Nẵng, Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, Đại học Văn khoa Huế.
29. Cao Xuân Dục tuyển tập (2002), Tập 1, Quốc triều sử toát yếu, Bản dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội.
30. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
31. Nguyễn Đình Đầu (2005), Việt Nam- Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb Trẻ, Tp HCM.
32. Nguyễn Văn Đăng (1989), Tìm hiểu thành phố Đà Nẵng trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Luận văn Cử nhân Lịch sử, ĐHTH Huế.
33. Nguyễn Văn Đăng (2002), “Hải Vân sơn trong sử sách triều Nguyễn”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản, Tr. 50-57.
34. Nguyễn Văn Đăng (2003), “Vài nét về ngành đóng thuyền của phương Tây triều Minh Mạng”, Huế Xưa & Nay, (56), Tr. 58-63.
35. Lê Quý Đôn toàn tập (1977), Tập I, Phủ biên tạp lục, Bản dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
36. Lê Quý Đôn (1978), Đại Việt thông sử, Viên Sử học dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
37. Ngô Thời Đôn (2002), "Trấn nhân tiền liệt biểu và sự lược thuật về những người phò tác các chúa Nguyễn, vua Nguyễn", Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản, Tr. 579-585.
38. Sơn Hồng Đức (1975), “Thử khảo sát quần đảo Hoàng Sa”, Sử Địa, (29), Tr. 181-202.
39. Trần Thế Đức và các tác giả (1975), “Thư mục chú giải về Hoàng Sa”, Sử Địa, (29).
40. Hải Đường (2002), “Địa danh Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn”, Những vấn đề lịch sử của triều đại cuối cùng ở Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Tr. 190-191.
41. Lam Giang (1975), “Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa đông hải”, Sử Địa, (29), Tr. 41-53.
42. Võ Nguyên Giáp (1972), Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
43. Trần Văn Giàu (1958), Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước năm 1858, Nxb Xây Dựng, Hà Nội.
44. Hoàng Xuân Hãn (1975), “Quần đảo Hoàng Sa”, Sử Địa, (29), Tr. 7-18.
45. Patrick J. Honey (2001), "Việt Nam vào thế kỷ XIX qua hồi ký của Edward Brown và Trương Vĩnh Ký", Trương Ngọc Phú giới thiệu và chú giải, Nghiên cứu Huế (2), Tr. 130-149.
46. Thuận Hóa (2002), "Những cuộc đối đầu giữa nhà Nguyễn và người Hà Lan", Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Tr. 243-248.
47. Lê Thị Thanh Hòa (1998), Việc đào tạo và sử dụng quan lại của triều Nguyễn từ năm 1802-1884, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
48. Long Hồ (1975), “Hoàng Sa và Trường Sa - Lãnh thổ Việt Nam”, Sử Địa, (29), Tr. 54-114.
49. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (2005), Cố đô Huế xưa và nay, Nxb Thuận Hóa, Huế.
50. Nguyễn Thừa Hỷ, Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng (2000), Đô thị Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
51. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn Học, Hà Nội.
52. Khuyết Danh (1993), Đại Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường dịch, Nxb TpHCM.
53. Thái Văn Kiểm (1975), “Những sử liệu Tây phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam”, Sử Địa, (29), Tr. 32-40.
54. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội KHLS Việt Nam và Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển Văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản.
55. Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, Quyển 2, Nxb Tp HCM.
56. Đới Khả Lai (2001), “Hoa kiều và người Hoa ở Việt Nam trong Hải Nam tạp trước của Thái Đình Lan”, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất, Nxb Thế Giới, Tập 5, Tr. 315-333.
57. Đinh Xuân Lâm (1993), “Triều nguyễn trước âm mưu bành trướng của chủ nghĩa Tư bản phương Tây (1802-1858)”, NCLS, (6), Tr. 6-31.
58. Phan Huy Lê, Vương Hoàng Tuyên, Chu Thiên (1965), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Tập III, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
59. Phan Huy Lê (2001), “Châu bản triều Nguyễn với việc nghiên cứu lịch sử kinh tế”, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất, Nxb Thế Giới, Tập 5, Tr. 337-455.
60. Nguyễn Thế Long, (2005), Bang giao Đại Việt- Triều Tây Sơn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
61. Nguyễn Thế Long, (2005), Bang giao Đại Việt- Triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
62. Huỳnh Lý (1998), “Hội đua thuyền ở Quảng Nam và truyền thống thủy quân của nước ta”, Văn hóa Hội An, Nxb Đà Nẵng, Tr. 102-106.
63. Ngô Sĩ Liên và các sử gia Việt Nam (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
64. Ngô Sĩ Liên và các sử gia Việt Nam (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
65. Lê Đình Liễn (1998), “Công cuộc phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng của triều đình Huế trước sự xâm lược của thực dân Pháp năm 1858”, Tham luận hội thảo khoa học kỷ niệm 140 năm ngày nhân dân Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đà Nẵng.
66. Hãn Nguyên (1975), “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ”, Sử Địa, (29), Tr. 115-150.
67. Nguyễn Nhã (1975), “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa”, Sử Địa (29), Tr. 3-6 và 351.
68. Nguyễn Nhã (1975), “Hoàng Sa qua vài tài liệu văn khố của hội truyền giáo Ba Lê”, Sử Địa, (29), Tr. 258-273.
69. Nguyễn Nhã (2002), Qúa trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Tp HCM.
70. Nhiều tác giả (2005), Lịch sử nhà Nguyễn- Một cách tiếp cận mới, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
71. Đỗ Quỳnh Nga (2003), Thành phố Đà Nẵng dưới triều Nguyễn (1802-1888), Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Sử học, ĐHKH Huế.
72. Đỗ Văn Ninh (1993), “Quân đội nhà Nguyễn”, NCLS, (6), Tr. 45-53.
73. Karashima Noboru (1995), “Hoạt động thương mại của Ấn Độ ở Đông Nam Á thời cổ đại và trung đại”, NCLS, (3).
74. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế.
75. Nguyễn Hữu Châu Phan (2001), "Bối cảnh lịch sử Việt Nam khi người Pháp đến", Nghiên cứu Huế, (2), Tr. 30-71.
76. Nguyễn Phan Quang (1991), “Hồi ký về xứ “Cochinchine” năm 1744”, NCLS (1), Tr. 75-79.
77. Nguyễn Phan Quang (2002), Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb Tp HCM.
78. Quốc sử quán triều Nguyễn (1995), Đại Nam liệt truyện tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
79. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
80. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
81. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 3, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
82. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
83. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 5, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
84. Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam thực lục chính biên, tập 23, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
85. Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam thực lục chính biên, tập 24, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
86. Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam thực lục chính biên, tập 25, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
87. Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam thực lục chính biên, tập 26, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
88. Quốc sử quán triều Nguyễn (1960-1962), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, Sử Học, Hà Nội.
89. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
90. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
91. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
92. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
93. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
94. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
95. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế.
96. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
97. Lưu Anh Rô (2005), Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (1858-1860), Nxb Đà Nẵng.
98. Albert Sallet (2004), “Chiến dịch Pháp- Tây Ban Nha ở vùng Trung- Trung kỳ chiếm Taurane năm 1858-1859”, Hà Xuân Liêm dịch, BAVH, Tập 15, Tr. 341-351.
99. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, bản dịch, Đại học Huế.
100. Ngô Thời Sĩ (1991), Việt sử tiêu án, Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hoá Á châu dịch, Nxb Văn Sử.
101. Trần Đức Anh Sơn (2002), “Các thương cảng vùng Trung Trung bộ Việt Nam và con đường gốm sứ ở vùng tây nam Thái Bình Dương trong thời đại thương mại (thế kỷ XVI-XVIII)”, Huế, triều Nguyễn- Một cái nhìn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
102. Phạm Văn Sơn (1983), Việt sử toàn thư, Hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản xuất bản.
103. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Trẻ, TPHCM.
104. Lê Tắc (1961), An Nam chí lược, Viện Đại học Huế biên dịch và xuất bản.
105. Văn Tân (1975), “Vai trò của thủy quân Việt Nam trong lịch sử dân tộc (từ thời đại Hùng Vương đến thế kỷ XIX)”, NCLS, (5).
106. Võ Long Tê (1975), “Phương diện địa danh học của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Sử Địa, (29), Tr. 211-216.
107. Võ Văn Thắng (2001), “Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt - Chàm”, Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất, Nxb Thế Giới, Tập 5, Tr. 496-504.
108. Chu Thiên (1961), “Vài nét về công thương nghiệp triều nguyễn”, NCLS, (12).
109. Nguyễn Hữu Thông (2002), “Bản đồ các tỉnh miền Trung thời Nguyễn”, Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Tr. 234-238.
110. Cao Huy Thuần (2003), Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Nguyên Thuận dịch, Nxb Tôn Giáo.
111. Nguyễn Quang Trung Tiến (1998), “Triều đình Huế với mặt trận chống Pháp ở Đà Nẵng năm 1858”, Huế Xưa & Nay, (29).
112. Nguyễn Quang Trung Tiến (2000), “Qúa trình thiết lập hệ thống phòng thủ cửa biển Thuận An”, NCLS, (5), Tr. 42-54.
113.Tố Am Nguyễn Toại (2002), "Thủy quân ngày xưa", Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản, Tr. 44-49.
114. Tố Am Nguyễn Toại (2002), "Quan thuyền thời Nguyễn đi ra ngoại dương", Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản, Tr. 121-125.
115. Lưu Trang (2003), Phố cảng Đà Nẵng từ 1802-1860, Tóm tắt luận án Tiến sỹ khoa học Lịch sử, ĐHSP Hà Nội.
116. Lưu Trang (2005), Phố cảng Đà Nẵng từ 1802-1860, Nxb Đà Nẵng.
117. Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), "Vua Gia Long và ngành đóng thuyền tại Nam bộ", Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam, tạp chí Xưa & Nay và Trung tâm bảo tồn Di tich Cố đô Huế xuất bản, Tr. 311-319.
118. Yoshiharu Tsuboi (1993), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, Hội KHLS Việt Nam, Hà Nội.
119. Nguyễn Minh Tường (1996), Cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng, Nxb KHXH, Hà Nội.
120. Trung tâm nghiên cứu Quốc học (2005), Châu bản triều Tự Đức, (1848-1883), Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh, Tạ Quang Phát tuyển chọn và dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội.
121. Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn (2002), Sở Khoa học công nghệ & Môi trường Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xuất bản.
122. Nguyễn Đắc Xuân (2003), “Về chiếc tàu Constitution của Mỹ đến Đà Nẵng năm 1847”, Huế Xưa & Nay, (56), Tr. 54-57.
123. Trương Thị Yến (1979), “Bước đầu tìm hiểu về chuính sách thương nghiệp của nhà nước phong kiến Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII”, NCLS, (4), Tr. 65-76.
124. Trương Thị Yến (1993), “Vài nét về thương nghiệp Việt nam nửa đầu thế kỷ XIX”, NCLS, (6), Tr. 67-74.
125. Viện Sử học (1984), Đô thị cổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
126. Trần Quốc Vượng (1998) “Về một nền văn hóa cảng thị miền Trung”, Việt Nam- Cái nhìn địa văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
127. Trần Quốc Vượng (1998), “Khu phố cổ Hội An”, Văn hóa Hội An, Nxb Đà Nẵng, Tr. 3-12.
128. Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, Nxb Sử Học, Hà Nội.
129. Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng (1983), Quân Thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

B. Tiếng Anh

130. Buttinger (J.) (1958), The smaller dragon, A political history of Viet Nam, New York.
131. White (J.) (1823), A history of a voyage to the China-Sea, Boston.

C. Tiếng Pháp

132. Bulletin des Amis du Vieux Huế (1914-1944), CD.
133. Poivre Piere, Voyage de Piere Poivre en Chochinchine description de la Cochinchine (1748-1780), Ed, H. Cordier, 1887, Revue, d’ Extrême Orient, Vol III.
134. Bouilleveaux (M.) (1858), Voyage dans l’ Indochine 1848-1856. Paris.
135. Héduy (Ph.) (1983), Histoire de l’ indochine, Laconquête 1624-1885, Paris.
136. Langlet (Ph.) (1990), L’ ancienne historyographie d’ Etat au Viet Nam, T.1, Paris.
137. Launay (A.) (1894), Histoire générale de la Socciété des Missions Étrangères, Paris.
138. Lê Thành Khôi (1982) , Histoire du Viet Nam des origines à 1858, Paris.
139. Maybon (Ch.) (1920), Hoistoire moderne du pays d’Annam (1592-1820), Paris.
140. Võ Long Tê (1974), Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d' histoire et de ge'ographie, Sai Gon.

D. Tài liệu Internet

141. “Biến cố lịch sử một thời chưa xa”,
http://www.songvinh.com/LuanHoan/danang/htm/danang04.htm
142. Nguyễn Duy Chính, “Bùi Viện (1839-1878) và cuộc cải cách hải quân”,
http://vanhoc.datviet.com/thuvien/truyen/truyen.asp?id=9305&dang=uni&cochu=10
143. “Hành trình xác lập chủ quyền vùng biển Việt Nam trên những bộ bản đồ - Theo dấu những bộ sách cổ”,
http://www.ciren.gov.vn/modules.php?name=News&file=print&sid=4581
144. “Hoàng Sa”, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia,
http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A3o_Ho%C3%A0ng_Sa
145. Hồ Đắc Duy, “Tìm kho báu của quân Mông Cổ ở đáy biển vịnh Hạ Long”,
http://chimviet.free.fr/5/hdds0053.htm
146. Lam Điền, “Cả một đời nghiên cứu Hoàng Sa”,
http://www.vietnamgiapha.com/view/index.php?mnu=5&id=1013&gid=4&BRSR=80
147. Nguyễn Văn Huy, “Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam”,
http://www.shcd.de/van%20hoc/NVHuy/nguoi%20cham_1.html
148. “Lịch sử Công giáo La Mã tại Việt Nam”,
http://www.vnbaptist.net/Tai_Lieu/LichSuCDG/01.htm
149. Nguyễn Quang Ngọc, “Cuốn sách quý về Hoàng Sa chưa được xuất bản”,
http://www.vnn.vn/chinhtri/2004/02/48990/
150. Dương Trung Quốc, “Việt Nam từng có những hải đội Hoàng Sa”,
http://www.vietnamgiapha.com/view/index.php?mnu=5&id=1023&gid=4&BRSR=40
151. Li Tana, “Một Việt Nam khác? Vương quốc họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 18”,
www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5002&rb=0301 - 77k – Supplemental
152. Cao Huy Thuần, «Vạn đại dung thân»,
http://www.thoidai.org/ThoiDai6/200506_CHThuan.htm
153. Phạm Văn Tuấn, "Lịch sử thuyền, tàu và các lực lượng Hải quân",
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsuthuyenvahaiquan.htm
154. Tài liệu tuyên truyền biển đảo năm 2003-2004,
http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=67&subtopic=166&id=BT2960365127
155. http://www.vpa.org.vn
156. www.xuquang.com
157. http://www.vietnamgiapha.com
158. http://www.nguyentl.free.fr
159. http://vlonely.com
160. http://www.shcd.de
161. http://chimviet.free.fr/index2.htm
162. http://vi.wikipedia.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnh

HẾT
_________________


Lê Tiến Công gửi vào ngày 05 tháng 10 HB6 (2006),
lúc 02: 46: 18 -0700 (PDT) [06 tháng 10 HB6])


_________________


Đưa lên “Web Giao lưu của những người cùng thời”:
chiều thứ bảy (chủ nhật cũ), 18-02 HB7 (2007)
[mùng 2 Tết Đinh hợi HB7]:

Điều chỉnh lại hình thức trình bày trên trang web: 19-02 HB7, lúc 9 giờ 48'

.